Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tại Hội nghị Tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của BCĐ 389 TP Hà Nội diễn ra ngày 30/1.
Muôn kiểu đối phó lực lượng chức năng
Những ngày cận Tết Nguyên đán thời tiết gia rét, trên thị trường Hà Nội các cửa hàng quần áo bầy bán nhiều loại áo quần, phụ kiện thời trang mang thương hiệu nổi tiếng thế giới như hãng Adidas, Gucci, Louis Vuitton với giá siêu rẻ chỉ 300.000-400.000 đồng/áo, trong khi hàng nhập khẩu lên đến cả chục triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân vì sao hàng mang thương hiệu quốc tế lại có giá rẻ như vậy, những người bán hàng thông tin, hầu hết những loại quần áo, phụ kiện thời trang này chủ yếu là hàng Trung Quốc sản xuất nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ nên có giá chỉ bằng 1/10 hàng chính hãng.
Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ hàng lậu tại Khu đô thị Đô Nghĩa trên địa bàn phường Yên Nghĩa (Hà Đông) bán hàng lậu trên mạng xã hội. Ảnh: Hoài Nam
Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh chung và niềm tin của người tiêu dùng. Thông tin từ BCĐ 389 TP Hà Nội cho thấy, ngày 2/1/2024, Đội Quản lý thị trường số 7 kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Cương, ở ngõ 300B đường Nguyễn Xiển (Thanh Trì) đã phát hiện 19.497 sản phẩm mỹ phẩm trị giá 380 triệu đồng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.
Trước đó, ngày 26/12, Đội Quản lý thị trường số 25, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh tại xã Phụng Châu (Chương Mỹ) đã phát hiện hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Đây chỉ là 2 trong nhiều vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả mà lực lượng chức năng TP Hà Nội phát hiện trong thời gian qua.
Chia sẻ về những thủ đoạn vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, tình trạng buôn lậu đang diễn ra phức tạp ở nhiều quận, huyện và hầu hết các tuyến lưu chuyển hàng hóa.
Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao bằng khen cho lực lượng chức năng chống buôn lậu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Để qua mắt lực lượng chức năng đối tượng buôn lậu thường cất giấu hàng lậu, hàng giả lẫn trong hàng hóa thông thường hoặc đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; Mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử xuyên biên giới rồi vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.
Ðáng lo ngại là các đường dây buôn lậu mọc lên liên tục, đường dây này bị triệt phá lại xuất hiện đường dây khác với thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện hơn. Các đối tượng buôn lậu thường tập kết tại kho hàng ở khu vực ngoại thành, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, khu chung cư cao cấp.
Đồng thời lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa, việc giao hàng thông qua doanh nghiệp vận chuyển trung gian nên lực lượng chức năng khó xác định vị trí kho hàng để kiểm tra, xử lý.
'Hiện trên địa bàn Hà Nội có đến 500 doanh nghiệp vận chuyển bưu chính, nhưng không phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa, đồng thời thanh toán qua trung gian... nên việc xác minh thông tin đối tượng buôn bán hàng lậu không dễ' - ông Kiên nêu ví dụ.
Sửa đổi quy định luật phù hợp thực tế
Thực tế cho thấy mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc ngăn chặn hàng lậu, hàng giả nhưng nhiều quy định của pháp luật chưa phù hợp thực tế nên không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.
Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ hàng nhập lậu những ngày cận Tết Nguyên đán. Ảnh: Hoài Nam
Phó Chánh văn phòng BCĐ 389 quốc gia Đỗ Hồng Chung cho biết, quá trình xử lý buôn lậu chủ yếu ở mức xử phạt hành chính, nhưng hiện mức xử phạt chưa đủ sức răn đe đối tượng. Đơn cử, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị 10 triệu đến 20 triệu đồng chỉ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng, trong khi các đối tượng có thể thu lợi bất chính gấp 3 - 4 lần giá trị thật của hàng hóa.
Để tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, đại diện Công an TP Hà Nội, Trung tá Nghiêm Tuấn Anh đề xuất, các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định. Cụ thể, với hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài trong quá trình lưu thông phải có hóa đơn, chứng từ nhập khẩu, không chấp nhận hóa đơn bán hàng nội địa thông thường. Trong quá trình điều tra xác định hàng giả mạo xuất xứ nhưng lực lượng chức năng không xác định được chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc không có sản phẩm chính hãng để giám định thì những sản phẩm đó được coi là hàng giả.
Trong khi đó theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hà Nội Nguyễn Trường Giang, hiện các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường thương mại điện tử. Vì vậy Bộ TT&TT cần có quy định định danh người bán hàng, từ đó xác định được các nghĩa vụ với nhà nước. Ngoài ra, lực lượng chức năng cần kiểm soát hoạt động vận chuyển của doanh nghiệp bưu chính bởi đã có hiện tượng người Trung Quốc sở hữu đến 49% cổ phần từ đó lợi dụng những đơn vị này vận chuyển hàng lậu.
Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ hàng nhập lậu những ngày cận Tết Nguyên đán. Ảnh: Hoài Nam
Trước những kiến nghị của các cơ quan chức năng, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu trong thời gian tới lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thị trường, kịp thời đề xuất xử lý những vấn đề gây bất ổn, đảm bảo cung, cầu các mặt hàng thiết yếu trong các dịp lễ, Tết.
Trong cao điểm Tết Giáp Thìn, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi. Để góp phần bình ổn thị trường, BCĐ các quận huyện cần đề ra các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý.
Đồng thời rà soát khó khăn, vướng mắc, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả. 'Bên cạnh đó các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để từng người dân trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm, không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, mua bán hàng vi phạm' - Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.