Vào ngày 5/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, khi được một nhà báo hỏi, liệu Quân đội Triều Tiên có tham gia vào cuộc xung đột Nga-Ukraine hay không? Ông Matthew Miller trả lời: 'Tôi đã thấy các thông tin trên các nguồn mở rằng, họ (lính Triều Tiên) đang tham gia vào cuộc xung đột. Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được thông tin họ đã giao chiến với Quân đội Ukraine; nhưng nếu giao chiến, họ sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp'.
Về bản chất, ông Miller bác bỏ những thông tin cho rằng, Quân đội Triều Tiên đang tham gia chiến đấu ở khu vực Kursk. Nhưng nhiều thông tin 'nguồn mở', tức là những thông tin không chính thống, đã công bố đầy đủ về những người được cho là 'lính Triều Tiên' tham gia chiến đấu.
Một điểm quan trọng trong tuyên bố của ông Miller, là Bộ Ngoại giao Mỹ không gọi sự hiện diện 'có thể có' của Quân đội Triều Tiên trên lãnh thổ Nga là vi phạm luật pháp quốc tế. Đây là một điểm khiến Kiev 'không được vui vẻ' cho lắm.
Ukraine và phương Tây cho rằng, Nga đã lôi kéo Triều Tiên tham chiến, đó đã là một dấu hiệu rõ ràng. Mỹ và phương Tây cũng tin rằng, điều này thách thức trật tự quốc tế và lợi ích an ninh của NATO.
Chúng ta có thể nhận thấy rằng, Mỹ và NATO rất thận trọng và thậm chí không trực tiếp tố cáo Nga hay Triều Tiên. Quân chính quy của NATO vẫn chưa dám tới tham chiến tại Ukraine, chỉ có một số lính đánh thuê và tình nguyện viên; như vậy có thể thấy hành động của NATO 'sấm rất to và mưa rất nhỏ'.
Còn lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga, có nhiều cựu chiến binh và tù nhân, được Quân đội Nga sử dụng như bộ binh tinh nhuệ trên chiến trường. Nhóm Wagner không phải là lực lượng chiến thuật cơ giới hóa tiêu chuẩn của Quân đội Nga, mà chỉ là bộ binh nhẹ, trong quá trình chiến đấu được hỏa lực pháo binh chi viện liên tục.
Lực lượng Wagner đã đánh bại chục lữ đoàn tinh nhuệ của Ukraine ở Bakhmut. Giờ đây, Quân đoàn Bão tố số 11 của Triều Tiên, còn là lực lượng bộ binh tinh nhuệ hơn Wagner. Tất cả các binh sĩ đều phải trải qua ít nhất 5 năm huấn luyện nghiêm ngặt và có ý thức chiến thuật cao trong chiến đấu.
Triều Tiên cũng muốn tìm hiểu chiến tranh hiện đại, khi hợp tác với Nga và muốn rèn quân thông qua chiến đấu. Nhiều phương tiện truyền thông phương Tây vẫn còn bị mắc kẹt trong tư duy từ thời kỳ Thế chiến thứ hai, khi suy nghĩ về Quân đội Triều Tiên với vũ khí bộ binh, chỉ biết sử dụng chiến thuật 'biển người'.
Chiến tranh Nga-Ukraine, là cuộc chiến tranh trên bộ hiện đại quy mô lớn đầu tiên trên thế giới sau Chiến tranh vùng Vịnh và là một trường hợp nghiên cứu điển hình về chiến tranh hiện đại. Chiến tranh Nga-Ukraine đã mang lại cho Triều Tiên cơ hội chưa từng có, để kiểm nghiệm chiến lược và chiến thuật của họ, trên chiến trường thực sự.
Bộ binh hạng nhẹ của Triều Tiên rất tinh nhuệ, nhưng vẫn thiếu khả năng chiến đấu bằng UAV. Quân đội Triều Tiên sẽ trực tiếp trải nghiệm các hoạt động tấn công bằng UAV và tác chiến điện tử, nhằm can thiệp vào hệ thống chỉ huy và liên lạc của đối phương trên chiến trường Nga-Ukraine và các chiến thuật chống UAV.
Cuộc chiến Nga-Ukraine cũng có thể cải thiện khả năng tác chiến tấn công của Quân đội Triều Tiên. Trên thực tế, lực lượng đặc biệt của Quân đội Triều Tiên chưa tham gia các trận chiến quy mô lớn và mọi đánh giá đều chỉ là dựa trên lý thuyết.
Do vậy Quân đội Triều Tiên cần được rèn luyện khẩn cấp trên chiến trường Nga-Ukraine, nơi lực lượng đặc biệt của Quân đội Triều Tiên có thể xâm nhập và tấn công vào hậu phương và bên sườn của đối phương, phối hợp với bộ binh cơ giới đột phá, pháo binh hỗ trợ hỏa lực theo thời gian thực và các chiến thuật khác trong chiến đấu thực tế.
Quân đội Triều Tiên cũng có thể rút ra những ưu điểm và nhược điểm về phương pháp huấn luyện, thông qua giao tranh với Quân đội Ukraine trong chiến đấu. Điều này cũng cung cấp cơ sở thực tế, để Quân đội Triều Tiên cải thiện chiến lược và chiến thuật của lực lượng lục quân.
Vì lý do này, Triều Tiên đã ngay lập tức cử hơn 500 sĩ quan quân đội sang Nga để bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chỉ huy trong thực chiến. Ngoài ra, một nhóm phi công Triều Tiên đã tới Vladivostok để được huấn luyện trên máy bay cường kích Su-25 của Nga. Các phi công Triều Tiên sẽ thực hiện nhiệm vụ chiến đấu cùng Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. (Nguồn ảnh: Topwar, KCNA, CNN, TASS).