Sở Xây dựng TP HCM vừa có tờ trình UBND TP HCM về Đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố, thực hiện chỉnh trang đô thị và Đề án di dời, bố trí nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội cho các hộ trên và ven kênh rạch kết hợp chỉnh trang đô thị trên địa bàn quận 8.
Mong sớm thoát cảnh ô nhiễm
Ngày 18-2, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), một tuyến rạch đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước và giảm ngập cho khu vực. Tuy nhiên, nơi đây đang đối mặt với tình trạng lấn chiếm, bồi lấp và ô nhiễm nghiêm trọng.
Mặt nước của con rạch đen kịt, mùi hôi thối từ rác thải sinh hoạt bốc lên nồng nặc. Rác thải đủ loại, lềnh bềnh trên mặt nước. Càng đi sâu vào các con hẻm, mức độ ô nhiễm càng hiện rõ. Dòng nước bẩn cạn đến mức để lộ đáy, thỉnh thoảng chuột bọ chạy vụt qua, tạo cảm giác rùng mình cho bất cứ ai chứng kiến.
Dọc hai bên bờ rạch là những căn nhà xập xệ. Cách đó vài chục mét là khu căn hộ cao cấp trên đường Ngô Tất Tố, tạo nên sự tương phản rõ rệt. Bức tranh đô thị càng tương phản hơn khi tuyến metro số 1, đã chính thức đưa vào vận hành trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chạy qua khu vực.
![]()
Rạch Văn Thánh ô nhiễm nặng hàng chục năm qua. Ảnh: CHÍ NGUYÊN
Rạch Văn Thánh dài khoảng 1,5 km, bắt đầu từ cầu Điện Biên Phủ đến ngã ba kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chảy qua các phường 19, 21 và 22 thuộc quận Bình Thạnh. Sinh sống gần rạch Văn Thánh từ thời cha mẹ, bà Trần Thị Ngọc Hảo (SN 1972) chia sẻ rằng hơn nửa đời người sống trong cảnh ô nhiễm, bà chỉ mong có nơi ở đàng hoàng, thoát cảnh sống 'khu ổ chuột'.
Nhắc đến kế hoạch cải tạo con rạch của thành phố, bà Hảo bày tỏ sự vui mừng: 'Sau bao nhiêu năm sống chung với dòng rạch ô nhiễm, người dân vô cùng háo hức với kế hoạch vừa được thông tin. Điều này không chỉ giúp thay đổi bộ mặt của con rạch mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân'.
Có cùng tâm tư với bà Hảo, ông Tô Sư Thuyền (SN 1957) cho biết gần đây, chính quyền địa phương đã thực hiện việc nạo vét để giảm bớt tình trạng rác thải và tăng cường tuyên truyền nhằm khuyến khích người dân không xả rác xuống rạch. Tuy vậy, tình trạng vẫn trở lại như cũ sau một thời gian ngắn và con rạch tiếp tục bị ô nhiễm.
'Kế hoạch cải tạo con rạch tôi đã nghe từ 20 năm trước nhưng cho tới nay, dù tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, người dân khu vực vẫn chưa được giải phóng mặt bằng và con rạch vẫn chưa hết ô nhiễm. Tôi thật sự hy vọng con rạch sẽ sớm được trả lại môi trường trong lành để góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân chúng tôi' - ông Thuyền bày tỏ.
Khát vọng thay đổi diện mạo
Theo Sở Xây dựng TP HCM, qua hơn 30 năm thực hiện di dời nhà trên và ven kênh rạch, từ năm 1993 đến năm 2025, thành phố đã di dời, giải phóng mặt bằng 44.338 căn nhà thuộc 4 tuyến kênh rạch chính và các chi lưu.
Hiện trên địa bàn thành phố còn 398 dự án/tuyến sông, kênh, rạch chưa triển khai thuộc 16 quận, huyện và TP Thủ Đức (ngoại trừ các quận 1, 3, 5, 10, 11) với tổng quy mô di dời khoảng 39.600 căn.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, ý kiến của HĐND TP HCM và ý kiến góp ý của các sở ngành, Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND TP HCM đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố, thực hiện chỉnh trang đô thị.
Sở Xây dựng cho rằng việc khai thác quỹ đất lớn sau di dời, giải phóng mặt bằng được thực hiện bằng hình thức đấu thầu hoặc đấu giá để nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch. Đối với công tác xây dựng các khu tái định cư, nghiên cứu phương án do nhà nước thực hiện đầu tư hoặc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện. Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện từ nguồn vốn ngân sách, sau đó khai thác chủ yếu cho thuê.
Thành phố phấn đấu năm 2030 cơ bản di dời, bố trí tái định cư cho toàn bộ người dân sống trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn; khai thông dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường, thực hiện chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất dọc sông, kênh, rạch để phát triển kinh tế.
Sở Xây dựng đề xuất thực hiện thí điểm tại quận 8 là địa bàn trọng điểm để thành phố tập trung nguồn lực, xem xét, giải quyết các khó khăn vướng mắc (nếu có) và làm cơ sở để UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức nghiên cứu, xem xét, dự kiến phương thức triển khai công tác di dời và tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân.
Liên quan đến đề án, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP HCM xem xét, có ý kiến đối với tên gọi dự kiến của đề án: 'Đi dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố, thực hiện chỉnh trang đô thị'; 'Chỉnh trang nhà trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố'; 'Chỉnh trang đô thị và tổ chức lại cuộc sống cho người dân sống trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2026-2030.
Ước tổng kinh phí ban đầu 221.370 tỉ đồng
Tổng quan tài chính, hiệu quả của đề án, Sở Xây dựng cho biết ngân sách nhà nước cần phân bố cho công tác bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà xã hội và công tác nạo vét, cải tạo, xây dựng hạ tầng... Tạm tính tổng kinh phí phân bổ ban đầu là 221.370 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng chính sách bồi thường, tái định cư là 130.680 tỉ đồng; chi phí xây dụng nhà ở xã hội cho trường hợp không đủ điều kiện bồi thường, tái định cư 10.692 tỉ đồng; chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nạo vét, cải tạo sông kênh rạch là 80.000 tỉ đồng.
Sau khi triển khai thực hiện đề án, sẽ tạo các khu đất dọc sông, kênh, rạch có thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các dự án thương mại dịch vụ... Dự kiến kinh phí thu lại khoảng 164.111 tỉ đồng.