Ngày 7 tháng 5 năm 1942, sau khi hoàn thành một nhiệm vụ được giao, I. Russel Sorgi, phóng viên ảnh của tờ Buffalo Courier Express ở Buffalo (New York, Mỹ) trở về văn phòng trên một con đường khác với mọi ngày.
Bỗng nhiên Sorgi bị một xe cảnh sát tăng tốc vượt qua, trong chốc lát, anh quyết định bám theo xe cảnh sát. Trước mắt anh lúc này là khách sạn Genesee ở 530 Main Street, nơi một cô gái đang ngồi trên gờ tường ngoài cửa sổ tầng 8, ở góc giao giữa 2 con phố Gennesee và Pearl.
Sorgi nhớ lại: "Tôi chộp lấy máy ảnh của mình trong ô tô rồi chụp nhanh 2 bức. Cô gái ấy có vẻ đang do dự… Tôi vội lắp phim vào máy và thiết lập mọi thứ để sẵn sàng chụp bức ảnh tiếp theo. Đúng lúc ấy, cô gái vẫy tay với đám đông bên dưới và gieo mình vào không trung. Đám đông la hét kinh hoàng khi cơ thể cô lao thẳng xuống đường. Tôi tự trấn an bản thân, đợi tới khi cô gái ấy vụt qua tầng thứ hai hay thứ ba gì đó rồi chụp".
Khoảnh khắc Mary Miller gieo mình tự tử được phóng viên ảnh Russel Sorgi ghi lại.
Số báo ra ngày 8 tháng 5 năm 1942 của tờ New York Times đưa tin rằng cô gái là Mary Miller, 35 tuổi, đăng ký thông tin với khách sạn Genesee dưới cái tên M. Miller và nói rằng mình đến từ Chicago. Bài báo này cũng cho biết, ngay sau khi đăng ký, Miller đi vào nhà vệ sinh nữ của khách sạn, khóa cửa và trèo ra khỏi cửa sổ, đứng trên gờ tường trước khi gieo mình xuống dưới.
Cảnh sát đứng vây quanh thi thể Mary Miller.
Hai ngày sau, New York Times xác nhận cô gái tự tử thực sự là Mary Miller. Cô sống cùng chị gái ở Buffalo, nhưng nói dối chị rằng mình tới Indiana để thăm họ hàng. Không có nhiều thông tin về Mary Miller, chỉ biết rằng chị gái cô hoàn toàn sốc nặng khi biết em gái tự kết liễu đời mình.
Bức ảnh do Russel Sorgi chụp có tiêu đề "The Despondent Divorcee" (tạm dịch: Người phụ nữ ly hôn tuyệt vọng) dù chẳng có cơ sở nào chứng tỏ Mary Miller đã kết hôn hay chưa.
Điều khiến vụ tự tử của Mary Miller trở nên khó hiểu là dường như không có động cơ nào đằng sau hành động đó, không bức thư tuyệt mệnh nào được phát hiện và hành động vẫy tay chào đám đông của cô ngay trước khi kết thúc cuộc đời mình cũng thật khó lý giải.
Ngoài Buffalo Courier Express, bức ảnh còn được xuất bản vào trong ấn bản ngày 8 tháng 5 năm 1942 của New York Times và sau đó là tạp chí LIFE. Trong ảnh, có thể thấy một nữ cảnh sát bước vào khách sạn, có thể đang cố gắng tiếp cận Mary Miller trước khi cô tự sát. Có lẽ việc nhìn thấy cảnh sát đã khiến Mary quyết định nhảy xuống vì sợ bị ngăn lại.
Bức ảnh không chỉ hấp dẫn vì được chụp giữa lúc khoảnh khắc tự tử đang diễn ra mà còn bởi nó hé lộ nhiều về xã hội Mỹ lúc bấy giờ qua những chi tiết nhỏ.
Nữ cảnh sát bước vào khách sạn Genesee.
Năm 1942, hầu hết đàn ông phải tham chiến trong Thế chiến II và đó cũng là lúc phụ nữ bắt đầu tham gia lực lượng lao động. Nữ cảnh sát trong ảnh rất có thể là một trong những phụ nữ đầu tiên làm việc trong cơ quan thực thi pháp luật ở Buffalo.
Hai người đàn ông trong quán cà phê, cạnh đó là tấm biển tuyên truyền trong Thế chiến II đặt bên cửa sổ với dòng chữ "Give till it hurts Hitler". Dường như cả hai đều không hay biết gì về nỗi hoảng loạn đang xâm chiếm đám đông trên phố.
2 người đàn ông trong quán cà phê, trước cửa sổ là tấm biển tuyên truyền ghi dòng chữ "Give till it hurts Hitler".
Tấm biển quảng cáo treo bên hông tòa nhà ghi giá phòng tại khách sạn Genesee là "$1.00 and up" (từ 1 USD trở lên) mỗi đêm, và bánh sandwich ở quán cà phê tầng dưới chỉ có giá 10 cent vào năm 1942. Khách sạn Genesee được xây vào năm 1882, nhưng tòa nhà lịch sử này đã bị phá hủy.
Mary Miller vẫn giữ được vẻ bình tĩnh đáng kinh ngạc, dường như cô chỉ đang "lặn" giữa không trung.
Bức ảnh thường được gọi là "The Despondent Divorcee", nhưng cái tên chính xác hơn lại là "The Genesee Hotel Suicide" (tạm dịch: Vụ tự tử ở khách sạn Genesee). Bức ảnh nổi tiếng này còn từng được sử dụng trong một nghiên cứu tâm lý. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 96% người tham gia không nhận thấy Mary Miller tự tử khi xem bức ảnh lần đầu tiên.
Bưu thiếp của khách sạn Genesee cho thấy cửa sổ tầng 8 nơi Mary Miller nhảy xuống.
Mặc dù không ai rõ lý do Mary Miller tự tử, nhưng Mary W. Matthews - một người yêu quý bức ảnh đã chia sẻ những suy nghĩ của mình trên blog cá nhân vào tháng 1/2011. Matthews đặt giả thiết Mary Miller có thể đã yêu một người lính vừa hy sinh trong Thế chiến II. Thực tế, trận hải chiến huyền thoại trên Biển San hô giữa Hải quân đế quốc Nhật và Hải quân Mỹ bắt đầu vào ngày 4 tháng 5 năm 1942 - vài ngày trước khi Miller tự sát. Có lẽ Mary Miller đã yêu say đắm một thủy thủ hy sinh trong trận chiến đó đến nỗi cô không thể tưởng tượng được sẽ sống tiếp ra sao nếu không có người yêu, có thể cô còn mới phát hiện mình đã mang trong mình giọt máu của anh ta nữa. Thời đó, ly hôn bị coi là chuyện rất đáng hổ thẹn, đặc biệt là đối với phụ nữ. Việc chửa hoang còn bị coi là thảm họa hơn cả, có thể vì lẽ đó mà Mary Miller cảm thấy cái chết là câu trả lời hợp lý duy nhất cho mình.
Một câu chuyện thú vị đằng sau bức ảnh chính là về nhiếp ảnh gia Sorgi. Anh có lẽ đã sử dụng máy ảnh Graflex Speed Graphics, loại máy ảnh được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực báo chí vào năm 1942. Đây là loại máy ảnh SLR sử dụng phim 5x4, đó là chi tiết tuyệt vời trong bức ảnh này.
Một chiếc SLR 35mm có thể chụp được 36 ảnh trước khi phải thay phim, Sorgi sẽ phải tháo từng slide ảnh đã dùng và lắp lại phim vào máy ảnh trước lần bấm máy tiếp theo. Bởi vậy, anh phải căn thời gian bấm máy thật chính xác để không lãng phí phim, và anh đã làm được với 2 bức ảnh chụp đúng khoảnh khắc đắt giá - xét về phương diện nhiếp ảnh.
Sự lạnh lùng của một phóng viên ảnh cũng bộc lộ rõ trong tình huống này. Bản năng đầu tiên của Sorgi là ghi lại hình ảnh vụ tự tử cũng như nỗ lực ngăn chặn của cảnh sát, thay vì hoảng loạn hay la hét như đám đông xung quanh.
(Nguồn: Vintages)