Giếng Xó La - hay còn gọi là giếng Vua, giếng Gia Long - nằm ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Hàng trăm năm qua, nước giếng Xó La trở thành 'nguồn sống' của người dân trên đảo Lý Sơn.
Chưa bao giờ cạn
Theo người dân Lý Sơn, với đặc điểm địa lý nằm giữa biển, quanh năm lượng mưa rất ít nên Lý Sơn thường đối mặt với khô hạn. Thế nhưng, dù có khô hạn đến đâu thì nguồn nước ở giếng Xó La vẫn chưa bao giờ vơi cạn.
Hiện nay, dù người dân Lý Sơn đã khoan, đào thêm hàng ngàn giếng nước với mục đích tìm kiếm thêm nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt nhưng phần lớn chỉ phục vụ tưới tiêu vì chưa có giếng nào nguồn nước lại thanh mát, ngon ngọt như giếng Xó La.
Theo đó, hiện tại rất nhiều hộ dân trên đảo vẫn sử dụng nguồn nước giếng Xó La để nấu nướng, uống mỗi ngày. Mỗi ngày có hàng trăm người mang can nhựa, bình đến lấy nước... Nơi đây còn có một nhóm người chuyên chở nước từ giếng Xó La đi bán lại cho các hàng quán. Hầu như các quán nước giải khát, hàng ăn uống trên huyện đảo, kể cả những người thích uống trà, đều sử dụng nước lấy từ giếng này.
Nước giếng Xó La thanh mát quanh năm
Tương truyền, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã đi thăm các hòn đảo dọc bờ biển miền Trung và ghé Lý Sơn. Khi đến đảo đúng thời điểm gặp kỳ khô hạn thiếu cả nước uống, nhà vua lệnh cho quan lại lập đàn tế trời đất cầu mưa, cứu người dân trên đảo. Sau nhiều ngày cầu mưa nhưng chưa được, một đêm nhà vua nằm mộng và được chỉ báo về địa điểm đào giếng lấy nước ngọt. Sáng hôm sau, vua sai người đào giếng ngay vị trí được báo mộng.
Thấy vua chỉ chỗ đào giếng nằm sát bờ biển, quan lại và dân làng bán tín bán nghi vì cho rằng giếng đào sát biển sẽ bị nhiễm mặn. Nhưng vua đã quyết, chẳng ai dám cãi lời, mọi người hồi hộp đợi chờ. Khi thợ đào đến độ sâu chừng 5 sải tay thì gặp mạch nước ngầm, nước tràn ra ào ạt, những người thợ vội thoát lên bờ. Vua sai lấy nước nếm thử, quả nhiên nước ngọt, thanh và rất mát. Từ đó, người dân trên đảo nhớ ơn vua và đặt tên cho giếng là giếng Vua.
Đã tồn tại trên 500 năm
Tương truyền là vậy nhưng theo các nhà nghiên cứu, giếng Xó La có nguồn gốc cách đây hơn 500 năm và do người Chăm xây dựng khi vương quốc Chăm tồn tại trên vùng đất nay là huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, tức là khoảng thế kỷ XV về trước. Khi người Việt đến, các giếng nước của người Chăm, trong đó có giếng Xó La, vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì đến ngày nay.
Bằng chứng là giếng Xó La có nhiều nét tương đồng về kết cấu, vật liệu, hình dáng, vị trí với các giếng Chăm đang còn sử dụng hoặc mới phát hiện ở miền Trung. Các nhà nghiên cứu hầu hết thống nhất ý kiến rằng đây là loại giếng cổ, do người Chăm đào để lấy nước sinh hoạt; một số giếng ở ven biển, hải đảo (cù lao Chàm, cù lao Ré) còn kết hợp bán nước ngọt cho các thương thuyền.
Nước giếng Xó La thanh mát quanh năm
Để lý giải vì sao giếng Xó La chưa bao giờ cạn, các nhà khoa học khi nghiên cứu về hệ thống nước ngầm trên đảo Lý Sơn phát hiện hầu hết các giếng trên đảo đều có 2 dòng nước ngầm - một dòng thấm ra từ lòng đảo và một dòng thấm từ biển vào nên đều bị nhiễm mặn. Nhưng giếng Xó La chỉ có một mạch nước ngầm thấm từ trong lòng đảo nên được cung cấp nguồn nước ngọt quanh năm và không bị nhiễm mặn. Hơn nữa, giếng Xó La nằm ở dải đất thấp trải dài dưới chân núi Hòn Vung nên có thể mạch nước giếng có nguồn gốc từ nước mưa thẩm thấu từ trên núi xuống.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hồng Khánh, giếng Xó La có tên gọi khác là giếng Vua hay giếng Gia Long cũng là cách người dân thể hiện sự tôn kính đối với người đứng đầu sơn hà xã tắc. Bởi qua sử sách, trước và sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh (vua Gia Long) chưa hề đến Lý Sơn. Chủ đích ẩn sau những câu chuyện truyền miệng trong dân gian là nhằm thể hiện một thái độ, một cách đánh giá hoặc một niềm tin. Gọi là giếng Vua vì cho rằng giếng ấy đứng đầu trong các giếng nước ngọt ở quê đảo.
Giếng Xó La có tổng diện tích mặt bằng là 72,3 m2; nền giếng có dạng hình chữ nhật với chiều dài 7,3 m, chiều rộng 6,3 m, diện tích 46 m2. Giếng có chiều sâu (từ mặt đất xuống đáy giếng) 6,7 m, thành giếng dày 20 cm, cao 0,65 m, được xây bằng đá ong, trát vữa xi-măng. Lòng giếng hình tròn, đường kính 1,9 m, được kè bằng đá cuội, đá phún xuất thạch, xen lẫn đá vôi. Đá ở đây được lựa chọn kỹ về kích cỡ và hình dạng, kè vào nhau khá công phu, vừa đẹp mắt vừa rất chắc chắn lại có khe hở vừa phải để mạch nước ngầm có thể thoát ra dễ dàng. Phần nước trong lòng giếng chiếm khoảng 1,5 m; nước trong xanh, khi mặt trời rọi xuống có thể nhìn thấy đáy… Năm 2017, giếng Xó La được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.