Từ bao đời nay người dân, đặc biệt là ngư dân đã có tập tục an táng, thờ phụng cá Ông tại miếu, đồng thời cử hành nhiều nghi thức tâm linh cầu mưa thuận gió hòa, ra biển thuận lợi, gặp nhiều may mắn...
Ông Nguyễn Hữu Phương (64 tuổi), Trưởng Ban quản lý Khu di tích Miếu Ngư Ông (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, khu miếu thờ và lăng mộ cá Ông (cá voi), cũng như phong tục mai táng và thờ phụng cá Ông của người dân miền biển đã xuất hiện từ hàng trăm năm nay, được truyền từ sang đời khác, tiếp nối gìn giữ đến tận ngày nay.
Điện thờ chính của Miếu Ngư Ông, trên điện có con thuyền đánh cá bằng gỗ nhỏ.
Tương truyền, vào thời vua Lê Thánh Tông (cách đây khoảng gần 700 năm) trong lúc đi thuyền ngang qua vùng biển huyện Cẩm Xuyên thì gặp bão to, gió lớn. Giữa lúc tình hình nguy cấp thì một cá Ông rất lớn bỗng từ đâu xuất hiện, chĩa đầu vào thuyền vua và đẩy vào bờ biển nay thuộc xã Cẩm Nhượng. Khi nhà vua đặt chân lên bờ, thì cũng là lúc cá Ông kiệt sức và chết.
Sau khi thoát nạn, nhà vua vì thương tiếc và để ghi nhớ công ơn nên đã sắc phong cho cá Ông là Nam Hải Nhân Ngư Tôn Thần. Vị trí cá Ông đẩy thuyền vua vào bờ được người dân lập đền thờ và tập tục chôn cất cá Ông cũng xuất hiện từ đó, nơi này được người dân truyền miệng là Miếu Cá Ông, hoặc Miếu Ngư Ông.
Theo lời ông Phương, trước đây khu miếu thờ rất cổ kính vì có lịch sử lâu đời, ngoài vị cá Ông đầu tiên được thờ trong miếu, thì còn hơn rất nhiều ngôi mộ cá Ông được chôn cất bên cạnh. Tuy nhiên, trong chiến tranh, bom đạn tàn phá nên khu miếu cùng các lăng mộ cổ bị phá hủy gần hết, chỉ còn sót lại nền điện và 2 cột nanh hàng trăm năm tuổi của miếu.
Sau chiến tranh, người dân thu thập lại tàn tích và lập lại miếu thờ mới trên nền miếu cũ để tiếp tục thờ phụng theo truyền thống cha ông. Từ năm 1979, miếu thờ tiếp tục thu thập xác cá Ông để mai táng, thờ tự, từ đó đến nay đã có hơn 100 xác cá Ông được đưa về mai táng tại đây. Đến năm 2017, Miếu Ngư Ông được cấp Bằng Di tích lịch sử cấp Tỉnh, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ chi phí cùng người dân tự quyên góp tiền, tu sửa lại ngôi miếu khang trang như hiện tại.
Khi ra biển đánh bắt hải sản, ngư dân gặp xác cá Ông trôi dạt hoặc bị sóng đánh vào bờ sẽ điện báo cho Ban Quản lý Khu di tích biết để chuẩn bị làm lễ tang, cũng như sắp xếp nơi chôn cất như với con người. Ngoài ngư dân địa phương, thì ngư dân các tỉnh thành khác nếu phát hiện xác cá Ông và cần an táng tại Miếu Ngư Ông vẫn được chấp thuận. Theo ông Phương, những cá Ông lớn nhất từng được chôn cất tại đây nặng 4, 5 tấn. Thời gian trước thi thoảng còn có xác cá Ông lớn, nhưng mấy năm gần đây hầu như không còn xuất hiện, đa phần toàn là xác cá con được tìm thấy.
Hai cột nanh có tuổi đời hàng trăm năm trước Miếu Ngư Ông.
Để làm lễ mai táng, đầu tiên là phải phân biệt giới tính của thi thể cá Ông vừa vớt được, thường nhìn vào đặc điểm bên ngoài để nhận dạng. Nhưng theo ông Phương, theo tâm linh thì vẫn phải xin keo bằng 3 đồng xu cổ, nếu 3 lần sấp ngửa thì là bà, cô, còn nếu không phải thì là ngài, cậu. Sau đó, xác cá Ông được tắm rửa bằng rượu, nước thơm, khâm liệm quần áo rồi đặt lên bàn làm lễ, sau đó chôn cất.
Thông thường, chủ tàu tìm thấy xác cá Ông trên biển sẽ lập tức kéo về miếu, cùng Ban Quản lý Khu di tích làm lễ mai táng, sau đó vẫn tổ chức các lễ cúng 3 ngày, 50 ngày, 100 ngày như đối với con người. Xác cá Ông được tìm thấy ngày nào thì hôm đó được xác định là ngày mất, làm giỗ và thờ phụng hàng năm. Chủ tàu phát hiện xác cá Ông thường sẽ chịu toàn bộ chi phí làm lễ mai táng, chịu tang 2 – 3 năm như với người thân trong nhà, cũng đeo khăn tang và làm đám giỗ hàng năm. Đối với những cá Ông trôi dạt vào bờ, Ban Quản lý Khu di tích sẽ tự bỏ chi phí làm lễ.
Hiện nay Miếu Ngư Ông đã xây dựng sẵn khu vực làm nơi an nghỉ cho cá Ông bằng hình thức mộ tiểu quách, khoảng 100 cá Ông đã được an táng và thờ phụng tại đây. Với những xác cá Ông mới được tìm thấy, sẽ chôn cất bằng mộ đất trong khu vực miếu, sau 3 năm mãn hạn tang mới tiến hành cải mộ, đem vào an táng lâu dài trong khu mộ xây. Mỗi ngôi mộ đều được ghi rõ Đức Ngài, Đức Bà (với cá lớn) và Đức Cô, Đức Cậu (với cá nhỏ), cùng ngày được tìm thấy.
Từ xưa đến nay, cá voi luôn được ngư dân gọi bằng cái tên tôn kính là cá Ông, tôn thờ như một vị thần bảo trợ cho người đi biển, cùng những câu chuyện truyền miệng trong dân gian về việc cá Ông thường xuất hiện cứu người đi biển lúc nguy cấp. Vì thế, đây là ngôi miếu linh thiêng đối với người dân nơi đây, đặc biệt là ngư dân lênh đênh suốt ngày trên biển. Lúc chuẩn bị nhổ neo hành trình ra biển, ngư dân đều đến miếu Cá Ông cúng bái, cầu cho mưa thuận gió hòa, gặp nhiều may mắn, cá tôm đầy thuyền.
Khu mộ cá Ông được xây dựng gọn gàng, trang trọng.
Hàng năm, Miếu Ngư Ông sẽ cử hành 3 ngày lễ lớn là Lễ Cầu Ngư (8/4 Âm lịch), Lễ Đức Bà (12/8 Âm lịch) và Lễ Đức Ông (25/10 Âm lịch). Trong đó, Lễ Cầu Ngư được tổ chức lớn nhất, long trọng nhất nhằm cầu mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá dồi dào, mùa màng bội thu, nên dịp này không chỉ ngư dân mà cả người dân trong xứ lẫn cũng kéo đến miếu dâng hương. Người dân miền biển các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng tìm đến miếu rất đông vào dịp lễ này.
Vào ngày Lễ Cầu Ngư, ngư dân sẽ tổ chức rước cá Ông ra biển, hầu hết tàu cá trong khu vực sẽ tập trung về bờ biển trước miếu, tàu nào cũng được trang trí cờ hoa rực rỡ. Hàng ngàn người cũng đến miếu để dâng hương, tỏ lòng thành kính và theo dõi buổi rước cá Ông long trọng này.
Sau khi tế lễ tại miếu, chủ tế sẽ dẫn đầu đoàn người làm lễ, theo sau là đội trống, lao cùng 10 người trong đội chèo thuyền, đi cuối cùng là một chiếc kiệu với đầy đủ lễ vật, trên kiệu có ô lọng cùng một con thuyền đánh cá nhỏ được 8 thanh niên mặc áo lễ chỉnh tề vác trên vai, 2 bên là 8 thiếu nữ cầm dải lụa trắng.
Đoàn nghi lễ ra đến bờ biển, kiệu sẽ được đặt trên một chiếc thuyền lớn rồi chạy ra biển, các tàu thuyền của ngư dân cũng nối đuôi chạy theo tạo nên khung ảnh long trọng, trang nghiêm. Sau khi ra khơi và tế lễ ngoài biển, đoàn tàu sẽ nối đuôi nhau chạy quanh 4 vòng, rồi chiếc thuyền con trên kiệu được thả trôi xuống biển là buổi lễ kết thúc.
Thông thường, vào 3 dịp lễ lớn này, lễ cúng sẽ được làm đồ mặn, còn lại những lễ khác, kể cả lễ mai táng lễ cúng đều được dâng bằng đồ chay. Ngoài ra, vào dịp Tết, đền thờ cũng tổ chức cúng Tất niên và Giao thừa, đồng thời thờ tự suốt 3 ngày Tết. Vào rằm, mùng 1 hàng tháng, miếu cũng tổ chức dâng hương và mở cửa cho người dân hành hương.
Theo lãnh đạo UBND xã Cẩm Nhượng, ngư dân tại đây xem cá Ông như một vị thần hộ mệnh cho họ khi lênh đênh đánh cá giữa biển khơi tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, giúp họ được mưa thuận gió hòa, an toàn và may mắn tôm cá đầy thuyền. Do đó, tục an táng và thờ phụng cá Ông của người dân được thực hiện từ rất lâu đời để họ tỏ lòng thành kính và biết ơn. Đây là phong tục truyền thống tốt đẹp của người dân nên chính quyền cũng ủng hộ và Ban Quản lý Khu di tích Miếu Ngư Ông cũng do chính quyền xã quản lý.
Được biết, không chỉ Miếu Ngư Ông tại xã Cẩm Nhượng, mà tại nhiều địa phương ven biển khác của các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cũng có tập tục mai táng và thờ cúng cá Ông tương tự.