Đến ngôi nhà nằm trong một con hẻm yên tĩnh trên đường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ra mở cửa cho tôi là một bà lão tóc trắng như cước nhưng rất nhanh nhẹn, hồng hào. Tôi chào: 'Cô Tám khỏe không?', bà cười móm mém: 'Mới nằm viện 4 ngày nè. Già rồi con, sức khỏe lúc này kém lắm!'. Bà là Hà Thị Kiên (Tám Kiên) - cô giao liên hỏa tốc trong Cụm Tình báo H63 năm nào.
Vợ chồng bà Hà Thị Kiên và ông Nguyễn Văn Minh khi còn trẻ. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Cô giao liên gan dạ
Trong chiến tranh, để đường dây được bảo đảm, thông suốt, bà chấp nhận thoát ly công tác, về sống hợp pháp ở nội đô Sài Gòn, xây dựng cơ sở cách mạng.
Trong cuộc Tổng Tiến công Mậu Thân 1968, bà vừa là giao liên của Cụm Tình báo H63, đưa cán bộ xâm nhập thành phố và từ nội đô ra chiến khu, vừa tham gia chôn cất tử sĩ trên cánh đồng bưng Bình Mỹ.
Bà Tám Kiên sinh năm 1940, tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Bà là con thứ trong một gia đình nông dân yêu nước. Ba má bà sinh được 7 người con. Bà kể ba bà sớm theo cách mạng từ năm 1940 rồi cũng bị địch bắt tù đày tới hai lần. Hơn 10 tuổi, bà đã làm giao liên cho du kích xã Phú Hòa Đông. Rồi những năm 50 của thế kỷ trước, bà tham gia phong trào học sinh - sinh viên. Năm 1961, khi vừa mới qua tuổi 20, bà được kết nạp Đảng.
Những năm đó, Mỹ đổ bộ vào Phú Hòa Đông rất nhiều, đánh phá ác liệt. Cụm Tình báo H63 quyết xây dựng một nhánh giao liên hỏa tốc, vì tình hình ngày càng phức tạp. Bà nhớ, lúc ấy ông Tư Cang (Đại tá Nguyễn Văn Tàu, Cụm trưởng Cụm Tình báo H63) chọn Tám Kiên làm việc này, vì bà chưa có gia đình lại rất bình tĩnh, tháo vát, phù hợp với nội dung công việc.
Giao liên hỏa tốc nhiệm vụ nặng nề, vì ngoài việc phải làm giao thư khẩn theo yêu cầu đã quy định, còn có trách nhiệm đưa đón cán bộ cụm đi lại giữa căn cứ và thành phố, chuyển các tài liệu tình báo hỏa tốc và có nguy cơ bị bắt, bị tù đày bất cứ lúc nào.
Để hợp thức hóa công việc của mình, bà mua bánh phồng ở Củ Chi mang xuống Sài Gòn bán. Chuyến về, bà mua trái cây, rau củ tại chợ Cầu Muối, mang về Củ Chi bán lại. Nhờ vỏ bọc này, bà hoạt động hợp pháp mà không bị địch để ý.
Vợ chồng bà Hà Thị Kiên và ông Nguyễn Văn Minh. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Nhưng một câu chuyện luôn ám ảnh trong đời làm giao liên của bà là trong đợt 1 của Tổng Tiến công Tết Mậu Thân 1968, bà được giao nhiệm vụ đưa ông Tư Lâm - cán bộ tình báo vũ trang của cụm, vào nội thành. Địch càn quét, bắt bớ quá gắt gao, trì hoãn mãi, cuối cùng bà cũng quyết định đưa ông Tư Lâm đi vào ngày mùng 5 Tết.
Bà và ông Tư Lâm đến Hóc Môn, gặp trạm lính gác rất đông, xét kỹ từng người, gây ùn tắc rất lớn. Bà lo lắng, quay sang thấy ông Tư nước da vàng vì vừa dứt cơn sốt rét rừng. Nhìn xuống chân, ông Tư mang đôi dép lê, hằn rõ quai dép cao su. Bà lo lắng: 'Chết rồi anh Tư ơi, sao anh không mang giày ba-ta?'. Ông Tư nhìn xuống chân cũng giật mình bối rối, rồi an ủi bà: 'Không sao đâu em'.
Lần đó, ông Tư Lâm không thoát được. Bà chạy về, nước mắt ràn rụa, nói với ông Tư Cang: 'Anh Tư Lâm bị bắt rồi anh ơi'. Ông Tư Cang an ủi bà: 'Em lánh đi, nếu Tư Lâm chiêu hồi thì anh sẽ liều mạng chết chung với nó'.
Ông Tư Lâm bị tra tấn hết sức dã man, chết đi sống lại bao lần nhưng ông không hé răng nửa lời. Ông bị đày ra nhà tù Phú Quốc rồi hy sinh, thân xác chôn chung với những bạn tù hy sinh khác. Chuyện này vẫn ám ảnh không nguôi trong cuộc đời bà và thành viên Cụm H63.
Những vai diễn bất đắt dĩ
Câu chuyện thứ hai bà nhớ mãi trong sự nghiệp làm giao liên của mình là đưa ông Tư Cang thoát khỏi bốt địch trong gang tấc.
Sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mỹ tung quân ra lùng sục khắp nơi. Ông Tư Cang bảo chiến khu yêu cầu ông phải vào khẩn vì có việc rất quan trọng. Thấy đi ngả Phú Hòa Đông nguy hiểm, bà dẫn ông đi ngả Mỹ Phước vì ít trạm gác.
Hôm sau, bà trong bộ áo dài rất đẹp, duyên dáng còn ông Tư thì trong bộ đồ công chức. Ông bà sắm vai hai vợ chồng lên Mỹ Phước ăn đám giỗ nên mua trái cây, nhang đèn, vàng mã đầy đủ và để trên cái giỏ phía trước của chiếc xe gắn máy. Xe đang chạy bon bon thì có trạm kiểm soát. Vẫn còn ám ảnh vụ ông Tư Lâm nên bà đòi quay về. Nhưng ông Tư Cang bảo quay đầu chạy là tụi nó sẽ đuổi theo, nên phải thật bình tĩnh.
Bà Hà Thị Kiên sống vui vẻ ở tuổi 84 (Ảnh: Hồng Đào)
Khi chiếc xe Honda gần tới trạm kiểm soát, một lính ngụy mang súng chạy ra giữa đường, chặn xe và đòi xem giấy tờ. Đầu tiên, nó lục tung cái giỏ trái cây nhang đèn, vàng mã không thấy gì khả nghi rồi nhìn mặt bà, lật qua lật lại tấm thẻ căn cước. Bà dùng thẻ căn cước thật nên tên lính không phát hiện được gì, nó trả giấy tờ còn nói thêm: 'Bà sang và đẹp người, đẹp nết, ông nhà chắc cưng lắm!', rồi hất hàm sang ông Tư Cang đòi xem giấy tờ. Ông Tư Cang châm điếu thuốc rồi móc túi áo ngực ra một đống giấy tờ nào là thẻ công nhân viên, bằng lái xe, thẻ chấm công, lục thêm túi quần rồi sau cùng mới tới thẻ căn cước.
Tên lính hỏi tên cha, ngày cấp, cũng để tấm thẻ căn cước vào dưới lòng bàn tay bóp vào thả ra hai lần, rồi vuốt vuốt, đoạn nó nói căn cước của ông kỳ quá. Ông Tư đáp: 'Thì các ông cấp sao tôi đi vậy có gì mà kỳ'. Tên lính vào lán trình chỉ huy. Tên chỉ huy ngó lên nhìn thấy ông bà vẫn cười đùa như không có gì xảy ra, nó nói với thằng lính thôi trả giấy cho người ta đi.
Mối duyên trời định
Sau này khi nhắc đến bà hay ông Ba Minh (Đại tá Cổ Anh Phong, bí danh Nguyễn Văn Minh), ông Tư Cang luôn nói vợ chồng bà còn nợ ông một cái đầu heo cảm ơn chuyện mai mối. Bà bảo bà và ông Ba Minh chính là mối duyên trời định.
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, quân địch đánh phá ác liệt, bà chuyển công tác về Rạch Phú Hữu (An Giang). Lúc ấy, các đồng chí nói với bà: 'Có thằng Ba Minh được lắm, hơn em 10 tuổi mà chưa có vợ'. Bà và ông Ba Minh cũng gặp nhau vài lần, ông cũng ngỏ ý với bà nhưng bà từ chối: 'Tôi đâu có ở đây lâu, tôi phải về Sài Gòn nhận nhiệm vụ nữa'.
Rồi mấy năm sau ông bà gặp lại khi cùng hoạt động trong Cụm Tình báo H63. Thấy ông Ba Minh vẫn còn tình cảm với bà, ông Tư Cang lên tiếng mai mối cho ông bà nên vợ nên chồng. Tám Kiên bảo vậy phải làm lễ ra mắt ba má bà. Tại căn cứ hoạt động của Cụm Tình báo H63, ba má dắt tay bà ra giữa căn cứ. Bên đây, người chủ hôn dắt tay ông Ba Minh ra đứng cạnh rồi hỏi: 'Ba Minh có ưng cô Tám Kiên không? Cô Tám có muốn lấy chú Ba không? Vậy hôm nay tổ chức xác nhận trước mặt ông bà có ai phản đối gì không?'. Chờ một lúc, cả 4 cái đầu đều lắc, người chủ hôn lên tiếng: 'Vậy là ông bà ưng thuận gả cô Tám Kiên cho Ba Minh rồi nha'.
Gia đình ông bà Hà Thị Kiên và Nguyễn Văn Minh cùng hai con (Ảnh do gia đình cung cấp)
Lúc ấy, Việt Nam và Mỹ quyết định chọn ngày 27-1-1973 ký kết Hiệp định Paris và hai bên ngừng bắn. Tổ chức quyết định chọn ngày 28-1-1973 là ngày cưới của Tám Kiên và Ba Minh. Đúng ngày đã chọn, Mỹ trở mặt phá hoại hiệp định, tiến hành ném bom, bắn phá khắp miền Nam nhưng đám cưới của ông bà vẫn diễn ra tại Củ Chi trước sự chứng kiến của ba má và đồng đội. Vậy là ông bà nên vợ nên chồng.
Sau đó, ông Ba Minh về Bến Cát (Bình Dương) nhận nhiệm vụ mới, bà vẫn hoạt động tại Sài Gòn, thỉnh thoảng đến thăm chồng. Bà có thai. Để tránh bị địch nghi ngờ, bà đến ở nhờ nhà của một người quen tại Biên Hòa (Đồng Nai). Nhưng đây lại là nhà của một đại tá ngụy quyền. Hằng ngày ra vào nhà, tên đại tá nhìn bà nghi ngờ nhưng không nói gì. Cuối năm 1973, bà sinh đứa con gái đầu lòng trong một bệnh viện tư. Không thể vừa hoạt động vừa nuôi con nhỏ, bà gửi con cho bà con bên nội ở Long An nuôi giúp.
Gia đình bà Hà Thị Kiên và ông Nguyễn Văn Minh cùng các con, cháu nội, cháu ngoại (Ảnh do gia đình cung cấp)
'Đến khi hòa bình lập lại, con gái Cổ Tấn Mỹ Dung được khoảng 1 tuổi rưỡi, gặp ba mẹ không nhận ra. Đó là điều làm tôi đau xót mãi' - bà bùi ngùi nhớ lại.
Từ tháng 5-1972, ông Tư Cang đã thôi làm Cụm trưởng Cụm Tình báo H63, tập trung làm nhiệm vụ Chính ủy Phòng Tình báo miền B2. Ông Ba Minh là người thay thế và giữ cương vị này cho tới ngày chiến thắng 30-4-1975. Sau hòa bình, ông Ba Minh công tác ở Quân khu 7, sau đó tham gia quân báo ở chiến trường Campuchia, tới năm 1997 ông nghỉ hưu với cấp bậc đại tá.
Vợ chồng bà Hà Thị Kiên và ông Nguyễn Văn Minh cùng cháu nội, cháu ngoại. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Còn bà Tám Kiên ra quân với cấp bậc là trung úy, bà làm ở Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM cho đến lúc nghỉ hưu. Năm 1979, bà sinh thêm một người con trai. Khi về làm ở Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, bà phải đi học bổ túc văn hóa. Đó là quãng thời gian vô cùng vất vả khi vừa đi học vừa đi làm vừa nuôi con nhỏ. Có hôm bà đi công tác tận Nhà Bè, về đến nhà hơn 20 giờ, cậu con trai nhỏ Cổ Tấn Minh Quang thỏ thẻ: 'Mẹ ơi, con đói bụng'.
Hai người con của ông bà đều trưởng thành, rất hiếu thảo với cha mẹ. Ông bà có hai cháu nội, hai cháu ngoại. Ông Ba Minh đã mất vào năm 2016. Giờ bà ở với người con trai. Tuổi già nhiều bệnh tật, tiền lương hưu hơn 6 triệu đồng/tháng chẳng đủ mua thuốc để trị bệnh nhưng bà rất hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Thế hệ của tôi đi qua chiến tranh, đã cống hiến phụng sự Tổ quốc bằng tất cả sức lực và máu xương của mình, không ai đòi hỏi bất cứ thứ gì. Tôi mong thế hệ con cháu yêu quý đất nước này, tưởng nhớ xương máu của cha anh và bao thế hệ đã ngã xuống bảo vệ Tổ quốc để sống tử tế và đừng nhạt phai lý tưởng Cộng sản cao đẹp' - bà Tám Kiên nhắn nhủ.