Từ câu chuyện của những gia đình hạnh phúc khi sinh con một bề gái, mới thấy không phải là việc sinh con trai hay con gái, mà chính là việc xây dựng gia đình hạnh phúc, giáo dục con cái trở thành người có ích cho xã hội.
Hạnh phúc khi ông trời ban tặng hai con gái
Sinh hai con là gái, với vợ chồng anh Vũ Đình Quyết (lái xe cho một công ty) và chị Trần Thị Hà (giáo viên mầm non) ở Tổ dân phố số 13 phường Xuân La, quận Tây Hồ luôn coi đây là đặc ân, là hạnh phúc ông trời ban tặng cho. Luôn bằng lòng với những gì mình có, anh chị quyết tâm nuôi dạy hai con gái ăn học nên người, dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Điều mà anh chị cảm thấy hạnh phúc nhất là hai con Vũ Quỳnh Anh (sinh năm 2007) và Vũ Phương Anh (sinh năm 2012) đều chăm ngoan, học giỏi, biết chia sẻ, gánh vác việc nhà cùng bố mẹ. Đây là động lực để anh chị cùng nhau cố gắng.
Anh Vũ Đình Quyết ở Tổ dân phố số 13 phường Xuân La, quận Tây Hồ dạy con gái học. Ảnh: Thảo Trần
'Tôi nghĩ, con nào cũng là con, không quan niệm trai hay gái. Với tôi có 2 con gái thật là hạnh phúc. Bởi nhiều gia đình muốn có con cũng không được. Tôi bảo với vợ tôi là dừng dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Cũng có lẽ vì thế mà đứa con gái thứ 2 tên ở nhà được bố mẹ gọi là đu đủ, nghĩa là đã đủ, chúng tôi không có nhu cầu sinh thêm con nữa. Chúng tôi tập trung nuôi cho 2 con ăn học cho đến nơi đến chốn, để sau này giúp ích cho xã hội' – anh Quyết chia sẻ.
Không được may mắn như những bạn cùng trang lứa, 2 chị em Nguyễn Thị Thảo Nhi (sinh năm 2008) và Nguyễn Thị Thanh Trà (sinh năm 2012) ở thôn Thư Dương, xã Thư Phú, huyện Thường Tín mồ côi cả cha lẫn mẹ lớn, lên trong vòng tay của bà ngoại, sống trong điều kiện khó khăn, nhưng 2 chị em luôn là những đứa trẻ chăm ngoan, học giỏi, không ngừng cố gắng học tập để thay đổi số phận.
Lau những giọt nước mắt lăn dài trên gò má sạm nắng theo thời gian, bà Lê Thị Đông (76 tuổi, thôn Thư Dương, xã Thư Phú, huyện Thường Tín), kìm nén cảm xúc, kìm nén nỗi đau tinh thần chia sẻ với chúng tôi về những ngày tháng cả gia đình vượt qua chặng đường khó khăn khi tai họa ập đến. Theo lời bà Đông, cách đây 6 năm, con trai bà đã đột ngột ra đi trong một trận ốm, cảm. Nỗi đau mất mát con trai chưa nguôi ngoai thì đầu năm nay, con dâu bà cũng bỏ bà, bỏ 2 đứa thơ mà đi khi mắc phải căn bệnh ung thư vú quái ác. Nuốt nước mắt vào trong, bà Đông cùng vợ chồng con trai thứ gượng dậy, bươn chải, kiếm thêm nghề phụ để trang trải cuộc sống, gắng nuôi 2 cháu gái ăn học, thành người.
'Vì hoàn cảnh éo le, giờ đây, tôi vừa là bà, là cha mẹ, thay các con chăm lo cho các cháu ăn học. Tôi cũng đã cố gắng làm mọi việc có thể để 2 cháu có được môi trường học tập tốt bằng bạn bằng bè, sau này có công ăn việc làm ổn định, có cuộc sống tốt hơn. Tôi giờ cũng già yếu rồi, sống được ngày nào, chăm lo cho các cháu ngày ấy nhưng tôi chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để bảo ban, dạy dỗ các cháu khôn lớn, trưởng thành, học hành tốt hơn. Để bố mẹ cháu ở thế giới bên kia yên lòng mà tôi cũng cảm thấy mãn nguyện, hoàn thành nhiệm vụ với con, với cháu' – bà Đông lạc giọng chia sẻ.
2 chị em Nguyễn Thị Thảo Nhi (sinh năm 2008) và Nguyễn Thị Thanh Trà (sinh năm 2012) ở thôn Thư Dương, xã Thư Phú, huyện Thường Tín mồ côi cả cha lẫn mẹ lớn, lên trong vòng tay của bà ngoại, sống trong điều kiện khó khăn, nhưng 2 chị em luôn là những đứa trẻ chăm ngoan, học giỏi, không ngừng cố gắng học tập để thay đổi số phận.
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, hai chị em Thảo Nhi và Thanh Trà luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Bà và cậu mợ luôn tự hào khi hai chị em sở hữu bảng thành tích học tập đáng nể, trong đó, Thảo Nhi 6 năm là học sinh giỏi, 1 năm học sinh tiên tiến, Thanh Trà, 3 năm đều là học sinh vượt trội. Không những học giỏi, 2 chị em còn rất đảm đang trong công việc nội trợ, giúp đỡ gia đình việc nhà…
Can thiệp kịp thời, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Đề cập tới công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội (DS-KHHGĐ), ông Bùi Công Thản - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, so với mặt bằng chung của TP, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn huyện tương đối cao.
Cụ thể, tính đến hết tháng 9 năm 2021, tỷ số này là 114 trẻ trai/100 trẻ gái (tỷ lệ này cao hơn năm 2020 là 113 trẻ trai/100 trẻ gái). Ở một số địa phương trên địa bàn huyện, tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh chưa giảm. Thêm vào đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền có nơi còn chưa đầy đủ, chỉ đạo chưa quyết liệt, đồng thời, phương pháp truyền thông của cán bộ làm công tác dân số chưa hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tây Hồ Lê Thu Nga cho hay, thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ của quận Tây Hồ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Dân số tính đến thời điểm 30/9/2021 là 166.723 người, tổng số sinh 9 tháng đầu năm là 1.009 trẻ, số trẻ sinh là con thứ ba là 3 trẻ giảm 2 trẻ so với cùng kỳ năm 2020. Quận đã thực hiện tư vấn và sàng lọc trước sinh cho 1.236 bà mẹ mang thai, đạt tỷ lệ 87,%; tư vấn và sàng lọc sơ sinh cho 884 trẻ, đạt tỷ lệ 87,6%; tỷ số giới tính khi sinh là 110 trẻ trai/100 trẻ gái. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cần quan tâm trong công tác DS-KHHGĐ tại quận Tây Hồ hiện nay đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tây Hồ đang đối mặt với tình trạng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh tại các phường trọng điểm.
Sở Y tế Hà Nội và UBND huyện Thường Tín đã tặng quà, biểu dương, khen thưởng 100 gia đình tiêu biểu trên địa bàn huyện Thường Tín thực hiện tốt chính sách dân số, có con gái chăm ngoan, học giỏi.
Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay tại quận Tây Hồ, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ quận đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông phong phú về công tác DS-KHHGĐ, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân về vấn đề bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh.
Hàng năm, quận và phường tổ chức các đợt tuyên truyền hưởng ứng chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng: Nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm nhỏ, tuyên truyền trực quan, hội thi, giao lưu văn nghệ... tuyên truyền về vấn đề mất cân bằng giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh các trường THCS trên địa bàn quận. Công tác kiểm tra, ký cam kết với các phòng khám tư nhân thực hiện cung cấp dịch vụ sản khoa/KHHGĐ trên địa bàn cũng được chú trọng và tổ chức thực hiện thường xuyên để thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Y tế về việc siêu âm không công bố giới tính thai nhi, không loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội (DS-KHHGĐ) Hà Nội Nguyễn Minh Xuân cho biết, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn TP năm 2010 là 117 trẻ trai/100 trẻ gái và đang có xu hướng giảm dần qua các năm, năm 2019 giảm xuống 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái.
Trong 9 tháng của năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh toàn TP là 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái. Dự kiến, cuối năm nay, tỷ số không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái và hoàn thành chỉ tiêu năm. Với thực trạng mất cân bằng giới tính như hiện nay, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.
Nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Quốc tế trẻ em gái, năm nay, Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề: 'Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh'. Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn TP. Đặc biệt, một số đơn vị như: Tây Hồ, Đan Phượng, Thường Tín... tổ chức gặp mặt biểu dương trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu. Ngoài ra, các đơn vị cũng tổ chức các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; cấp phát tờ rơi, sách mỏng tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh...