Năm 2006, anh Đặng Trịnh Bộ (quê ở xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) quen chị Nguyễn Thị Hòa (quê ở huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) trong lần người phụ nữ làm giúp việc trên phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Khi đó, chị giúp chủ nhà bán những tấm pallet gỗ, gọi xe ba bánh của anh Bộ. Thấy người đàn ông chỉ ngồi trên xe, không phụ giúp nâng pallet, chị thầm trách móc.
'Nếu bê vác được hàng hóa, tôi đã không phải lái chiếc xe này' - anh Bộ nói khi bước xuống xe. Trông thấy người đàn ông lưng cong gập, chị Hòa mới biết đã hiểu nhầm anh.
Chị Nguyễn Thị Hòa trước bàn thờ của chồng. Ảnh: Minh Nhân
Quen anh Bộ, chị cũng không giấu hoàn cảnh của mình, mẹ chị bỏ đi khi con gái mới lên 3, người bố mù lòa bị bệnh thần kinh. 15 tuổi, chị từ quê lên thành phố vừa làm giúp việc vừa nhặt ve chai. 2 con người cùng khổ quyết định tìm hiểu nhau từ đó.
Nhớ lại một ngày mùa đông, chị Hoà gặp anh Bộ chở hàng trên phố Hà Nội. Biết anh chưa kịp ăn gì, chị mua cho người yêu 2 bắp ngô luộc. Vừa đói vừa rét, anh nói: 'Được em mua cho 2 bắp ngô, anh sẽ nhớ mãi'.
2 năm sau, họ xây dựng tổ ấm, chuyển đến sống trong căn nhà 9 m2 lợp proximang bên ngoài sân nhà bố mẹ anh Bộ. Ước mơ của vợ chồng là ngày nào đó xây được căn nhà nhỏ một tầng như hàng xóm.
Mỗi ngày, anh Bộ chạy xe ba gác chở rau thuê, được 100.000 đồng/chuyến, hôm nào nhiều thì 150.000 đồng, chị Hòa thì đi xe buýt lên Hà Nội làm giúp việc, nhặt ve chai. Đến chiều, anh gom ve chai, chở vợ về nhà. Khoản thu nhập không mấy dư dả, chỉ đủ chi tiêu qua ngày.
Năm 2011, sau khi sinh con gái đầu lòng, vợ chồng anh Bộ bàn nhau vun vén, vay mượn thêm để xây căn nhà. Một năm sau, chị Hòa đón bố đẻ từ bệnh viện tâm thần về nuôi.
Năm 2015, chị Hòa bị sụt cân nghiêm trọng, chị đi khám, điều trị và uống thuốc trong nhiều năm, nhưng tình trạng của chị không thuyên giảm. Chị sau đó phát hiện mắc ung thư tuyến giáp giai đoạn 1, chuyển sang Bệnh viện Ung bướu Hà Nội điều trị. Tháng 6-2023, chị được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ. 2 tháng sau, chị tiến hành xạ trị bằng liệu pháp uống i-ốt phóng xạ.
Trước ngày lên bệnh viện xạ trị liên tục cả tuần không về nhà, chị dặn các con thay nhau chăm sóc bố và ông ngoại. Ngày cuối của đợt xạ trị, người phụ nữ bất ngờ nhận tin dữ báo anh Bộ gặp tai nạn, cấp cứu tại Bệnh viện Nông nghiệp. Buổi sáng anh vẫn chở hàng như thường ngày, khi ngồi nghỉ tại nhà người quen thì anh bỗng ngã gục. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị xuất huyết não, tim đã ngừng đập.
'Hôm đó là ngày xuất viện, tôi không báo cho chồng, muốn tự về nhà để tạo bất ngờ nhưng tôi không ngờ...' - chị Hoà nghẹn ngào.
Nhìn chồng nằm im trên giường bệnh, chị Hòa nhớ tới câu chuyện năm 2009, khi đó 2 anh chị cùng xem một phóng sự trên tivi về một cụ bà ở quận Thanh Xuân đăng ký hiến tạng, anh Bộ nói nếu sau này có mệnh hệ gì thì cũng muốn được hiến tạng cứu người.
Thực hiện tâm nguyện của chồng, chị Hoà nén đau thương, vượt lên điều tiếng, quyết định chuyển anh lên Bệnh viện Việt Đức để xin được hiến tạng của chồng. Chị cho biết khi đang điều trị ung thư, xem thông tin người bệnh giai đoạn cuối chờ 3 năm không có tạng để ghép, chị càng vững tâm với quyết định của mình, vì chị nghĩ 'cho đi là còn mãi'.
Có người thân nói chị làm vậy thì anh ra đi không nguyên vẹn và đau đớn, chị mỉm cười nói đó là tâm nguyện khi còn sống của anh. Nếu ai cũng nghĩ thế thì ai sẽ cứu những người bệnh mòn mỏi chờ ghép tạng.
Trong 3 ngày chờ hiến tạng chồng, chị Hòa được bệnh viện thuê một phòng trọ cạnh đơn vị để tiện làm các thủ tục. Mỗi đêm, chị vẫn cầu nguyện, mong anh tỉnh dậy từ cơn bạo bệnh.
15 phút nhìn chồng lần cuối, chị nói với anh nghĩa cử cao đẹp sẽ cứu giúp những bệnh nhân khác. Sau cùng, chị tạm biệt người chồng đã gắn bó 15 năm, chị trách anh ra đi đột ngột, chưa kịp dặn dò vợ con.
Từ nguồn tạng hiến gồm: Trái tim, lá gan và thận, các bác sĩ đã ghép cho 4 bệnh nhân. Sức khỏe của họ đều ổn định, phục hồi tốt. Chị Hòa tiếc 2 giác mạc của chồng đã hỏng, không thể ghép cho những người mù, vì chị biết những người cùng hoàn cảnh như bố đẻ và bố chồng đều rất khổ sở.
Trưởng thôn nơi chị Hoà ở cho biết anh Bộ là trường hợp đầu tiên trong thôn đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Từ trước đến nay, dân làng chưa từng nghĩ và biết đến việc hiến tạng sau khi chết.
Sau buổi phẫu thuật hiến tạng, chị Hòa nhờ bệnh viện lo hậu sự cho chồng, lấy tro cốt về quê nhà an táng. Hơn tháng sau, chị quay lại bệnh viện hoàn thành nốt các thủ tục, đồng thời đăng ký hiến tạng, trọn vẹn lời hứa với chồng.
Từ ngày chồng mất, chị Hòa trở thành trụ cột chính trong gia đình. Mỗi ngày, chị làm đủ việc, miễn có người thuê mướn, từ giúp việc, nhặt ve chai, đến cấy lúa, phơi thóc...
Khi được trưởng thôn vận động làm đơn xin vào hộ nghèo/hộ cận nghèo, chị Hòa nhất quyết từ chối. Chị cho rằng như vậy khác nào tự làm nghèo chính mình, chị nhường suất đó cho những người khó khăn hơn, chỉ xin miễn giảm học phí cho 2 con.
Với chị Hoà, có nhà cửa nghĩa là hoàn cảnh mình đã hơn nhiều người khác, dù tiền vay nợ xây nhà vẫn chưa trả hết. Chị trồng rau, nuôi lợn, mỗi vụ cấy 9 sào lúa vừa đủ ăn vừa bán, kiếm thêm thu nhập.
Người dân trong thôn ngưỡng mộ anh Bộ lúc còn sống là hội viên hoạt động sôi nổi của Hội khuyết tật, tận tình giúp đỡ và chỉ dạy những người cùng hoàn cảnh kiếm sống. Còn chị Hòa chịu thương chịu khó, dáng người nhỏ nhắn, nhặt ve chai, làm việc liên tục không ngừng nghỉ…