Liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn, lai căng của một bộ phận giới trẻ cũng như hiện tượng 'vay mượn' tiếng nước ngoài ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt, Báo Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Hiệp (Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Nguy cơ có thể hình thành một loại ngôn ngữ lai
Thời gian qua, không ít bạn trẻ đã sử dụng ngôn ngữ giao tiếp phi chuẩn, có người cho rằng, đây là sự tha hóa, khủng hoảng tiếng Việt?
Ngôn ngữ của thế hệ trẻ cần được đặt trong bối cảnh phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, làm nảy sinh những hình thức giao tiếp độc đáo, chưa từng có trong lịch sử nhân loại như: điện thoại di động, email, chát trực tuyến, mạng xã hội, blog…
Các ngôn ngữ cũng có sự tiếp xúc liên tục, đặc biệt các ngôn ngữ có vị thế lớn không ngừng ảnh hưởng đến các ngôn ngữ khác, thông qua các hiện tượng vay mượn, trộn mã, chuyển mã.
Tất nhiên, sự phát triển mạnh mẽ ấy cũng kéo theo vô số những hệ lụy liên quan đến sự trong sáng của ngôn ngữ.
Cái gọi là sự tha hoá hay khủng hoảng đối với ngôn ngữ lớp trẻ, theo chúng tôi, chung quy lại là cách dùng những kết hợp khác lạ, sử dụng tiếng Việt biến âm trong lời nói và chữ viết, sử dụng tiếng Anh chen lẫn với tiếng Việt...
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp trong Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ tại Trường ĐHSP Đà Nẵng
Ông nhìn nhận ra sao về hiện tượng giới trẻ thích kết hợp khác lạ, sử dụng tiếng Việt biến âm, dùng tiếng Anh chen lẫn với tiếng Việt?
Động lực cho những cách viết, lối nói như vậy là do tâm lí thoải mái, chuộng sự mới lạ, thích khẳng định mình- vẫn tồn tại với lớp trẻ, với những biến thái khác nhau, song hành cùng sự phát triển của xã hội.
Lớp trẻ thích sử dụng những cách nói rất vô nghĩa, kì lạ, kiểu như: 'Cướp trên giàn mướp', 'Buồn như con chuồn chuồn', 'Chảnh như con cá cảnh', 'Chán như con gián', hoặc sử dụng những kết hợp bất thường, kiểu như 'Hơi bị đẹp'. Chúng tôi cho rằng, cách nói bất ngờ, có vần ở vị trí âm tiết cuối này chịu ảnh hưởng của trào lưu nhạc ráp đang thịnh hành.
Hay lớp trẻ sử dụng cách nói chơi chữ (chủ yếu dựa trên hiện tượng đồng âm), ví dụ: 'Cam- pu- chia tiền ăn trưa', 'Chuối cả nải'…
Trong tin nhắn, chát trực tuyến … rất phổ biến cách diễn đạt kiểu như: từ 'rồi' viết thành 'roài', 'không' thành 'hông'/'hem', 'biết' thành 'bít'. Xa hơn nữa, người trẻ còn 'sáng tạo' những cách viết kì dị, như chữ 'a' viết thành 4, chữ e viết thành 3, i thành j, g đổi sang 9, o thành 0, c thành k, b thành p …
Hay dùng tiếng Anh chen lẫn tiếng Việt. Chẳng hạn: 'Vé này có cần con phơm (confirm) lại không chị?' hoặc 'Cho cái bill thanh toán' thay vì nói 'Cho hoá đơn thanh toán'.
Nguy cơ của cách nói này là có thể hình thành một loại ngôn ngữ lai như cách nói 'Tây bồi' trước năm 1945. Từ góc độ ngôn ngữ học xã hội, đây là hiện tượng trộn mã (code-mixing) hay chuyển mã (code-Switching).
Hai hiện tượng ngôn ngữ rất đáng lo ngại
Việc'vay mượn' từ ngữ nước ngoài gây nhiễu loạn tiếng Việt có đáng lo ngại không, thưa ông?
Bên cạnh những hiện tượng ngôn ngữ phi chuẩn của giới trẻ, đang ở dạng phát triển, sẽ chịu sự sàng lọc theo thời gian, còn có hai hiện tượng ngôn ngữ rất đáng lo ngại. Đó là hiện tượng có từ điển đối chiếu Việt-Hoa hoặc Việt-Hán đã đưa một số từ ngữ tiếng Hoa hiện đại vào tiếng Việt, đọc theo âm Hán Việt, và mặc nhiên được người biên soạn xem là tiếng Việt.
Cùng với đó còn có sự vay mượn những cách nói, từ ngữ tiếng Hoa gây nhiễu loạn tiếng Việt, thường thấy nhất ở các bản dịch lời thoại phim Trung Quốc hiện nay.
Hiện tượng vay mượn là phổ biến ở tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, nhưng vay mượn phải có nguyên tắc. Nguyên tắc chung là không có đơn vị từ vựng để biểu đạt sự vật, hiện tượng mới được du nhập vào cộng đồng, mới đi vay. Vì thế, việc dùng từ 'tiểu tam' để chỉ người thứ ba xen vào cuộc sống vợ chồng là điều không nên làm, vì tiếng Việt đã có ngữ 'người thứ ba'. Tương tự, tiếng Việt đã có từ 'trẻ trâu' để chỉ những người ngông cuồng, thích thể hiện, cố chấp và bướng bỉnh không nghe lời ai, thì không cần thiết phải dùng từ 'sửu nhi'.
Hay việc xưng hô trong tiếng Việt vốn đã phức tạp, không nên làm rối loạn thêm nữa bằng những cách gọi của người Trung Quốc. Trong tiếng Việt, khi gọi anh rể hay chị dâu, người Việt chỉ dùng 'anh ơi', 'chị ơi', ấy thế mà trong nhiều bản dịch thuyết minh phim Trung Quốc, người dịch đã sao phỏng cách gọi của người Hoa, để gọi 'Anh rể ơi', 'Chị dâu ơi' (trong tiếng Việt, cũng có những trường hợp gọi 'Anh rể ơi', 'Chị dâu ơi', nhưng đều là bất thường, có hàm ý). Những cách nói như vậy, nếu không thấy tác hại để loại trừ, sẽ dần dần làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Vậy theo ông, cần loại bỏ hay chấp nhận những hiện tượng lai căng, biến tấu, 'vay mượn' này?
Theo một con số chưa được kiểm chứng đầy đủ, từ vựng tiếng Việt hiện nay có khoảng 60-70 % đơn vị gốc Hán, tồn tại ở các dạng: từ Cổ Hán-Việt, từ Hán Việt, từ Hán-Việt Việt hoá (Nguyễn Tài Cẩn 2004: 18) và từ gốc Trung Quốc du nhập vào tiếng Việt qua con đường khẩu ngữ.
Đến thời Pháp thuộc, tiếng Việt cũng có một đợt vay mượn từ vựng lớn, với nhiều từ khoa học kĩ thuật được nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt: săm, lốp, tua bin, may ơ, ô xy, a xít, ghi đông, xà phòng, bi đông ... Nhiều cách diễn đạt mới mẻ cũng được hình thành, dựa trên sự tiếp xúc của tiếng Việt với tiếng Pháp.
Sự phát triển ấy tiếp tục được thấy trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn phát triển của các cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật, thể hiện qua số lượng từ vay mượn từ tiếng Nga và tiếng Anh.
Vấn đề là trong quá trình tiếp xúc, vay mượn để phát triển ấy, tiếng Việt không bị đồng hóa, hòa tan, mà vẫn giữ được bản sắc của mình, thể hiện ở các quy tắc ngữ pháp và đặc điểm ngữ âm của một ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính: Người Việt đã 'Việt hóa' các âm mượn của tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Nga và cả tiếng Anh gần đây, vẫn giữ được căn cốt ngữ pháp với trật tự SVO (chủ ngữ- động từ- tân ngữ) và mô hình cấu tạo danh ngữ về cơ bản là chính trước phụ sau.
Sự biến động trong ngôn ngữ giới trẻ ngày nay, với nhiều biểu hiện khác nhau, nên được hiểu như một sự vận động tất yếu trong nội tại ngôn ngữ. Tuy nhiên, cuối cùng thì việc loại bỏ những biến động đó sau một thời gian, hay chấp nhận rồi nhân rộng chúng đến đâu sẽ phụ thuộc quy luật chung: cái hay sẽ được phổ biến, được cộng đồng chấp nhận; cái dở sẽ bị đào thải, sử dụng thưa dần rồi mất đi. Ngôn ngữ sẽ tự có cơ chế sàng lọc, điều tiết riêng của nó.
Cho dù chúng ta chọn thái độ bi quan hay lạc quan khi xem xét vấn đề trên cơ sở các góc độ lí thuyết khác nhau thì đứng trước sự biến động hay hiện tượng ngôn ngữ 'phi chuẩn' của lớp trẻ hiện nay, điều quan trọng là duy trì và phát triển một nền giáo dục ngôn ngữ tốt, đặc biệt thông qua nhà trường và các phương tiện truyền thông, vừa giữ gìn sự trong sáng, vừa tạo điều kiện cho tiếng Việt phát triển. Có điều, hoạt động ngôn ngữ vừa có mặt xã hội (cái chung) vừa có mặt cá nhân (cái riêng) nên việc giáo dục ngôn ngữ phải luôn tính đến nhân tố tâm lý lứa tuổi và điều này cần đặc biệt được lưu ý khi xây dựng bất cứ một quy định, chính sách nào can thiệp đến việc sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ.
Về mặt dự báo, tôi cho rằng một số cách nói hài hước, thú vị, không phản cảm của giới trẻ hiện nay sẽ được xã hội chấp nhận, và có thể đi vào hệ thống tiếng Việt như những thành ngữ, tục ngữ mới, những khuôn mẫu diễn đạt mới. Tuy nhiên, phần lớn cách nói, cách viết của người trẻ sẽ dần dần trở nên cũ kĩ, hết tính thời thượng. Theo lôgic như vậy, những cách viết bí hiểm, khó hiểu sẽ dần dần bị đào thải. Tuy nhiên, vấn đề là sẽ có những cách viết lạ, bí hiểm, khó hiểu khác xuất hiện và thay thế cách viết hiện nay, nhất là trong ngôn ngữ lớp trẻ. Xã hội cần được chuẩn bị tâm lí để đối phó tình trạng này.
Theo tinh thần như vậy, tôi cho rằng đã có một số biểu hiện lệch lạc, phi chuẩn, có thể gây lo lắng nhưng không hề có sự 'khủng hoảng' nào trong tiếng Việt ngày nay. Tiếng Việt vẫn được giữ gìn những giá trị cốt lõi, đồng thời vẫn không ngừng phát triển về vốn từ vựng-ngữ nghĩa, có thêm những cách diễn đạt mới để đáp ứng nhu cầu diễn đạt của con người, gắn với sự phát triển nhận thức của con người.
Xin cảm ơn ông!