Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, tính đến trưa 11-9, tại Hà Nội, hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được bảo đảm để phục vụ người dân. Một số điểm bán trên địa bàn nằm trong khu vực ngập úng dẫn đến công tác vận chuyển hàng hóa chậm hơn so với thông thường do phương tiện vận chuyển được điều chuyển đến các tỉnh ảnh hưởng nặng nề của bão, lũ.
Giá rau xanh, thịt tăng 10%-15%
Bộ Công Thương khẳng định các mặt hàng rau, củ, quả có tăng giá do mưa, ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn trong công tác thu hoạch và vận chuyển. Tuy nhiên, các mặt hàng này đã được chủ động điều chuyển nguồn hàng từ các tỉnh phía Nam để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân.
Tại Quảng Ninh, nguồn cung hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, giá các mặt hàng cơ bản ổn định, trừ một số mặt hàng như rau xanh, thịt có mức tăng nhẹ từ 10%-15% so với thời điểm trước bão. Còn tại Hải Phòng, các chợ cung ứng lương thực, thực phẩm, rau củ quả dồi dào, nhu cầu mua sắm không có biến động nhiều (tăng 5%-10% so với ngày thường). Ở các siêu thị, nguồn cung hàng hóa tăng 80%-100% (chủ yếu đối với các mặt hàng thiết yếu). Do tâm lý lo ngại mưa lũ, sạt lở tại các tỉnh phía Bắc kéo dài, ngay từ chiều 10-9, khách hàng vào mua sắm tại các siêu thị tăng đột biến (tăng trên 150%-170% so với ngày thường), người dân xếp hàng dài mua nhu yếu phẩm như thịt, cá, rau xanh, các loại đồ ăn sẵn, bánh mì, lương khô, sữa, nước. Giá cả hàng hóa tại các siêu thị vẫn ổn định, không có tăng giá các mặt hàng, lượng hàng bán ra tăng mạnh từ 50%-80% so với ngày thường.
Tại Bắc Giang, ở một số địa bàn bị ngập lụt, chính quyền và các nhà hảo tâm vẫn cung ứng lương thực hằng ngày. Tại Thái Nguyên, đối với các khu vực bị ngập lụt, tỉnh vẫn triển khai công tác tiếp tế thực phẩm. Ngoài các khu vực bị ngập lụt, việc lưu thông, cung ứng hàng hóa vẫn tiếp diễn đầy đủ. Tại Yên Bái, hàng hóa vẫn đáp ứng nhu cầu, giá tăng chủ yếu là rau xanh 15%-20%. Tuy nhiên, do ngập sâu cục bộ tại TP Yên Bái nên công tác chuyển hàng hóa đi các huyện gặp khó khăn…
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, cho biết ngay trước bão số 3, đơn vị đã chuẩn bị các phương án cung ứng gạo, thịt heo, thực phẩm… tới Hà Nội và các địa phương phía Bắc. Doanh nghiệp dự trữ hàng tăng gấp 2 lần. 'Gạo được vận chuyển bằng tàu biển từ đồng bằng sông Cửu Long ra miền Bắc liên tục. Trong khi đó, nhà máy chế biến thịt heo ở Hà Nội dù gặp phải mưa bão, ngập lụt, song chúng tôi bằng mọi cách vẫn cố gắng vận hành để bảo đảm cung ứng ra thị trường' - ông Bá nói.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Tân Long, sức tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và miền Bắc tăng gấp 2-3 lần so với bình thường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cam kết không tăng giá, đồng thời triển khai chương trình khuyến mãi để hỗ trợ người dân vùng lũ.
Nguồn cung, giá cả rau xanh, thực phẩm thiết yếu được bảo đảm tại các siêu thị ở Hà Nội Ảnh: LÊ THÚY
Chuyển hàng từ Nam ra Bắc
Liên tục từ cuối tuần qua đến nay, chuỗi cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Wincommerce… đã tập trung nguồn lực để tiếp ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Ngay từ cuối tuần trước, những chuyến xe tăng cường hàng hóa cho miền Bắc do các doanh nghiệp phân phối lớn ở TP HCM triển khai đã lên đường, mang theo lượng lớn rau củ, thịt, thực phẩm khô, giấy vệ sinh, sản phẩm vệ sinh… ra Bắc.
Hệ thống siêu thị GO!, Big C đã tăng 100% sản lượng cung ứng hàng hóa rau củ các loại so với ngày thường, lên đến 75 - 80 tấn/chuyến xe. 'Tính đến ngày 10-9, Central Retail Việt Nam đã vận chuyển thành công 3 chuyến hàng đến các siêu thị GO!, Big C miền Bắc, với khoảng 150 tấn rau, củ, quả các loại. Các chương trình khuyến mãi để có giá tốt vẫn được GO!, Big C, Tops Market áp dụng như bình thường' - đại diện Central Retail cho hay.
Lo ngại sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể xảy ra tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, lũ, các hệ thống siêu thị đã chủ động tăng dự trữ nguồn hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt heo… cung ứng cho các tỉnh Bắc Bộ, đặc biệt là các vùng Quảng Ninh, Hải Phòng, Hạ Long...
Hệ thống MM Mega Market đã tăng lên 2 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ Bình Dương và Lâm Đồng đến Hà Nội mỗi ngày (tương đương 16 tấn rau củ quả). Hệ thống này cho biết đang nỗ lực duy trì nguồn cung ổn định nhất có thể với cam kết không tăng giá hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống thiết yếu.
WinEco cũng đã tăng cường vận chuyển mỗi ngày gần 100 tấn rau củ thiết yếu từ miền Nam và Tây Nguyên ra miền Bắc, gồm mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, cải chíp, bầu, bí, mướp đắng…
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Người Lao Động, các hệ thống phân phối cho biết dù vận chuyển hàng hóa ra Bắc thời gian này khó khăn hơn, chi phí cao hơn ngày thường nhưng các hệ thống bán lẻ lẫn các nhà cung cấp đều đồng lòng giữ ổn định giá tất cả mặt hàng. Thậm chí, một số hệ thống phân phối như Co.opmart còn làm việc với các đối tác kinh doanh để khuyến mãi đậm dành riêng cho thị trường miền Bắc, góp phần ổn định tâm lý người dân.
Hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op với kinh nghiệm nhiều năm tổ chức cung ứng hàng hóa cho các vùng bão lũ, trước khi bão Yagi đổ bộ, các siêu thị Co.opmart ở phía Bắc đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 lần so với ngày thường, tập trung vào các loại rau củ quả, gạo, mì ăn liền, bún ăn liền, đường, dầu ăn, bột ngọt… Saigon Co.op có 11 siêu thị ở miền Bắc và 1 trung tâm phân phối ở Bắc Ninh.
Trung tâm phân phối miền Bắc của Saigon Co.op (tại Bắc Ninh) được đặt trong trạng thái khẩn trương nhất, hoạt động 24/24 với nhiệm vụ xử lý và điều phối xe vận chuyển hàng hóa. Số lượng xe được Saigon Co.op điều hướng từ các trung tâm khác đến phục vụ riêng cho thị trường miền Bắc, theo đó tăng gấp 3 lần so với ngày thường.
Trong ngày 11-9, Bộ Công Thương đã gửi Công điện hỏa tốc số 6969, trong đó tổ chức triển khai Tổ công tác tiền phương về cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các địa phương chịu ảnh hưởng sau bão số 3 để trực tiếp nắm bắt tình hình thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu. 'Thực hiện công tác điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương chịu tác động của mưa, lũ' - Bộ Công Thương cho biết.
Cung cấp hàng bình ổn cho siêu thị
Ông Lưu Lập Đức, Giám đốc Công ty TNHH Agri Đức Tiến (tỉnh Lâm Đồng) - chuyên cung cấp rau củ quả Đà Lạt cho hệ thống các siêu thị, cho hay đã nhận được các đơn đặt hàng với số lượng tăng 2-5 lần so với ngày thường để cung ứng cho thị trường miền Bắc. Tuy nhiên, khả năng cung cấp của doanh nghiệp chỉ tăng từ 30%-50% do vùng trồng tại Lâm Đồng hiện nguồn cung không dồi dào. 'Giá rau ngoài thị trường đang tăng rất nhanh, như khoai lang tại Lâm Đồng hiện đã 30.000 đồng/kg, mức giá ít gặp. 'Chúng tôi nỗ lực cung cấp hàng bình ổn cho các siêu thị phục vụ người dân gặp thiên tai bằng cách bán hàng không lợi nhuận. Ngoài ra, sẽ đưa thêm rau củ dạng 'hàng xá' chưa sơ chế, đóng gói để bảo quản lâu hơn và tiện cho vận chuyển' - ông Đức đưa giải pháp.
Trước diễn biến thời tiết hiện tại, ông Đức dự báo nguồn cung rau xanh vẫn còn khó khăn kéo dài do các vùng trồng tại miền Bắc bị thiệt hại nặng. Tuy nhiên, các tỉnh phía Bắc gần với nguồn cung rau củ giá rẻ từ Trung Quốc cũng là điều thuận lợi trong thời điểm hiện tại.
Điều trực thăng vận chuyển hàng hóa
Chiều 11-9, máy bay trực thăng của Công ty Trực thăng miền Bắc, Binh đoàn 18 (Bộ Quốc phòng) đã cất cánh từ Hà Nội, đi cứu trợ đồng bào đang chịu hậu quả nặng nề của mưa lũ.
Trước đó, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có Công điện số 3923 gửi các đơn vị về việc tập trung khắc phục hậu quả sự cố sập nhịp cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) và ứng phó mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống tại các tỉnh miền núi trung du Bắc Bộ. Thông tin từ Quân chủng Phòng không - Không quân, nếu điều kiện thời tiết cho phép, 3 tổ bay trực thăng Mi-171, Mi-17 và Mi-8 của Trung đoàn 916 thuộc Sư đoàn Không quân 371 sẽ cất cánh thả hàng cứu trợ tại vùng lũ Yên Bái và Cao Bằng - những nơi đang chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ.