Hỗ trợ ngành hàng không được đánh giá là giải pháp thiết thực để thúc đẩy tăng trưởng cho cả nền kinh tế, góp phần quan trọng để nước ta đạt được mức tăng GDP khoảng 6,5% năm 2021 như mục tiêu đặt ra và giữ vững đà tăng trưởng những năm tới.
Ngành hàng không và năm 2021 đầy 'dông bão'
Trong năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng rộng, trên thế giới chỉ có 1,8 tỷ lượt hành khách chọn đi lại bằng máy bay so với con số 4,5 tỷ lượt của năm 2019, khiến các hãng hàng không toàn cầu tổn thất 370 tỷ USD. Bước sang năm 2021, sản lượng khách toàn thế giới được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo chỉ bằng 33% so với năm 2019. Mức lỗ của các hãng hàng không ước tính sẽ lên tới 95 tỷ USD, gần gấp đôi so dự báo hồi tháng 12-2020. IATA cũng dự báo tổng thị trường hàng không thế giới đến năm 2024 mới có thể phục hồi quy mô tương đương năm 2019. Trong ngắn hạn, triển vọng của ngành hàng không sẽ chưa mấy sáng sủa. Tốc độ phục hồi phụ thuộc vào mức độ thành công trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 của các nước.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: LÊ MINH
Trước rủi ro của Covid-19, các hãng hàng không Việt Nam luôn rất thận trọng trong hoạt động vận chuyển. Hiện tại, các chuyến bay quốc tế của các hãng chủ yếu chỉ vận chuyển chuyên gia, hành khách hồi hương và hàng hóa. Thay vào đó, thị trường nội địa được tập trung khai thác tối đa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiệu quả khai thác giảm sút, nguồn lực dư thừa nên lĩnh vực vận tải hành khách của các hãng đều có xu hướng lỗ, doanh thu trung bình sụt giảm. Dù nhu cầu đi lại của người dân hồi phục nhanh chóng sau khi dịch bệnh được kiểm soát nhưng việc đóng băng mạng bay quốc tế, trong khi mạng bay nội địa hoạt động cầm chừng để theo dõi diễn biến của dịch bệnh đã khiến cho thị trường hàng không Việt Nam rơi vào tình trạng thừa cung ứng.
Hiện nay, tổng số máy bay của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 230 chiếc, tăng 24 chiếc so với năm 2019, tương ứng tăng khoảng 10% đội máy bay. Tổng số ghế cung ứng trong tháng 4-2021 ước tính bằng 137% so với cùng kỳ 2019, trong khi đó sức mua (tổng doanh thu của thị trường) chỉ bằng 76% so với năm 2019. Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, toàn ngành hàng không Việt Nam đang dư thừa khoảng 58 máy bay, chiếm 26% tổng số máy bay các hãng.
Việc dư thừa nguồn lực kéo theo sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng bằng hình thức giảm giá để thu hút khách, giành thị phần. Giá vé bình quân của các hãng hàng không trong tháng 4-2021 chỉ bằng 55% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ khiến các hãng hàng không Việt Nam lâm vào tình cảnh thua lỗ trầm trọng trong hoạt động vận tải, suy giảm sức khỏe tài chính, giảm dần khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài. Đồng thời, đe dọa sự phát triển bền vững của ngành, tạo ra sự mất cân đối giữa hàng không và các lĩnh vực vận tải khác.
Các nước đã có nhiều chính sách 'giải cứu' ngành hàng không
Là một trong những động lực chính đối với sự phát triển của thế giới, kết nối các quốc gia, vùng lãnh thổ, ngành hàng không quốc tế đã tạo ra 87,7 triệu việc làm trong năm 2019, đóng góp 4,1% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, ngành hàng không đóng vai trò kết nối giữa nước ta với thế giới, trực tiếp thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó, ngành du lịch đóng góp 8,8% GDP của đất nước.
Chính phủ các nước đã có những chiến lược 'giải cứu' nhất định để hỗ trợ các hãng hàng không. Tính đến cuối năm 2020, chính phủ các nước đã hỗ trợ các hãng hàng không hơn 200 tỷ USD và tiếp tục 'bơm' thêm khoảng 80 tỷ USD. Một số hình thức hỗ trợ cụ thể đã được triển khai như hỗ trợ tài chính (cho vay để trả lương như với các hãng hàng không của Mỹ, hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi); hỗ trợ chính sách (các chính sách xúc tiến phục hồi kinh tế, du lịch như ở Nhật Bản, Hàn Quốc... hay miễn giảm thuế sân bay, giảm thuế nhiên liệu tại Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc); hỗ trợ về các chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc các khoản nợ và thậm chí bảo hộ phá sản (như đối với hãng hàng không Thai Airways của Thái Lan, Virgin Atlantic Airlines của Anh...).
Tại Việt Nam, các hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành hàng không bao gồm: Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định và tiếp tục gia hạn cho năm 2021; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ khó khăn về vốn...
Việc kiến nghị sự hỗ trợ từ cổ đông Nhà nước trong vai trò chủ sở hữu cũng là một giải pháp nhằm duy trì hoạt động của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trong ngắn hạn. Cuối năm 2020, gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Vietnam Airlines. Tuy nhiên, việc giải ngân gói hỗ trợ này cần qua nhiều thủ tục hành chính theo quy định. Đến nay, gói hỗ trợ cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) đã hoàn tất toàn bộ các thủ tục cần thiết và dự kiến có thể giải ngân từ tháng 6-2021. Phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (8.000 tỷ đồng) đang được triển khai các bước theo quy định, dự kiến, sẽ hoàn tất trong quý IV-2021.
Cần những chính sách dài hạn
Như vậy, trong thời gian qua, các chính sách, giải pháp ngắn và trung hạn đã được Chính phủ đưa ra, giúp các hãng hàng không giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình giảm thuế, phí hoặc hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, cần có những chính sách dài hạn để giúp các hãng tồn tại, phát triển ổn định, bền vững, đủ tiềm lực cạnh tranh sòng phẳng với hàng không thế giới. Qua đó góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia, phát triển kinh tế đất nước. Việc giải quyết các vấn đề về dư thừa nguồn lực, cạnh tranh giá vé và các hệ lụy rủi ro về bất ổn thị trường cũng cần được Chính phủ xem xét quyết định.
Theo ý kiến một số chuyên gia, Chính phủ nên có những chiến lược để cứu các hãng hàng không theo tầm nhìn của quốc gia chứ không phải để các hãng cố gắng 'qua ngày đoạn tháng'. PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh, cần nhìn rõ cứu trợ không phải để cứu sống mà là đầu tư cho tương lai. Nếu được hỗ trợ từ Chính phủ, các hãng hàng không lớn của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế sau đại dịch. Một số ý kiến nhấn mạnh, hãng hàng không Quốc gia có vai trò nhất định trong việc bảo đảm các mục tiêu của Chính phủ như nhiệm vụ chính trị, hiện đại hóa xã hội...
Thời gian qua, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đều đã có những bước phát triển nhanh, hứa hẹn có thể vươn tầm thành các hãng hàng không quốc tế lớn. Tuy nhiên, muốn vậy, các hãng này cần được tiếp sức để vượt qua những khó khăn hiện tại do Covid-19. Với sự chủ trì của Chính phủ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ, cùng sự cam kết của các hãng hàng không trong việc nâng tầm dịch vụ, tạo động lực cho phát triển đất nước, bức tranh ngành hàng không có thể sẽ có nhiều thay đổi tích cực sau khi đại dịch được kiểm soát.
Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hãng hàng không đã chủ động có các giải pháp ứng phó. Trong đó, Vietnam Airlines đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như: Tổ chức lại sản xuất phù hợp với quy mô thị trường; tiết kiệm, cắt giảm chi phí; tái cơ cấu và tổ chức lại lao động; chủ động tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu như đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, bay thuê chuyến chở hành khách hồi hương và các chuyên gia...