Theo đó, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ UBND tỉnh Khánh Hòa đã có buổi tiếp công dân đối với các hộ dân bị ảnh hưởng Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô (gọi tắt là dự án Sông Lô - tên thương mại là Tổ hợp du lịch Diamond Bay resort & spa Nha Trang) tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang) kéo dài hơn 20 năm qua.
Đây là dự án của Công ty TNHH Hoàn Cầu, được sáng lập bởi cố doanh nhân Trần Thị Hường (thường gọi là bà Tư Hường).
Khu vực dự án Sông Lô với hơn 8 ha đất để hoang hóa hơn 20 năm nay
Theo người dân, dự án này có 7 vấn đề đang tồn tại. Thứ nhất là việc thu hồi đất của các hộ dân nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định pháp luật; cưỡng chế đất của công dân giao cho Công ty TNHH Hoàn Cầu là trái quy định pháp luật.
Thứ hai, việc để đất hoang hóa hơn 20 năm không đưa vào sử dụng đã được nêu tại Báo cáo số 541/BC-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 20-4-2022 là vi phạm Luật Đầu tư và Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Diện tích hoang hóa là hơn 8 ha.
Thứ ba, khu đất II tờ bản đồ trích đo số 721/2013/BĐTĐ xã Phước Đồng có diện tích hơn 8 ha nằm ngoài diện tích quy hoạch 104 ha quy hoạch khu du lịch và giải trí Sông Lô theo Quyết định số 2330/QĐ-UBND ngày 19-12-1996 của UBND TP Nha Trang về phê duyệt quy hoạch đất của xã Phước Đồng từ năm 2006-2010.
Thứ tư, Dự án Sông Lô chưa được cấp phép đầu tư nhưng UBND tỉnh thu hồi và bồi thường cho người dân theo diện nhà nước thu hồi theo Nghị định số 22/NĐ-CP là trái quy định pháp luật.
Thứ năm, Công ty CP Hoàn Cầu Nha Trang sử dụng khu đất nói trên là trái luật. Vì UBND tỉnh Khánh Hoà thay đổi đối tượng cho thuê đất từ Công ty TNHH Hoàn Cầu tại TP HCM sang Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang nhưng không làm lại thủ tục thuê đất, không ký lại hợp đồng thuê đất là vi phạm các qui định.
Thứ sáu, Khu đất II tờ bản đồ trích đo số 721/2013/BĐTĐ xã Phước Đồng có diện tích hơn 8 ha nói trên được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp nhiều Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng 'đất ở không hình thành đơn vị ở', không có trong quy định của Luật Đất đai.
Thứ bảy, người dân cho rằng liên quan đến 7 tờ bản đồ (căn cứ để thu hồi đất thực hiện Dự án Sông Lô) có dấu hiệu giả mạo.
Ông Nguyễn Văn Bình, một người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Sông Lô đã khiếu kiện gần 20 năm qua
Người dân kiến nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi khu đất mà Công ty TNHH Hoàn Cầu đã bỏ hoang hóa 20 năm nay; điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư của chủ đầu tư theo hướng giảm 8 ha nêu trên; đồng thời kiến nghị trả lại khu đất này cho công dân để tránh lãng phí và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Tại buổi tiếp công dân, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm dự án Sông Lô có trên 38,6 ha có 'đất ở không hình thành đơn vị ở'.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận ý kiến trình bày của các hộ dân đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc kiểm tra, rà soát, tham mưu liên quan tiến độ sử dụng đất, quản lý đất đai, hình thức đất ở không hình thành đơn vị ở tại Dự án Sông Lô của Công ty TNHH Hoàn Cầu theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao và các văn bản chỉ đạo có liên quan của UBND tinh; báo cáo UBND tinh kết quả thực hiện trước ngày 30-10-2024.
Ông Tuân giao Thanh tra tỉnh tổng hợp việc triển khai thực hiện các văn bản kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với dự án này; tham mưu UBND tinh báo cáo Thanh tra Chính phủ theo quy định pháp luật; trình UBND tinh trước ngày 30-9-2024.
Bên cạnh đó, ông cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát nội dung 'đất ở không hình thành đơn vị ở' tại dự án theo chức năng, nhiệm vụ; giao UBND TP Nha Trang kiểm tra, rà soát các hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án đề xem xét các trường hợp có khó khăn về cuộc sống, tạo điều kiện cho các hộ dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Đối với việc công dân khiếu nại, kiến nghị, phản ánh các nội dung tại buổi tiếp công dân liên quan đến 7 tờ bản đồ có dấu hiệu giả mạo, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh hòa giao Ban Tiếp công dân tỉnh kiểm tra, rà soát nội dung đơn của công dân (nếu có), tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiềm tra, rà soát xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật; đồng thời theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, Dự án Sông Lô từ năm 2001 được Thủ tướng ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg về việc thu hồi 180,2 ha tại xã Phước Đồng để thực hiện. Quyết định ban hành dựa trên 7 bản đồ trích đo từ số 24 đến 30 do Sở Địa chính tỉnh Khánh Hòa xác lập năm 2001. Tuy nhiên, đa số người dân bị thu hồi đất lại nằm ở tờ bản đồ 22, 23 (lập năm 1996, đang được xã Phước Đồng quản lý) xác định nằm trong dự án và bị buộc phải thu hồi.
Tháng 8-2020, Thanh tra Chính phủ đã cử đoàn công tác kiểm tra rà soát các nội dung phản ánh, kiến nghị của các hộ dân liên quan đến dự án. Đến tháng 4-2022, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo 541/BC-TTCP làm rõ 12 nội dung của công dân, trong đó có nhiều vấn đề tồn tại, sai phạm.