Vụ Đình Lương Xá 300 tuổi bị phá bỏ hoàn toàn, thay bằng công trình bêtông, từng gây xôn xao dư luận. (Ảnh: Đinh Thị Thuận/Vietnam+)
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao, nhu cầu xã hội ngày càng thay đổi nên tình trạng vi phạm di tích trên địa bàn Hà Nội diễn ra là điều không tránh khỏi.
Ngăn chặn vi phạm di tích được coi là một trong những giải pháp quan trọng của ngành văn hóa cũng như các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời điểm hiện nay.
Tồn tại nhiều vi phạm
Đình An Thái, đường Thụy Khê, quận Tây Hồ, rộng rãi, được tu bổ khang trang song ngay trong khuôn viên đình là một quán bán đồ ăn sáng tồn tại từ nhiều năm nay. Cổng đình được trưng dụng làm chỗ để xe.
Trái với sự tôn nghiêm, thanh tịnh của ngôi đình thì khu vực này bàn ghế, vật dụng được bày la liệt, khách hàng ngồi ăn đông đúc. Duy chỉ ngày rằm, mùng 1 âm lịch thì quán này đóng cửa, tránh điều tiếng của người đến hành lễ, các ngày khác đều mở bình thường.
Việc tồn tại một quán ăn ngay tại khuôn viên đền không chỉ gây nên sự nhếch nhác cho di tích mà ảnh hưởng đến cả tính tôn nghiêm nơi này.
Đây chỉ là một trong số các di tích trên địa bàn Hà Nội xảy ra vi phạm. Tình trạng này còn diễn ra tại nhiều di tích khác, nhất là khu vực nội thành.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, còn không ít di tích cho người nhà vào ăn ở, cho mượn mặt bằng, công trình để bán hàng quán mất mỹ quan, gây tình trạng bị lấm chiếm đất đai. Thậm chí, nhiều di tích còn diễn ra việc xây dựng công trình lấn vào không gian, khuôn viên đất di tích, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ.
Việc giải phóng mặt bằng, hoàn trả không gian di tích gặp nhiều khó khăn, kéo dài. Chùa Miễu, chùa Thanh Nhàn, quận Đống Đa là những ví dụ điển hình.
Nhiều người cũng không quên trường hợp nhiều di tích 'bỗng dưng' bị làm mới như chùa Đậu (huyện Thường Tín) đang khoác màu nâu trầm bỗng được sơn màu sáng bóng; các bức chạm khắc ở bậu cửa và chấn song đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) bị sơn đỏ, thếp vàng, không còn giữ được màu sắc như nguyên bản.
Nhìn chung, hiện tượng tự ý tu sửa, sơn thếp tượng, hiện vật, đồ thờ… hoặc đưa các loại vật liệu xây dựng, tiếp nhận công đức các hiện vật, bày đặt vị trí không phù hợp với di tích còn diễn ra.
Nhiều người quản lý di tích vì nhiều lý do chưa hiểu hết các quy định trong bảo tồn di tích hoặc phải hướng theo ý muốn của người cung tiến hiện vật, công đức kinh phí nên đã tu sửa di tích, tiếp nhận hiện vật chưa đúng quy định. Tại nhiều di tích, việc bao sái hiện vật, đồ thờ, bài trí hiện vật, đồ thờ còn lộn xộn.
Nhìn lại thời gian qua, vẫn còn địa phương tự ý xây dựng, tu bổ di tích khi chưa có thỏa thuận của cơ quan văn hóa, cấp có thẩm quyền như: chùa Đồng Quang (Đống Đa), chùa Khúc Thủy (Thanh Oai), chùa Lâm So (Quốc Oai), đền Phù Đổng (Gia Lâm), vi phạm hạng mục Hương nghiêm pháp đường tại chùa Thiên Trù-Hương Tích...
Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng Ban quản lý di tích-danh thắng Hà Nội, cho biết toàn thành phố có 5.922 di tích. Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất toàn quốc, trong đó 10 di tích do thành phố quản lý, số còn lại phân cấp xuống các quận, huyện, thị xã quản lý, một số di tích khác do các cơ quan trung ương quản lý.
Tình trạng vi phạm di tích xảy ra một phần do các địa phương chưa sâu sát trong công tác quản lý, phần khác do nhận thức và ý thức của những người quản lý trực tiếp tại một số di tích chưa cao và còn một số lý do khách quan khác. Bởi vậy, việc bảo vệ di tích, hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm xảy ra luôn được ngành văn hóa và các địa phương chú trọng trong thời gian tới.
Ngăn chặn, hạn chế thấp nhất vi phạm
Di tích được coi là biểu tượng đời sống tinh thần cộng đồng ở nhiều làng xã, khu dân cư tại Hà Nội. Bởi vậy, ngăn chặn vi phạm, bảo vệ di tích là trách nhiệm chung của người dân, không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý.
Trước những vi phạm tại di tích đã và đang xảy ra, ngành văn hóa Hà Nội cũng như các địa phương đã có những quan tâm nhất định, thực hiện giải pháp ngăn chặn, bảo vệ giá trị quý. Tuy nhiên, do vẫn thiếu sự quyết liệt nên còn xảy ra tình trạng vi phạm. Để khắc phục tình trạng này, các cấp ngành cũng như các địa phương đang chấn chỉnh lại công tác bảo vệ di tích, nâng cao nhận thức cho những người quản lý và người dân.
Ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sóc Sơn, chia sẻ khi thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích, cán bộ văn hóa huyện thường xuyên phối hợp với Ban quản lý di tích thực hiện giám sát, tránh việc tu bổ sai lệch với giá trị gốc. Với việc cung tiến hiện vật, huyện cũng đề nghị Ban quản lý di tích báo cáo cơ quan quản lý để có những hướng dẫn tiếp nhận phù hợp. Vì vậy, tình trạng vi phạm di tích trên địa bàn huyện Sóc Sơn không nhiều.
Quận Hoàn Kiếm cũng là địa phương thực hiện tốt việc bảo vệ di tích trong những năm gần đây. Dù trong khu Phố cổ Hà Nội, rất nhiều di tích bị chiếm dụng diện tích để kinh doanh hoặc có các hộ dân vào ở.
Quận đã đầu tư nguồn kinh phí tương đối lớn để di chuyển các hộ dân ra nơi khác, giải phóng mặt bằng để tu bổ, tôn tạo di tích, điển hình như: Đình Đông Thành, đình Kim Ngân... Dù vậy, số lượng di tích bị xâm phạm vẫn còn nhiều, do đó quận Hoàn Kiếm sẽ từng bước giải tỏa, trong đó ưu tiên trước hết cho việc di dời các hộ dân ra khỏi di tích.
Xác định vấn đề trước hết là nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn di tích, hàng năm Ban quản lý di tích-danh thắng Hà Nội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về bảo tồn, phát huy giá trị di sản cho những người quản lý di tích và cộng đồng địa phương.
Thông qua lớp học, cơ quan quản lý tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích và pháp luật khác liên quan.
Để tránh tình trạng vi phạm tự ý tu bổ di tích, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết ngành văn hóa phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát, tổng hợp, đánh giá mức độ xuống cấp để đề xuất lập kế hoạch trình thành phố hỗ trợ tu bổ hoặc đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã có kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp cho các di tích xuống cấp trên địa bàn.
Theo ông Hồng, quan tâm ưu tiên các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ cần bảo tồn khẩn cấp để giải quyết vấn đề bức xúc tại địa phương; đối với các di tích lịch sử-cách mạng kháng chiến, các di sản văn hóa quan trọng, cần phát huy giá trị làm động lực phát triển văn hóa truyền thống và tạo sức lan tỏa.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã ban hành văn bản về quản lý di vật, hiện vật; xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa khi tình trạng mất cắp di vật, hiện vật xảy ra nhiều trong thời gian qua và nhiều trường hợp xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo không phép, trái phép tại các di tích.
Thành phố giao các sở ngành và các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm nhiệm vụ, không để tái diễn và xảy ra hiện tượng trên./.
>> Xem thêm: Covid-19: Thêm nhiều nước ghi nhận ca mắc biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng