Tạo đột phá với TOD
Từ nhiều năm nay, TOD đã trở thành hướng đi mới trong tư duy thiết kế quy hoạch đô thị ở các nước phát triển. Đối với nước ta nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, việc vận dụng nguyên lý TOD vào quá trình thiết kế cải tạo, mở rộng và quy hoạch xây dựng đô thị sẽ góp phần giải toả được những điểm nóng về giao thông, đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Trên thực tế, Hà Nội đã và đang xác định đây là một định hướng tốt có thể tham khảo cho sự phát triển trong tương lai. Hiện, tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) đang được thành phố Hà Nội nghiên cứu thí điểm đầu tư theo mô hình TOD. Đây là cách làm mới, mang tính đột phá nhằm triển khai các dự án đường sắt đô thị nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Phối cảnh một đoạn tuyến đường sắt đô thị số 5
Tuyến đường sắt đô thị số 5 có chiều dài 38,43km, tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và 29,93km đi trên mặt đất.
Dự án đi qua các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; Các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Tuyến khai thác khoảng 25-40 đoàn tàu, vận tốc thiết kế 120km/giờ và 90km/giờ đối với các đoạn đi ngầm; Thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 65.404 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng. Về tiến độ, giai đoạn chuẩn bị đầu tư năm 2018-2022; Giai đoạn thực hiện dự án năm 2022-2026, trong đó, vận hành thử và bàn giao dự án vào cuối năm 2025; Nghiệm thu, thanh quyết toán năm 2026-2027.
UBND thành phố Hà Nội sẽ dành 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công và tiết kiệm chi trong giai đoạn 2021-2025 (trung bình 3.000 tỷ đồng/năm); 10.000-12.000 tỷ đồng vốn từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp; 15.000 tỷ đồng từ đấu giá một số khu đất; 10.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu; 6.900 tỷ đồng vay tổ chức tài chính để triển khai dự án.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, với tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, việc nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch, là rất cần thiết.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Theo quy hoạch, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị, 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh với tổng chiều dài 417,8 km, trong đó 75,6 km đi ngầm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,05 tỷ USD.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Tuy nhiên, đến thời điểm này, TP Hà Nội mới hoàn thành 13km (tuyến 2A, đoạn Cát Linh-Hà Đông) và đang triển khai xây dựng 2 dự án đường sắt đô thị là tuyến Nhổn-ga Hà Nội và Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo nhưng cả 2 dự án này đều chậm tiến độ, nhiều vướng mắc và tiếp tục đội vốn dẫn tới phải điều chỉnh thủ tục đầu tư.
Theo các chuyên gia giao thông, một trong những khó khăn lớn nhất đối với đường sắt đô thị hiện nay là thiếu vốn. Để có thể thu hút vốn đầu tư cho đường sắt đô thị, Nhà nước phải bỏ vốn làm trước các tuyến cam kết (Tuyến cam kết là các tuyến đi trong khu vực nội đô lịch sử, công tác giải phóng mặt bằng rất phức tạp…)
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng là một nguyên nhân khiến các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ. Hiện tại mới có cơ chế đối với các hộ bị thu hồi đất nhưng hoàn toàn chưa có chế độ cho những hộ bị ảnh hưởng hoặc phải phá dỡ.
Để rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội cũng như các đô thị lớn cốt yếu vẫn phải thay đổi từ chính sách, cần có cơ chế đột phá để địa phương triển khai.
TS Mai Thị Mai (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, nội dung đề cập phát triển định hướng giao thông công cộng đã được đưa vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho thấy tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển quy hoạch giao thông của Hà Nội đã được định hướng xây dựng theo TOD - định hướng có tính bền vững cao.
Về cơ bản, các nội dung để tạo ra hành lang pháp lý cho việc xây dựng và phát triển hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội ghi nhận trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã khá đầy đủ và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, qua phân tích ở trên có thể thấy, nếu xác định TOD là một giải pháp quy hoạch cho Hà Nội trong việc hướng tới người dân sử dụng giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường thì các quy định về TOD nên được nhấn mạnh hơn, trở thành một trong những trọng tâm cần được lưu ý trong chính sách phát triển đô thị của Thủ đô.
Do đó, các nội dung điều chỉnh về TOD trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)cần được tách riêng ra thành một điều khoản độc lập với nội dung về xây dựng phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô. Trong điều khoản này sẽ tập hợp toàn bộ các điều khoản quy định về TOD nằm rải rác ở các điều khoản khác nhau về quản lý hạ tầng, huy động tài chính, huy động nhà đầu tư...
'Hà Nội đang có tốc độ gia tăng dân số cơ học rất cao, người dân từ khắp nơi đổ về học tập, kinh doanh, làm việc, tập trung rất lớn ở khu vực lõi. Việc xây dựng chính sách quy hoạch đô thị về giao thông công cộng gắn với mô hình TOD có thể là 'lời giải' giúp Hà Nội phát triển theo xu hướng hình thành đô thị nén, biến khó khăn thách thức thành cơ hội thực sự cho hiện tại và cả tương lai. Do đó, việc Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có những quy định trực tiếp về TOD là rất đáng ghi nhận', TS Mai Thị Mai nêu quan điểm.
Để phát triển đô thị theo định hướng TOD, Hà Nội cần khắc phục và giải quyết kịp thời các tồn tại bất cập, tạo hành lang pháp lý, chính sách thuận lợi cho việc triển khai thực hiện mô hình này. Vì vậy, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất với UBND TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội chỉ đạo rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến phát triển mô hình TOD trong các Luật Đất đai, Quy hoạch, Đầu tư, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, PPP…
Phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD - Transit Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.