Ảnh minh họa
Kết hôn thì dễ, ly hôn lại khó
Trong một lần đi du lịch, N.V.H 26 tuổi ở Hà Nội đã quen và yêu một người đàn ông Hàn Quốc 32 tuổi. Sau một thời gian yêu nhau, hai người tiến đến hôn nhân, đăng kí kết hôn tại Hà Nội. Trước đó, H chỉ biết chồng của mình làm dự án cho một doanh nghiệp ở Hà Nội. Một năm sau ngày cưới, chồng của H kết thúc dự án và về nước.
Ban đầu H chỉ nghĩ là chồng về thăm nhà rồi sẽ sang nhưng càng chờ đợi càng bặt vô âm tín. H sống một mình tại Việt Nam, người chồng đã cắt đứt mọi liên lạc. H tìm đến công ty của chồng tại Việt Nam tìm sự giúp đỡ thì doanh nghiệp này đã chuyển đi. Điều đau lòng nhất là trong suốt thời gian yêu và một năm sau ngày cưới, H vẫn chưa sang Hàn Quốc và chưa đến thăm gia đình nhà chồng, chỉ duy nhất một lần bố mẹ chồng cô sang Việt Nam chơi.
Sau một thời gian nỗ lực tìm kiếm, kết nối với người chồng Hàn Quốc không có kết quả, H tìm tới luật sư để hỗ trợ giải quyết việc ly hôn để tìm cuộc sống mới. Nhưng khi chị gửi đơn lên tòa án không được thụ lý vì không có địa chỉ cụ thể của chồng. Chị H rơi vào tình cảnh 'sống dở chết dở', có chồng cũng như không nhưng cũng chẳng thể tìm kiếm hạnh phúc mới bởi trên giấy tờ hai anh chị vẫn là vợ chồng hợp pháp.
Chị N.T.T qua mai mối của một người bạn bên Hàn Quốc đã có tình cảm với một người bản xứ và quyết định đi đến hôn nhân. Qua Hàn Quốc được hơn một năm, vì bất đồng ngôn ngữ và nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác chị trở về Việt Nam. Sau hai năm, chị lập gia đình cùng với một thanh niên trong thôn và sinh một bé gái kháu khỉnh. Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc nhưng chị T vẫn đau đáu một nỗi lo thường nhật là chưa làm được thủ tục ly hôn với người chồng Hàn Quốc. Về mặt pháp lý, chị không thể đăng ký kết hôn với 'người chồng' hiện tại.
Chị đã tìm đến luật sư để làm đầy đủ thủ tục gửi Tòa án nhân dân tỉnh để tiến hành ly hôn người chồng nước ngoài này, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có hồi âm. Trước đây, biết được khó khăn trong thủ tục ly hôn khi về Việt Nam, chị đã chủ động xin ly hôn tại Hàn Quốc, nhưng gia đình chồng không chấp nhận. Trở về Việt Nam, mọi liên lạc với chồng cũng như gia đình chồng bị cắt đứt.
Hiện nay vì nhiều lí do khác nhau như sự khác biệt về văn hóa, quan điểm, lối sống hay bất đồng ngôn ngữ… mà các vụ ly hôn giữa cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài nói riêng và việc ly hôn có yếu tố nước ngoài nói chung đang ngày càng có xu thế gia tăng. Thực tế, không hiếm trường hợp phụ nữ Việt Nam tuy về được quê hương nhưng do không tiến hành ly hôn người chồng ngoại quốc được nên rất vướng mắc với các quyết định hôn nhân trong tương lai; hoặc trường hợp các cô dâu tự ý bỏ về và người chồng cũng chưa đưa đơn ly hôn ra tòa tại nước ngoài. Trong trường hợp không có Hiệp định tương trợ tư pháp giữa các quốc gia, các thủ tục trở nên rất khó khăn.
Khó khăn khi ly hôn có yếu tố nước ngoài
Luật sư Lê Minh Đức, Công ty Luật TNHH LLA và cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, trong các vụ ly hôn nếu hai vợ chồng thỏa thuận được với nhau và giải quyết các vấn đề về con cái, tài sản sau ly hôn thì thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài cũng đơn giản. Nhưng nếu không thỏa thuận được, việc ly hôn có yếu tố nước ngoài sẽ trở nên khó khăn hơn và mất nhiều thời gian hơn khi giải quyết. Hiện việc thụ lý, giải quyết các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài (đương sự đang ở nước ngoài) thường gặp khó khăn hoặc rất mất thời gian.
Lý giải về những khó khăn trong các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài, theo luật sư Lê Minh Đức, các vụ việc đều phải xác định được thẩm quyền giải quyết của Tòa án liên quan. Quy định của Luật Quốc tịch thì 'người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài ở nước ngoài'. Nhưng căn cứ để xác định 'lâu dài' là như thế nào thì không được quy định cụ thể trong một văn bản nào, gây khó dễ trong cách đánh giá một vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài hay không có. Mà nếu nhóm chủ thể này phát sinh yêu cầu ly hôn, thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc Tòa án tỉnh, thành phố nơi người đó cư trú, khác với trường hợp đương sự cư trú ổn định tại Việt Nam. Trên thực tế, người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài hết hợp đồng không trở về nước, khi phát sinh yêu cầu ly hôn từ đương sự là vợ hoặc chồng ở quê nhà là rất nhiều và nổi cộm hiện nay. Vấn đề thủ tục tố tụng trong trường hợp này gặp khó ngay từ bước xác minh nơi cư trú của đương sự liên quan tại nước ngoài, dẫn đến việc làm chậm, làm khó các bước giải quyết ly hôn, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự đứng đơn.
Một thực tế nữa, để tống đạt được các yêu cầu từ phía Tòa với đương sự liên quan ở nước ngoài, cần làm thủ tục ủy thác tư pháp với các cơ quan tố tụng ngang cấp ở nước ngoài để họ giúp đỡ thực hiện triệu tập, lấy lời khai… việc này được tiến hành dựa trên cơ sở hai quốc gia đã có hiệp định tương trợ tư pháp hoặc tham gia điều ước quốc tế liên quan. Thủ tục này cũng sẽ tốn rất nhiều thời gian, thực tế tính bằng năm để có kết quả, gây kéo dài và cản trở rất lớn đến dự định riêng của đương sự ly hôn.
Khó khăn thứ 3 thường rơi vào các trường hợp người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng không tìm hiểu kĩ về nhân thân, gia cảnh, quê quán, nơi thường trú tại quê hương của vợ hoặc chồng ngoại quốc. Vì lý do đó, không ít trường hợp công dân Việt Nam gặp khó khi chồng ngoại quốc về nước hoặc di chuyển nơi làm việc sang quốc gia khác mà dừng hẳn mối liên hệ, tình cảm đổ vỡ nhưng không thể giải quyết số phận pháp lý của giao kết hôn nhân hiện thời... dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nghiêm trọng. Khi khởi kiện đến tòa án thì không xác định được địa chỉ hoặc không có địa chỉ người nước ngoài, khiến tòa án rất khó khăn trong quá trình xác minh và xử lý vụ án. Nhiều trường hợp, bị đơn trong vụ án là người đang ở nước ngoài khi biết mình bị khởi kiện tại tòa án luôn tìm cách né tránh, thay đổi địa chỉ nên tòa án không thể triệu tập họ tham gia tố tụng và không có chế tài xử lý.
Khi kết hôn với người nước ngoài cần phải xác định được đối tượng mình kết hôn là ai, quê quán, nơi sinh, nghề nghiệp ở đâu và cần có sự xác thực của chính quyền sở tại, có thể chính thống hoặc không chính thống như hóa đơn tiền điện, hóa đơn thanh toán thẻ, số tài khoản ngân hàng, an sinh xã hội… Không nên tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn khi chưa đủ các yếu tố trên. Bởi khi xác định được nơi cư trú thì lúc ly hôn hoặc thực hiện những việc liên quan đến pháp lý sẽ thực hiện được dễ dàng. Tránh tính trạng, không xác định được địa chỉ cư trú dẫn tới khó khăn trong việc giải quyết yêu cầu ly hôn, mất thời gian và thiệt thòi cho nguyên đơn.
Luật sư Lê Minh Đức