Sau khi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025, nhiều người băn khoăn trường hợp vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên, xe cấp cứu liệu có bị xử phạt (với mức phạt theo Nghị định mới rất cao).
Bộ Công an khẳng định việc không chấp hành tín hiệu đèn giao thông để nhường đường cho xe cấp cứu, xe ưu tiên trong trường hợp tình thế cấp thiết sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ảnh minh hoạ
Sẽ trích xuất camera, ảnh, xem clip để tránh oan sai
Theo Bộ Công an, Điều 23, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định hành vi vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp được coi là hành động trong tình huống cấp thiết.
Đồng thời, Điều 11, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rõ không xử phạt hành vi vi phạm trong tình huống cấp thiết.
Khoản 5 Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024 yêu cầu khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường, trạm thu phí phải ưu tiên cho xe ưu tiên qua trạm trong mọi tình huống, không được gây cản trở.
'Do đó, người dân yên tâm, việc không chấp hành tín hiệu đèn giao thông để nhường đường cho xe cấp cứu, xe ưu tiên trong trường hợp 'tình thế cấp thiết' sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính,' Bộ Công an khẳng định.
Trong các trường hợp này, khi lập biên bản xử phạt, lực lượng phụ trách đèn tín hiệu sẽ phối hợp với Cảnh sát giao thông tại chốt, trích xuất camera, hình ảnh vi phạm của người điều khiển xe, cho xem trực tiếp diễn biến hành vi vi phạm và tín hiệu đèn thời điểm đó.
Đối với việc phạt nguội, Cảnh sát giao thông sẽ cho người vi phạm xem lại clip diễn biến toàn trình của vi phạm vượt đèn đỏ trước khi lập biên bản, bảo đảm quyền lợi cho người dân, tránh oan sai.
Sẽ bị phạt nếu không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị xử phạt.
Cụ thể, đối với người đi xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn hoặc gây cản trở đối với xe cơ giới xin vượt, gây cản trở xe ưu tiên bị phạt 100.000-200.000 đồng.
Với người điều khiển xe máy chuyên dùng không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng.
Với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng.
Với người điều khiển ôtô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng.
Về các loại xe ưu tiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định xe ưu tiên gồm: Xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy; xe của lực lượng quân sự, công an và kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe Cảnh sát Giao thông dẫn đường; xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê đi làm nhiệm vụ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.
Nghị định 168 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 100 và Nghị định 123 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đây là văn bản dưới luật quy định về chế tài khi có hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Có hai điểm đáng lưu ý tại Nghị định này đó là tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm phổ biến, lỗi cố ý, có nguy cơ gây tai nạn giao thông và tính điểm giấy phép lái xe để trừ điểm khi người tham gia giao thông vi phạm pháp luật.
Từ khi Nghị định 168 ban hành và đi vào đời sống, tình trạng vi phạm giao thông đã giảm đáng kể, ý thức của người tham gia giao thông tốt hơn. Những vụ tai nạn giao thông ở các đô thị giảm đi cả về số vụ, số người chết và giảm về tính chất nghiêm trọng.
Cục Cảnh sát Giao thông cho biết sau khoảng 3 tuần thực hiện Nghị định 168, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 230.672 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn đường bộ. So với thời gian trước liền kề, số vi phạm bị xử phạt giảm 18.122 trường hợp (7,3%).
Cùng thời điểm trên, bộ mặt giao thông đã có những thay đổi tích cực, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người dân được nâng cao. Tai nạn giao thông cũng giảm cả 3 tiêu chí.
Cục Cảnh sát giao thông đánh giá so với thời gian trước liền kề, số vi phạm đã giảm rõ rệt, đặc biệt trong nhóm vi phạm dễ dẫn tới tai nạn như: không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông (giảm 7,3%), vi phạm tốc độ (giảm 28%), vi phạm nồng độ cồn (giảm 13,5%), vi phạm tải trọng, cơi nới thành thùng xe (giảm 34,5%).
-->