Quảng cáo thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên nền tảng youtube Ảnh chụp từ Facebook
Thời gian qua, dư luận cũng không khỏi bức xúc trước hiện tượng nhiều người nổi tiếng, nhất là diễn viên, ca sĩ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng sai sự thật thông qua hình thức livestream. Tuy nhiên, hiện tại luật pháp Việt Nam chưa có chế tài xử phạt với hình thức quảng cáo này. Nhìn ra thế giới, quảng cáo được xem là nguồn thu lớn cho các nghệ sĩ, vì vậy nhiều quốc gia đã áp dụng những biện pháp cứng rắn. Nhiều ngôi sao quảng cáo sản phẩm dễ dãi, sai sự thật bị công chúng tẩy chay, thậm chí vướng vòng lao lý và mất cả sự nghiệp.
Quảng cáo sai lệch là vi phạm pháp luật. Nhưng quảng cáo sai lệch về thuốc, thực phẩm thì nguy hại hơn gấp nhiều lần bởi nó tác động trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người. Được biết, Bộ TT&TT đang phối hợp Bộ VH-TT&DL xây dựng quy trình xử lý các hành vi vi phạm của nghệ sĩ, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành. Luật Quảng cáo sửa đổi cũng đang trong quá trình hoàn thiện, với nhiều đề xuất siết chặt giám sát người nổi tiếng tham gia quảng cáo. Nhưng để ngăn chặn các quảng cáo 'thần dược', 'danh y' làm nhiễu loạn thị trường thì cần giải pháp chấn chỉnh nền tảng mạng xã hội mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, quảng cáo sai lệch là vi phạm pháp luật. Quảng cáo sai lệch về thuốc, thực phẩm còn nguy hại hơn gấp nhiều lần bởi nó tác động trực tiếp tới sức khỏe, thậm chí cả tính mạng con người.
Việc các đối tượng cố tình quảng cáo các sản phẩm thuốc giả hoặc các bài đăng không tuân thủ nguyên tắc về quy định quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng có thể bị truy cứu trách nhiệm về các hành vi vi phạm quy định quảng cáo thuốc, quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5 - 40 triệu đồng căn cứ theo Điều 50, Điều 52 Nghị định 38/2021 của Chính phủ; hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 BLHS có thể bị phạt phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ lên đến 3 năm.
Ngoài ra, nếu người vi phạm kinh doanh các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả có thể bị truy cứu cả về tội buôn bán thuốc không rõ nguồn gốc, sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh. Do đó, tùy theo mức độ, tính chất sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Căn cứ Điều 9 Nghị định 98/2020 của Chính phủ, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 13 Nghị định 17/2022 hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, tùy vào giá trị hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc nguồn thu bất hợp pháp sẽ bị phạt tiền từ 1 - 70 triệu đồng (đối với cá nhân) và từ 2 - 140 triệu đồng (đối với tổ chức); hoặc căn cứ tại Khoản 6, Khoản 8, Khoản 9 Điều 58 Nghị định 117/2020 của Chính phủ được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 15 Điều 2 Nghị định 124/2021 khi cá nhân buôn bán thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tùy theo giá trị hàng hóa sẽ bị phạt tiền từ 5 - 100 triệu đồng.
Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược trong thời hạn từ 3 - 6 tháng, bị đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 6 - 9 tháng và buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Còn với tổ chức thì mức phạt tiền là gấp đôi so với cá nhân. Bên cạnh đó, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh có thể bị phạt tù từ 2 - 7 năm, nếu gây thiệt hại về tài sản và sức khỏe, tính mạng con người với mức độ nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 5 năm, chung thân hoặc tử hình căn cứ Điều 194 BLHS.
Luật sư Thái cho biết, theo quy định của Luật Dược, tất cả các thuốc trước khi quảng cáo phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan chức năng. Tuyệt đối không được dùng các từ như: hàng đầu, số 1, tốt nhất, điều trị tận gốc, khỏi hẳn, đảm bảo 100%. Không được sử dụng hình ảnh, tên, biểu tượng của cán bộ y tế để khuyên dùng thuốc. Mức xử phạt cũng đã được quy định lên tới hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, có nhiều khó khăn trong xác định danh tính, hành vi phạm tội vì những quảng cáo này đa phần xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội.
“Bởi vậy, việc kiểm soát, kiểm tra, xử lý các hành vi này, các cơ quan chức năng vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn. Bởi các đối tượng thường sử dụng các tài khoản giả mạo, hoặc giả danh thông tin cá nhân của người khác để đăng bán các sản phẩm không đúng như mô tả trên mạng xã hội nhằm trốn tránh sự kiểm tra, xử phạt của cơ quan nhà nước, tránh sự khiếu nại của người tiêu dùng đến tài khoản bán hàng” - luật sư Thái cho biết.