Cơ quan CSĐT Công an huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý gây thương tích xảy ra tại thôn Thái Sơn, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) vào ngày 5/10/2024; đồng thời quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 2007), Nguyễn Thị Giang (SN 2007), Hoàng Thị Huyền Trang (SN 2007), Nguyễn Thị Anh (SN 2008), Lê Phương Dung (SN 2008) và Vũ Lê Trâm (SN 2007), đều ở huyện Nông Cống, về hành vi cố ý gây thương tích.
Nữ sinh bị đánh phải cố định vùng cổ, vận động rất khó khăn.
Theo điều tra, hôm 4/10, trên đường đi học về, nữ sinh lớp 10 trường THPT Nông Cống 2 thấy hai bạn lớp khác đang cười đùa. Em này cho rằng cả hai nói xấu mình nên cãi nhau. Một ngày sau, hai bên tiếp tục đánh nhau trên đường từ trường về. Nhiều học sinh trường THPT Nông Cống 2 cùng tham gia. Một nữ sinh lớp 11 của trường vào can ngăn đã bị đánh hội đồng, chấn thương nặng. Bệnh viện xác định em này bị gãy đốt sống cổ. Sau khi điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội), nạn nhân được gia đình đưa về tập vật lý trị liệu ở nhà. Người thân cho hay đến nay sức khỏe của em vẫn rất yếu, chưa thể quay lại trường học. Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) xác định, nạn nhân bị tổn hại 23% sức khỏe.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ án cố ý gây thương tích rất nghiêm trọng và rất đáng buồn vì cả nạn nhân và đối tượng gây án đều còn rất trẻ tuổi.
Vụ việc cho thấy bạo lực học đường hiện nay vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại khi tính mạng, sức khỏe của học sinh có thể bị xâm phạm bất kỳ lúc nào nếu thiếu sự quản lý của thầy cô, của cha mẹ, những mâu thuẫn của các em không được giải quyết, cảm xúc không được kiểm soát.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Với diễn biến hành vi như vậy và hậu quả thương tích 23% thì việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các học sinh này là có căn cứ. Theo quy định tại điều 12 Bộ luật Hình sự thì người từ 14 tuổi trở lên là đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự với mọi tội phạm. Bởi vậy, các học sinh đã từ đủ 16 tuổi cố ý gây thương tích cho người khác 23% là đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội cố ý gây phân tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bị can, đánh giá hậu quả để xử lý theo quy định pháp luật. Với tình tiết như vậy, các bị can sẽ đối mặt với khung hình phạt từ 2-6 năm.
Luật sư Cường chia sẻ, vụ việc sẽ là bài học cho các bị can và còn là bài học cho các bậc phụ huynh và cơ sở giáo dục trong việc giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức và pháp luật đối với học sinh. Vụ án này cũng là tiếng chuông cảnh báo tính nguy hiểm đối với vấn đề bạo lực học đường hiện nay. Để giảm thiểu những vụ án này thì cần nâng cao trách nhiệm quản lý, giáo dục của cha mẹ và các thầy cô giáo. Cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật cho học sinh để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh.
>>> Xem thêm video: Đánh bạn nhậu vì bỏ đi khỏi bàn nhậu ở huyện Hồng Ngự