Khoảng trước năm 2003, nhiều hộ gia đình người Việt sống bằng nghề chài lưới ở khu vực Biển Hồ, Campuchia bắt đầu 'hồi hương' về Việt Nam và mưu sinh trên lòng hồ Trị An (Đồng Nai). Họ sống trên khắp khu vực lòng hồ, nhưng tập trung chủ yếu ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu và khu vực lòng hồ thuộc huyện Định Quán.
Những hộ dân '4 không'
Những năm tiếp theo, lượng người Việt 'hồi hương' theo kiểu trên mỗi ngày một đông. Điều đáng nói là họ ở trên đất Campuchia nhiều năm nhưng không được cấp quốc tịch, vì thế, khi 'hồi hương' về Việt Nam cũng không một tờ giấy lận lưng. Toàn bộ sống, sinh hoạt theo kiểu '4 không': Không Giấy khai sinh; không sổ hộ khẩu; không có quốc tịch; không CMND, CCCD.
Những căn nhà tạm bợ của các hộ Việt kiều 'hồi hương' tại ấp 1, xã Mã Đà (ảnh: Thanh Hải)
Do không có giấy tờ cá nhân, nên việc quản lý cũng như làm hồ sơ nhập học cho trẻ em là con em của những gia đình trên gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, do quen với việc mưu sinh lênh đênh cùng con nước, nên những gia đình này ít quan tâm đến việc cho con đi học bởi nhiều lý do. Ngoài những trường hợp chưa có giấy khai sinh thì không nói, nhưng với những đứa trẻ được sinh ra trên lòng hồ, được cấp giấy khai sinh khi có chứng sinh, có quốc tịch Việt Nam vẫn chịu cảnh mù chữ. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng phần lớn do trường xa, không có người đưa đón vì ba mẹ phải mưu sinh trên hồ, thậm chí nhiều người là cha mẹ nhưng không biết đi xe máy nên không đưa đón được.
Làng bè, nơi các hộ dân sinh sống ở ấp 4, xã Mã Đà (ảnh: Thanh Hải)
Trao đổi với Phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà cho biết: theo thống kê trên địa bàn xã đến cuối năm 2023, xã Mã Đà có 236 hộ với 1.157 nhân khẩu là người Việt hồi hương từ Biển Hồ (Campuchia). Do không có giấy tờ tùy thân, không có quốc tịch nên việc xác minh nhân thân để làm các thủ tục hành chính cho họ rất khó. Chỉ có những đứa trẻ sinh ra tại Việt Nam, thì được cấp giấy khai sinh theo Luật quốc tịch 2008.
Tạo điều kiện cho phóng viên tiếp cận với đời sống của các hộ dân trên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và UBND xã Mã Đà đã cử phương tiện, cùng cán bộ đưa phóng viên đến các làng bè mà người Việt hồi hương đang sinh sống tại các ấp 1 và ấp 4 xã Mã Đà để ghi nhận thực tế.
Mưu sinh trên hồ Trị An (ảnh: Thanh Hải)
Người dân được tạo điều kiện sinh sống
Qua trao đổi với phóng viên, những hộ dân trên đều xác nhận mình không có giấy tờ tùy thân, không được cấp quốc tịch khi còn ở bên Campuchia. Phần lớn, những hộ dân trên trước đây làm nghề đánh cá và sinh sống dọc theo các con sông ở miền Tây Việt Nam. Theo sự di chuyển của nguồn lợi hải sản, họ ngược dòng sông Mê Kông đến Biển Hồ đánh bắt hải sản và sinh sống, kết hôn rồi sinh con ở đó.
Do không được chính quyền Campuchia cấp quốc tịch, cũng như nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt, đời sống khó khăn nên họ kéo nhau về Việt Nam và tiếp tục mưu sinh trên hồ Trị An.
Một người đàn ông với con thuyền nhỏ trên hồ Trị An (ảnh: Thanh Hải)
Nói với phóng viên, một ngư dân với nước da đen do phơi mình trên sóng nước cho biết: dù hiện tại chưa được cấp bất kì giấy tờ gì, nhưng những hộ dân là việt kiều hồi hương về Việt Nam từ Biển Hồ (Campuchia) như anh thấy hạnh phúc và yên tâm, vì được chính quyền và pháp luật Việt Nam bảo vệ. Được chính quyền các cấp của tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện cho công việc mưu sinh trên hồ. Ở đây, họ thấy mình được công nhận về nhiều thứ, ngoài các giấy tờ chưa có mà thôi.
Họ chỉ mong ước trong thời gian tới được cấp quốc tịch, cấp CCCD để có thể học và thi giấy phép lái xe, mua xe máy để đưa con đi học. Được sở hữu tài sản cá nhân như mọi công dân khác.
Cùng chia sẻ, chị Nguyễn Thị Đời (SN 2022) hiện đã có gia đình và một đứa con cho biết: Con chị là Lê Văn Mới, sinh năm 2023 và hiện chưa được cấp giấy khai sinh. Chị Đời rất mong chính quyền địa phương cấp Giấy khai sinh cho con mình.
Chị Nguyễn Thị Đời bồng đứa trẻ chưa có Giấy khai sinh (ảnh: Thanh Hải)
Trả lời vấn đề trên, ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà cho biết: 'Năm 2023 do nhập dữ liệu phần mềm mới nên việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em thuộc diện con chị Đời chưa thực hiện được. Còn hiện nay đã được khôi phục và cấp lại, sắp tới UB xã sẽ có thông báo rộng rãi đến từng hộ để biết và ra xã làm giấy khai sinh cho các em'.
Được biết, hiện chính quyền huyện Vĩnh Cửu đang tiến hành các bước xác minh về thân nhân để cấp mã định danh, tiến tới cấp Giấy chứng nhận căn cước công dân cho những người đủ điều kiện.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Chu Đức Kiên, Phó trưởng Công an huyện Vĩnh Cửu cho biết: 'Do từ trước tới nay họ sống theo con nước này đây, mai đó. Và cũng không có giấy tờ, không biết chữ nên việc xác minh nhân thân hết sức khó khăn. Dù khó khăn vậy, nhưng hiện tại Công an huyện đã cấp được Giấy chứng nhận căn cước cho hai người có đủ điều kiện. Trong thời gian tới, Công an huyện sẽ cố gắng và phối hợp cùng các ngành; cơ quan chức năng các địa phương để xác minh nhân thân, xây dựng được dữ liệu công dân đối với những trường hợp trên để có thể cấp Giấy chứng nhận căn cước cho nhiều người mà dữ liệu cá nhân đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật.'
Hai công dân đầu tiên trong số hàng ngàn người Việt 'hồi hương' từ Campuchia được cấp GCN căn cước (ảnh: CAH)
Dù hiện tại chưa được cấp các giấy tờ để hoàn thiện các thủ tục hành chính, nhưng nhìn chung cuộc sống của những hộ dân thuộc diện trên cũng tạm ổn. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Loan, Phó trưởng công an huyện Vĩnh Cửu thì những hộ gia đình trên đang mưu sinh trên hồ Trị An chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tuân thủ theo quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản mà Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đã quy định.