Bộ Y tế cảnh báo, thời gian tới, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm, vì thế mọi người cần phải có biện pháp phòng bệnh kịp thời.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra sức khỏe người bệnh.
Liên tiếp ghi nhận người trẻ bị đột quỵ
Nữ bệnh nhân 32 tuổi (quê Hưng Yên) nhập viện với triệu chứng liệt nửa người trái hoàn toàn và nói ngọng giờ thứ nhất. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh trong phải giờ thứ 1. Chỉ trong 35 phút kể từ khi nhập viện (tức ngay giờ thứ 2 của bệnh), bệnh nhân được dùng thuốc tiêu huyết khối.
Song song với điều trị tiêu huyết khối, kíp can thiệp của Trung tâm Điện quang đã sẵn sàng, bệnh nhân được chuyển tới phòng can thiệp. Kết quả động mạch cảnh trong phải đã được tái thông mức độ TICI 2c bằng phương pháp đặt stent nội sọ và Solumbra.
Được song song áp dụng 2 phương pháp điều trị: tiêu huyết khối và lấy huyết khối, về lâm sàng bệnh nhân đã hết nói khó, còn yếu nhẹ nửa người phải, NIHSS cải thiện từ 11 điểm khi vào viện xuống 1 điểm.
Được vận chuyển rất xa từ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, bệnh nhân nam 36 tuổi được đưa đi cấp cứu do phát hiện liệt nửa người và thất ngôn và được điều trị tiêu huyết khối vào giờ thứ 3 kể từ khi khởi phát.
Tuy nhiên, bệnh nhân đã bị nhồi máu não ASPECTs 4đ do tắc động mạch cảnh trong - não giữa trái giờ thứ 12, Moyamoya.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, đây là bệnh lý hiếm gặp của mạch máu não thường xảy ra ở tuổi 30-50 ở nhóm bệnh nhân Đông Á. Bệnh tiến triển mạn tính gây hẹp dần, tắc động mạch cảnh trong sọ và các mạch máu nhỏ tăng sinh để bù trừ. Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi, điều trị nội khoa, tuy nhiên sự phục hồi rất chậm.
Bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu kịp thời.
Đang chơi cầu lông, nam thanh niên 32 tuổi đột ngột liệt nửa người trái và thất ngôn. 40 phút sau khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp giờ thứ 1 do tắc động mạch não giữa phải đoạn M1 và được chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối. Đồng thời với tua trực Đột quỵ, tua trực Điện quang đã sẵn sàng để rút ngắn tối đa thời gian tái thông mạch máu cho ca bệnh này.
Sau 30 phút trong phòng can thiệp, động mạch não giữa phải đã được tái thông hoàn toàn (mức độ tái thông TICI 3). Nhờ đến viện sớm và được điều trị tái tưới máu tích cực bằng cả 2 phương pháp tiêu huyết khối và can thiệp lấy huyết khối, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn với thang điểm NIHSS từ 12 điểm xuống 1 điểm. Giờ đây, chàng thanh niên trẻ có thể nói chuyện và đi lại như bình thường, có thể quay trở lại với sân tập với các bạn của mình.
Bệnh nhân Vũ Thị H, 42 tuổi, quê ở Yên Bái vào viện vì đau đầu, tê yếu nửa người trái. Qua khai thác, bệnh nhân nữ làm nghề nông, tiền sử đái tháo đường nhiều năm đang điều trị thuốc Insulin Mix 30/70 tiêm ngày 2 lần: sáng 24UI, tối 24UI, đã điều trị huyết khối tĩnh mạch chi dưới trái từ tháng 8/2023 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và chưa tái khám.
Bệnh nhân có biểu hiện đau đầu tăng dần, hoa mắt, chóng mặt kèm đau nhức chân 2 bên trong nửa tháng nay, đã điều trị ở nhiều nơi nhưng không đỡ. 8 giờ 20 phút sáng ngày 21/3, bệnh nhân đột ngột xuất hiện tê bì, yếu nửa người trái, được người nhà đưa tới Trung tâm Đột quỵ.
Kết quả MRI não cho thấy huyết khối nhiều ở tĩnh mạch não, siêu âm chi dưới chỉ ra bệnh nhân có huyết khối toàn bộ tĩnh mạch chi dưới bên phải và đoạn huyết khối rất dài của tĩnh mạch chi dưới bên trái. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc theo phác đồ chống đông, đồng thời tích cực tìm nguyên nhân tăng đông. May mắn dù huyết khối nhiều tĩnh mạch não, bệnh nhân vẫn chưa có biến chứng chảy máu não, điều này giúp việc điều trị bước đầu ghi nhận những thuận lợi.
Cẩn trọng đột quỵ mùa nắng nóng
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ đầu năm đến nay nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long và miền trung, Tây nguyên.
Trong thời gian tới, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm, có nguy cơ gây nên hạn hán, thiếu nước sạch cho sinh hoạt và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, người lao động.
Cục Quản lý Môi trường y tế cho biết, say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức; những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường.
Thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân sau can thiệp đột quỵ.
Trong tiết trời nắng nóng gay gắt diễn ra mấy ngày qua, để phòng bệnh đột quỵ ở người trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn đưa ra 3 khuyến cáo.
Một là, các bạn trẻ nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh.
Hai là, tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường….
Ba là, khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…. ) cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.