Sắp hết năm, nghĩ cảnh nhà người ta tết đến đoàn viên hạnh phúc, còn bản thân mình đã 10 cái tết đi qua thui thủi quạnh hiu trong khi tuổi già ập đến, Nghĩa trở về Thái Bình mong tìm cho mình những tháng ngày thanh thản an nhiên.
Thanh thản thì có nhưng an nhiên thì không. Ở Hà Nội mặc dù hai vợ chồng Nghĩa ra vô không ai bảo ai, đối đãi với nhau như người dưng nước lã nhưng mấy chục năm qua, ngôi nhà ấy đã trở nên quen thuộc, gắn bó máu thịt với Nghĩa rồi. Giờ về đây, Nghĩa thấy nhớ không chịu được. Suốt ngày Nghĩa thơ thẩn vào ra, không làm cái gì cho ra hồn. Nghĩ đến nỗi bất hạnh mà mình đã gánh chịu suốt bao nhiêu năm, Nghĩa không biết có ai khổ giống mình hay không. Nhiều lúc Nghĩa mong đó chỉ là cơn ác mộng. Nghĩa mong mình mau mau thức giấc, sẽ lại thấy mình trở về cái thời còn là một chàng trai quê lúa Thái Bình với bao nhiêu hoài bão ước mơ.
Bị cáo Vũ Văn Nghĩa bị xét xử tội giết người
Quê của Nghĩa mang nét đẹp đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ nơi nào. Mảnh đất quanh năm luôn được phù sa của những dòng sông bồi đắp. Những ô ruộng trong những cánh đồng rộng lớn, những mùa lúa chín vàng nhờ đôi bàn tay thô ráp, cần mẫn và chăm chỉ của người nông dân. Quê lúa vào thời khắc nào cũng đẹp, buổi sớm tinh mơ lấp lánh vạt nắng vàng, hay những hoàng hôn, gió lớp lớp chạy sóng trên những cánh đồng màu xanh non mơn mởn. Cả những âm thanh lách cách của chiếc xe đạp, tiếng nổ xình xình của máy gặt, tiếng cười giòn tan của bọn trẻ con, tiếng chào hỏi xôn xao của đoàn người kéo nhau ra đồng vào huổi sớm… Đó là hình ảnh quê nhà mà chàng thanh niên Vũ Văn Nghĩa đã luôn ghi khắc trong lòng suốt những năm sống trong quân ngũ.
Ra quân, cũng như bao nhiêu người con trai khác, Nghĩa cũng mong muốn tìm cho mình một người phụ nữ vừa ý, xây dựng cho mình một tổ ấm, một ngôi nhà rộn rã tiếng cười trẻ thơ.
Trong một lần có dịp ra Hà Nội, Nghĩa gặp và đem lòng yêu thương Thúy Kiều, tuy không sắc nước hương trong như nàng Kiều của ông Nguyễn Du nhưng trong con mắt Nghĩa đó là một người con gái ưa nhìn, vừa gặp là Nghĩa đã có cảm tình ngay. Họ cưới nhau vào năm 1984.
Vì điều kiện sinh sống, Kiều không theo chồng về Thái Bình mà hai người cùng nhau lập nghiệp ở Hà Nội. Ai nhìn vào cũng nghĩ cái gia đình nhỏ bé của họ hạnh phúc nào bằng. Lần lượt 3 cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn, khỏe mạnh ra đời càng khiến căn nhà nhỏ của họ thêm rộn ràng tiếng cười nói vui vẻ.
Nhưng rồi đâu có ai đoán biết được tương lai. Trong những ngày Nghĩa đi làm xa nhà, mặc dù chưa một lần 'bắt tận tay, day tận mặt' nhưng lời đồn đãi bóng gió xa xôi của bạn bè khiến Nghĩa nảy sinh nghi ngờ vợ mình có quan hệ với một người đàn ông khác. Ghen nhưng không có bằng cớ khiến Nghĩa bứt rứt không yên, Nghĩa đá thúng dụng nia, trách móc xa xôi làm cho quan hệ vợ chồng không còn êm thấm như xưa. Cái sẩy nảy cái ung, một đám mây u ám bao phủ lên cuộc sống vợ chồng của họ.
Cái nhà lung lay trước gió mãi muốn giữ cũng không giữ được. Năm 2010, họ ly thân nhau. Tuy ở cùng một nhà nhưng ăn riêng, ngủ riêng. Đi ra đi vào họ cố tình lẫn tránh không chạm mặt nhau, không ai nói với ai lời nào, không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng như sợi dây đàn. Các người con mặc dù ra sức vun vén nhưng cũng không ăn thua, không có cách nào cứu vãn.
Thói thường người đàn ông cho dù có việc gì xảy ra với người vợ, đa số họ cũng ít khi một nhát đoạn tình. Nhưng người đàn bà thì khác, một khi họ đã không còn yêu thì họ dứt khoát rất lạnh lùng. Mặc dù ly thân nhưng ông Nghĩa rất nhiều lần nhún nhường bà Kiều. Bằng cớ là tất cả tiền lương, tiền bán nhà ở quê, Nghĩa đều đưa cho vợ giữ hết. Nhưng đến khi cần, Nghĩa hỏi xin bà ấy nhất quyết không đưa ra một xu.
Ly thân chứ có phải ly dị đâu, vậy mà bà ấy đoạn tình. Với chồng thôi không nói, với cả gia đình chồng bà cũng cắt đứt không đoái hoài, công việc nhà chồng cũng không còn tha thiết. Hà Nội - Thái Bình có bao xa, bố chồng ốm không về chăm, ngày cụ mất cũng không về thắp cho cụ một nén nhang hiếu nghĩa…
Càng nghĩ càng tức thấu não. Một ý nghĩ tội lỗi lóe lên trong đầu Nghĩa. Trưa hôm đó (ngày 28/1/2019), từ thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, Nghĩa điều khiển chiếc xe máy vượt hơn trăm cây số đường về Hà Nội. Suốt quãng đường đi, Nghĩa không nghĩ được gì khác ngoài ý nghĩ sẽ trả thù vợ mình cho bằng được.
Về đến ngôi nhà ở phòng số 7, ngõ 138, đường Phú Viên phường Bồ Đề, quận Long Biên, trời đã quá trưa. Thấy cửa nhà không khóa, Nghĩa mở cửa đi thẳng vào trong nhà. Bà Kiều bấy giờ đang nằm trên giường, quay lưng ra hướng cửa sổ. Thấy Nghĩa về, bà không nói không rằng, không thèm chào hỏi, Nghĩa gọi, bà cũng không cất tiếng trả lời.
Đường xa đã mệt, đang cơn tức càng thêm tức, Nghĩa lẳng lặng đi vào bếp lấy chiếc chày gỗ thẳng tới chỗ bà Kiều đang nằm, bậm môi, vung chày nhằm đầu vợ đập một phát. Nạn nhân hô hoán, toan nhổm dậy bỏ chạy, liền bị Nghĩa dùng chày đập liên tiếp thêm nhiều nhát nữa cho đến khi nạn nhân ngã ra giường bất động, Nghĩa mới dừng tay. Gây án xong, Nghĩa bỏ trốn. Tuy nhiên, đi được một đoạn, Nghĩa quay lại để xem vợ còn sống không, định bụng nếu còn sống sẽ đưa đi cấp cứu, nhưng đến nơi thấy bà Kiều đã tử vong, Nghĩa bỏ trốn về quê'.
Chiều hôm đó, con gái bà Kiều đến nhà, phát hiện mẹ tử vong nên đến công an trình báo. Chiều cùng ngày, Nghĩa quay về Hà Nội và đến Công an quận Long Biên đầu thú.
Ngày 13/8/2010, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa bị cáo Vũ Văn Nghĩa (SN 1960, ở quận Long Biên) ra xét xử tội Giết người. Nạn nhân trong vụ án không ai khác lại chính là bà Phạm Thúy Kiều (SN 1962, là vợ bị cáo).
Tại phiên tòa, nhiều người không tin bị cáo Vũ Văn Nghĩa mới 60 tuổi. Mái đầu bạc trắng như ông lão 80, gương mặt hốc hác đứng trước bục khai báo thành khẩn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Được nói lời sau cùng, bị cáo Nghĩa mong được hưởng lượng khoan hồng, sớm trở về với các con. Trước nỗi đau mất mẹ, bố vào tù, 3 người con của bị cáo Nghĩa ngồi khóc rấm rức xin tòa giảm nhẹ tội cho bố.
Nhận định hành vi giết người của bị cáo Vũ Văn Nghĩa là đặc biệt nguy hiểm, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo tù chung thân.
Theo chân lực lượng áp giải ra xe, bị cáo Nghĩa cúi gằm mặt, lầm lũi bước không một lần ngoảnh mặt nhìn mặt các con đang lao gào khóc gọi bố ơi.
'Vợ chồng không sống được với nhau thì có thể ly hôn, giải thoát cho nhau'. Có lẽ lời của vị chủ tọa phiên xử là một lời khuyên đúng đắn nhất cho các cặp đôi khi hôn nhân đã không còn cứu vãn được.