Các shipper giao hàng, đồ ăn cũng không được phép hoạt động (ảnh minh hoạ)
Shipper có được đi giao đồ ăn?
Từ 6h sáng nay 24/7, Hà Nội chính thức thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 16. Trong Chỉ thị nêu rõ, dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô, đường thủy: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng, vận chuyển hành khách bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe 'ôm').
Với quy định này, nhiều người băn khoăn vậy các xe ôm công nghệ (Grab) và xe ôm thay vì chở người (vận chuyển hành khách) có được chở hàng (ship hàng, giao hàng) hay không?
Trao đổi với phóng viên Infonet, ông Khổng Minh Tuấn, PGĐ CDC Hà Nội cho biết, Chỉ thị 16 quy định rất rõ, hiểu nôm na 'ai ở đâu, ở nguyên đấy' duy nhất chỉ có các lực lượng có chức năng, nhiệm vụ phòng chống dịch mới được ra đường. Do đó, các shipper đều phải dừng hoạt động.
Mấu chốt của việc áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn Thành phố, theo ông Tuấn là nhằm để mầm bệnh không phát tán, không lan rộng.
'Nhưng phải phát hiện được ra các mầm bệnh này. Nghĩa là ai có triệu chứng, ai có biểu hiện bệnh: ho sốt... phải báo để cơ sở y tế biết, lấy mẫu và cách ly ngay đối với những trường hợp dương tính với SARS- CoV- 2. Đấy là mấu chốt cho việc khống chế dịch trên địa bàn Thủ đô hiện nay', ông Tuấn cho hay.
Việc xét nghiệm sàng lọc cho nhóm này Hà Nội thực hiện hoàn toàn miễn phí. Người có kết quả dương tính với SARS- CoV sẽ được chuyển tới bệnh viện cách ly, điều trị. Người xét nghiệm âm tính đều được về nhà, không yêu cầu cách ly tập trung.
Do đó, ông Tuấn khuyến cáo người dân nên trung thực khai báo khi có triệu chứng để giúp sức cùng chính quyền và ngành y tế Hà Nội kiểm soát dịch bệnh.
Đối với quy định mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh… ông Tuấn cho biết 'khám bệnh thông thường' cũng 'không đi mà chỉ đến viện khi đi cấp cứu'.
Hà Nội đã trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30%- 50%, trong thời gian 3 tháng
Ngoài ra, khi đi mua lương thực, thực phẩm ông Tuấn nhấn mạnh người dân cần thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m, hạn chế tối đa giao tiếp, có thể mua thực phẩm cho một tuần…
Đặc biệt các chuyên gia cũng lưu ý, tránh đổ xô đi mua thực phẩm, việc tập trung đông người vô tình có nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Bởi tối 23/7, Sở Công thương TP Hà Nội thông tin, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30%- 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu).
Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng; bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 459 chợ, 28 Trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.
'Thành phố đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân', văn bản của Sở nêu.
Hà Nội dự kiến lập hai bệnh viện dã chiến và trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19.
Hiện, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang xây dựng kế hoạch và dự kiến sẽ chuyển đổi thành trung tâm điều trị hồi sức tích cực, chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng với 500 giường. Đặc biệt, bệnh viện đang triển khai nâng cấp trang thiết bị, hệ thống cấp ô xy cũng như bảo đảm nguồn nhân lực.
Ngoài ra, Hà Nội cũng dự kiến chuyển đổi công năng khu cách ly tại ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) và Trường Quân sự (thị xã Sơn Tây) thành hai bệnh viện dã chiến. Theo đó, hai đơn vị này cũng sẵn sàng điều trị bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng; mỗi khu đáp ứng khoảng 800 giường bệnh.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế Thủ đô sẽ giao cho một bệnh viện đảm nhận trách nhiệm vận hành bệnh viện dã chiến đó. Chẳng hạn, khu cách ly tại ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp sẽ được giao cho Bệnh viện Đa khoa Đống Đa phụ trách.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ chia thành 3 tầng điều trị bệnh nhân Covid-19. Tầng 1 dành cho bệnh nhân nhẹ không triệu chứng, điều trị tại các bệnh viện dã chiến; tầng 2 dành cho bệnh nhân có triệu chứng hoặc bệnh lý nền, điều trị tại bệnh viện như: Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Bắc Thăng Long...; tầng 3 dành cho bệnh nhân nặng, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ngoài ra, các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn sẽ hỗ trợ điều trị các bệnh nhân Covid-19 của Hà Nội.