Ảnh minh hoạ.
Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đề án Chuyển đổi số trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều mô hình thực hiện hiệu quả. Vừa qua, 100% cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số. Có 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan, các cơ sở giáo dục trực thuộc được thực hiện trên nền tảng quản trị số (hệ thống iDesk).
Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn các trường thực hiện số hóa hồ sơ sổ sách chuyên môn; kể từ năm học 2023-2024, triển khai nhân rộng hồ sơ số, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử; xây dựng kho học liệu số, bài giảng điện tử dùng chung.
Đến nay, việc thực hiện các mô hình chuyển đổi số trong ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp đã đạt 11/14 chỉ tiêu với hàng trăm ngàn giáo viên, học sinh tham gia. Các mô hình chuyển đổi số được thực hiện như: Hội thi giáo dục STEM; thanh toán không dùng tiền mặt trong nhà trường; mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa liệu số mở, cán bộ quản lý, giáo viên được trang bị chữ ký số; giáo viên và cán bộ quản lý trên nền tảng Onetouch…
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hơn 11.000 cán bộ quản lý và giáo viên được trang bị chữ ký số. Giáo viên các đơn vị trường có thể ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng thành thạo phần mềm để hỗ trợ dạy và học. Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác chuyển đổi số của Sở Giáo dục và Đào tạo được đảm bảo. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố đầu tư trang thiết bị kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin; cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn, đào tạo cơ bản, nâng cao trình độ, tiếp cận nhanh các ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu và vận dụng trong dạy học.
Trong chuyển đổi số, phải kể đến hai Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồng Ngự và thành phố Cao Lãnh. Tại Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồng Ngự đã triển khai mô hình hệ thống quản lý trường học, đạt kết quả 100% với 26/26 trường học thực hiện. Mô hình này đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên nâng cao chất lượng công việc chuyên môn và đảm bảo kết quả học tập của học sinh; phụ huynh và học sinh tra cứu kết quả học tập được dễ dàng.
Còn Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cao Lãnh nổi bật với mô hình quản lý 'Trường học thông minh - An toàn - Không dùng tiền mặt VinaID'. Tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Ban Giám hiệu trường phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ thanh toán thành phố thông minh thực hiện mô hình. Mỗi giáo viên, nhân viên và học sinh được thẻ VinaID. Thẻ có các tính năng như: quét thẻ để điểm danh học sinh đến trường; kiểm tra thân nhiệt và check-in khai báo y tế tự động; sổ liên lạc điện tử; chấm công giáo viên, nhân viên; tương tác học đường; quản lý thực đơn ăn uống, thời gian nghỉ ngơi và sinh hoạt tại trường dành cho học sinh bán trú; quản lý thu học phí và các nguồn thu khác.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cao Lãnh còn triển khai, cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Trang thông tin điện tử như: chuyển trường, dạy thêm, học thêm, văn bằng chứng chỉ, tuyển sinh đầu cấp; ứng dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến, quản lý các phần mềm quản lý giáo dục theo quy định; triển khai phần mềm tuyển sinh phục vụ tuyển sinh đầu cấp.
Bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, mục tiêu của ngành là đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, gắn kết giữa nhà trường và gia đình, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế và xã hội số; bảo đảm thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.