Đi dọc tuyến đường ven biển nối từ TP Sầm Sơn tới huyện Quảng Xương, có thể dễ dàng nhìn thấy 'ma trận' lưới tàng hình, cò mồi, cò giả, chòi canh được giăng khắp từ cánh đồng vào tới bờ ao, vườn nhà dân.
Một người dân đang ngồi làm bẫy chim trên cánh đồng
'Thiên la, địa võng' khắp nơi
Có nơi, lưới được giăng cách công sở địa phương chỉ vài trăm mét. Tiếng âm thanh giả các loại chim như cò, vạc, sáo… phát ra từ những chiếc loa nhỏ vang vọng khắp cánh đồng.
Tất cả đã sẵn sàng cho mùa tận diệt chim trời. Trong vai người đi mua chim, chúng tôi ghé vào một điểm đặt bẫy tại cánh đồng thuộc xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn.
Tại khu ruộng này, có tới hàng chục con cò giả làm bằng xốp, cò mồi (cò thật) được buộc chân, cho đứng trên những chiếc cọc tre làm sẵn, bao quanh chúng là hàng trăm chiếc bẫy kẹp cắm dày đặc dưới ruộng, ngụy trang trong những thân cây nhỏ.
Thấy người lạ, nhiều con cò mồi hoảng sợ tung cánh bay lên nhưng chúng liền bị những chiếc dây kéo ngược trở lại. Bất lực, chúng vỗ cánh phành phạch, kêu la thảm thiết.
Thấy chúng tôi, một người đàn ông hơn 50 tuổi thò đầu ra từ một chiếc chòi nhỏ đã được ngụy trang, đặt cạnh bờ ruộng, như dò xét. Nhưng khi biết ý định của chúng tôi, người đàn ông này không còn đề phòng.
Ông tên N.V.C (ngụ thôn 3, xã Quảng Hùng) làm nghề bẫy chim đã hơn 30 năm. Ông nói lúc nhỏ thường theo bố ra đồng bẫy chim. Sau này, lớn lên không có công ăn việc làm nên cứ tới đầu tháng 9 hằng năm, thời điểm chim di cư về nhiều, lại mang đồ nghề ra đồng mưu sinh.
'Ngày trước, chim di cư về nhiều lắm. Có những đàn cò hàng trăm con, bay trắng cả bầu trời. Chim bắt đầu về nhiều là khoảng giữa tháng 7 âm lịch (đầu tháng 9 dương lịch hằng năm), cho tới qua Tết Nguyên đán. Lúc này, người dân mới rủ nhau ra đồng đặt bẫy bắt chim về cải thiện bữa ăn, chứ không bẫy bắt để buôn bán như bây giờ đâu' - ông C. chia sẻ.
Ông C. thừa nhận khoảng 10 năm lại đây, chim trời bắt đầu thưa vắng. Có những loại trước đây rất nhiều như cò trắng, diệc, sọc trùn... nhưng bây giờ về rất ít, thậm chí nhiều năm không thấy.
Cò mồi, cò giả, lưới giăng khắp nơi trên cánh đồng các xã ven biển Thanh Hóa
Xuôi về phía huyện Quảng Xương, chúng tôi ghé một chòi bẫy chim ở xã Quảng Hải. Ông Đ.V.Kh (62 tuổi) được xem là thợ bẫy chim có tiếng ở địa phương, đang ngồi vót những thanh tre để làm thêm bẫy. Nghe có người hô: 'Có cò đang bay vào', ông liền chạy tới góc giường, bật hệ thống âm thanh.
Ngoài cánh đồng, tiếng cò, vạc từ những chiếc loa đặt sẵn dưới ruộng kêu ầm ĩ, dụ đàn chim trên cao. Tiếp đến, ông Kh. cầm một cây gậy dài, đẩy mạnh, khiến con cò mồi đậu ở đầu gậy phía trên chòi canh tung cánh bay lên không trung, phát ra tiếng kêu gọi bầy đàn.
Sau một hồi giật dây để cò mồi bay lên dụ đàn chim không thành, ông Kh. đành quay vào chòi, tiếp tục công việc ban nãy.
Muôn kiểu tận diệt
Ngày trước, người dân nơi đây thường bẫy chim theo lối truyền thống hoặc dùng nhựa. Nhựa được nhúng vào những que tre, sau đó cắm xuống ruộng. Khi chim, cò về kiếm ăn, dính nhựa không bay lên được nữa. Gần đây, việc bẫy chim đã có rất nhiều cách hơn, như giăng lưới, đặt bẫy. Riêng đối với cò, vạc thì thường được dùng bẫy kẹp - bẫy được làm bằng tre, có lẫy.
Khi cò về kiếm ăn, chúng thường đậu lên những bụi cây cao hơn mặt ruộng. Nếu đậu trúng bẫy đã đặt sẵn, lẫy sẽ sập khiến 2 thanh tre kẹp chắc vào đôi chân. Các loại chim khác thì bẫy bằng lưới tàng hình. Đây là loại bẫy có mức độ 'tàn sát' ghê gớm, đến cả con chim sâu dính lưới cũng chỉ biết giãy giụa trong vô vọng.
Anh Nguyễn Văn Thành (ngụ huyện Quảng Xương) cho biết thuở nhỏ, cứ tới mùa heo may, tiết trời se lạnh, anh thường thấy nhiều đàn chim di cư, nhiều nhất là cò trắng, bay về kiếm ăn trên các cánh đồng quê. Khi đêm xuống, cò thường tìm những bụi cây cao như tre, bạch đàn, kè… để trú ngụ, qua mùa đông rồi mới bay đi.
Đặt bẫy dưới ruộng để bắt chim trời
Tuy nhiên, khi chim trời trở thành món ăn đặc sản, cũng là lúc chim di cư thưa vắng trên cánh đồng quê. 'Bây giờ mà tìm thấy một đàn cò vô tư kiếm ăn trên cánh đồng rất khó. Đô thị hóa, đường sá nhiều, cũng có tác động. Thế nhưng, chim hoang dã sụt giảm cơ bản là do việc đặt bẫy mà ra. Trong khi đó, việc ngăn chặn tình trạng này ở quê tôi vẫn chưa thực sự quyết liệt' - anh Thành cho hay.
Cũng theo anh Thành, việc bẫy bắt chim trời không những khiến nhiều loài chim đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, mà còn để lại nhiều bức xúc cho người dân địa phương. Bởi lưới giăng khắp cánh đồng, khiến nhiều loại vật nuôi - như chim bồ câu của người dân - đi kiếm ăn cũng mắc lưới.
'Để tránh lực lượng chức năng, những người bẫy chim thường hoạt động vào ban đêm. Có thời điểm, cả cánh đồng, tiếng chim giả phát ra từ loa âm thanh suốt từ tối cho tới sáng hôm sau, ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt của người dân. Nhiều người bức xúc đã phản ánh lên chính quyền nhưng chỉ được ít bữa đâu lại vào đó' - anh Thành bất bình.
Theo chia sẻ của những thợ săn, vào những ngày mưa phùn, trời lạnh, chim hoang dã về trú ngụ, kiếm ăn nhiều, có ngày họ bẫy bắt được hàng trăm con chim. Sau đó, các đầu nậu sẽ tới tận nơi thu mua chim rồi đem bán cho các nhà hàng, quán ăn, hoặc chở lên thành phố bán.
Chim, cò bị săn bắt, được mang đi tiêu thụ
Chế tài chưa đủ răn đe?
Để ngăn chặn nạn bẫy bắt chim trời, ngày 17-5-2022, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Trong chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư. UBND tỉnh Thanh Hóa sau đó cũng đã ban hành văn bản gửi các đơn vị, địa phương để thực hiện. Thế nhưng, tình trạng tàn sát chim trời vẫn cứ diễn ra nhức nhối.
Ông Lê Trung Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn), cho biết năm nào địa phương cũng ra quân xử lý tình trạng săn bắt chim trời, đồng thời yêu cầu những hộ có nghề săn bắt chim ký cam kết không giăng lưới, đặt bẫy trên đồng.
'Mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền, nhắc nhở rất nhiều, thậm chí lập biên bản xử phạt, thế nhưng tình trạng bẫy bắt chim trời ở địa phương vẫn còn. Vì sao tình trạng này vẫn còn là do nhiều người lớn tuổi, không có công ăn việc làm, nên họ vẫn lén lút đặt bẫy bắt chim, cò kiếm sống' - ông Đức cho hay.
Ông Mai Ngọc Nhuần, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm ven biển Thanh Hóa, cho biết: 'Từ tháng 9 đến nay, chúng tôi đã lập biên bản, xử phạt tổng cộng hơn 30 triệu đồng với nhiều trường hợp bẫy bắt chim hoang dã. Ngày 18-10, chúng tôi tiếp tục phát hiện và lập biên bản xử phạt thêm 2 trường hợp tại xã Quảng Hùng. Tình trạng bẫy bắt chim trời vẫn còn là do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Hiện mức phạt cao nhất cũng chỉ 3 triệu đồng, nên khi lực lượng chức năng rút đi, người dân lại mang bẫy ra đồng'.
Nếu không có chế tài mạnh hơn nữa thì tình hình này chắc chắn vẫn còn. Bởi ở không ít cánh đồng, sau khi cơ quan chức năng tới xử lý, phá bỏ lưới, bẫy, mấy ngày sau vẫn thấy cò mồi, bẫy, lưới giăng khắp nơi.
Nghề săn bắt chim trời có từ rất lâu ở nhiều xã ven biển các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn, TP Sầm Sơn... của tỉnh Thanh Hóa. Có nơi, việc săn bắt chim trời trở thành một nghề cứ “đến hẹn lại lên” khiến cho những đàn chim hoang dã, chim di cư và những đàn cò trắng dần thưa vắng.