Chiều 14-11, Sở Giao thông Vận tài (GTVT) TP HCM tổ chức Hội nghị tham vấn về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình hiện hữu theo hình thức BOT.
5 dự án BOT trên đường hiện hữu được UBND TP giao Sở GTVT thực hiện theo Nghị quyết 98 gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); Dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành); Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên trên nhiều tuyến đường TP HCM
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết tiêu chí khi thực hiện các dự án BOT là làm sao hài hoà lợi ích nhà đầu tư và chính quyền, phải đưa ra luận cứ có hiệu quả thực sự, vấn đề tác động xã hội, các giải pháp công nghệ làm sao giảm thiểu tác động về giao thông khi thi công xây dựng.
Cuối cùng rà soát tính pháp lý, cái nào thuộc thẩm quyền thành phố sẽ chủ động thực hiện. Cái nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc Trung ương thì thành phố tổng hợp và kiến nghị. Nếu cơ chế này được thông qua sẽ áp dụng cho dự án Vành đai 4 đã có chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Hội nghị nhằm lắng nghe góp ý của nhà khoa học, chuyên gia..
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng Giám đốc Tập Đoàn Đèo Cả, đề nghị các dự án BOT đường hiện hữu nên hạn chế đi trên cao, ưu tiên nghiên cứu đi hầm, nhất là các nút giao để bảo đảm tính thẩm mỹ và cảnh quan. Về phương án tài chính, ông Mai góp ý cần phải thống nhất tiêu chí mềm là phương án thu hồi vốn cho các dự án khoảng 20 năm, không nên để vòng đời dự án cao hơn. Thứ hai để minh bạch và công bằng, các dự án cần thu phí theo chặng (km) thay vì phương án thu theo lượt.
'Ngoài ra, chi phí mặt bằng các dự án đa số rất cao, vượt qua 50% tổng mức đầu tư. Do đó cần thiết phải tính toán tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng do cơ quan nhà nước làm chủ đầu. Bởi công tác giải phóng luôn là vấn đề khó khăn, khó thu hút nhà đầu tư. Nếu không tách nhà đầu tư không dám tham gia' - ông Mai lo lắng.
Tương tự, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP (CII) cho rằng, đường trên cao 1 km tốn 150 tỉ đồng, chi phí rất lớn, chưa kể chỉ giải quyết kẹt xe ở 2 đầu, không giải quyết ùn tắc đường phía dưới.
'Theo tôi, quy hoạch vẫn có đường trên cao nhưng phân kỳ đầu tư, trước mắt tập trung mở rộng, nâng cấp đường hiện hữu, đến giai đoạn nào đó khi lưu lượng trên tuyến đạt bao nhiêu lượt xe thì nhà đầu tư tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 là làm đường trên cao, các thỏa thuận nêu trong hợp đồng mà không cần đấu thầu lại. Với phương án này sẽ dễ kêu gọi nhà đầu tư vì không bị chôn vốn' - ông Bình góp ý.
Ngoài ra, việc thu giá dịch vụ để đảm bảo công bằng, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện của người dân, nên triển khai thu phí tự động theo chặng và cho phép nhà đầu tư thu giá theo thời điểm (giờ cao điểm thu cao hơn giờ thấp điểm).
TS Trần Du Lịch cho rằng nên sớm khởi công 1 hoặc 2 dự án tróng năm sau
Một số nhà đầu tư quan tâm đến mức chiết khấu 11,7% như đề xuất của Tư vấn chưa đủ thu hút doanh nghiệp cũng như lo ngại chính sách cho vay vốn của ngân hàng.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của TP HCM, đề nghị Sở GTVT tăng tốc để khởi công 1 đến 2 dự án trong dịp 30-4-2025 thay vì đến quý 3-2026, đã qua thời điểm sơ kết Nghị quyết 98.
'Doanh nghiệp đầu tư nếu quá 20 năm thì khó thu hút. Đối với 5 dự án này để thu hút nhà đầu tư, nên chăng nhà nước bảo lãnh phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư vì Nghị quyết 98 cho phép. Lúc đó chi phí tài chính sẽ giảm, nhà đầu tư không phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng', TS Trần Du Lịch đề xuất.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm ghi nhận các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư… và sẽ cùng Tư vấn nghiên cứu kỹ lưỡng thiết kế kỹ thuật của 5 dự án, đi trên cao hay xuống thấp vì đây là vấn đề ảnh hưởng đến khả năng tài chính của dự án, giải phóng mặt bằng, thu hút nhà đầu tư.
'Để TP HCM là đầu tàu, là điểm đến thu hút nhà đầu tư thì cần đột phá về hạ tầng. Chúng ta nghiên cứu từng dự án riêng, dự án nào có thể khởi công sớm sẽ làm sớm như năm sau có thể khởi công nâng cấp trục đường Bắc - Nam vì cơ bản hoàn thành 90%. Dự kiến quý I/2024 sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp thẩm quyền thông qua' - ông Lâm nhấn mạnh.