Khẩu trang tăng giá phi mã, khách chần chừ là 'trắng tay'
13h mùng 6 Tết, tại Hapulico, chợ thuốc lớn nhất Hà Nội, xe cút kít, xe máy nườm nượp ra vào chở cơ man khẩu trang và nước rửa tay, nước khử trùng. Những quầy dược phẩm xung quanh đó có phần đông khách hơn thường lệ, không phải bởi ra Giêng người ta đã ốm đau hay cần thuốc tiêu hóa, mà người ta đổ xô đi mua khẩu trang và gel rửa tay trong nỗi sợ hãi virus corona, không còn là dịch của riêng đất Trung Quốc láng giềng mà đã là chuyện xứ mình.
'50 nghìn/hộp 50 chiếc', '40 nghìn/hộp 20 chiếc', '75 nghìn/hộp 50 chiếc'... Những cửa hàng san sát chỉ cách nhau dăm ba bước chân bán khẩu trang y tế, loại dùng một lần giá khác nhau, nhưng rất 'thống nhất' ở chỗ chúng nhảy giá cao gấp đôi, gấp ba thường lệ.
14 giờ 30 ngày mùng 6 Tết, cũng vẫn ở những hiệu thuốc ấy, giá khẩu trang đã nhảy lên 80 nghìn, thậm chí 100 nghìn/hộp, mà còn khan hàng đến mức mỗi người chỉ được mua 1 hộp. Ai lưỡng lự, xin mời rời cửa hàng, người bán chả thiết mời gọi, vì 'không mua nhanh tí nữa là hết, ngày mai ngày kia giá còn lên nữa, bọn em chưa biết tranh được bao nhiêu thùng về bán đây'.
10 giờ khuya, kệ khẩu trang ở một số siêu thị ở khu đông dân cư đã được vét hết nhẵn. Tại các cửa hàng thuốc khu Láng Hạ, Trung Hòa Nhân Chính, nghe đâu 10 chiếc khẩu trang có giá 80 nghìn, mà còn phải nài nỉ mới được mua nhiều hơn một chục.
8 giờ sáng mùng 7 Tết, các cửa hàng thuốc quanh Hapulico đều trong tình trạng khan hàng. 100 nghìn 1 hộp 20 chiếc, 250 nghìn 1 hộp 50 chiếc là giá chung, mà khách còn phải năn nỉ, xếp hàng, canh giờ để mua, chứ người bán không nhận giữ hàng.
Nhiều hiệu thuốc bán lẻ phân trần, họ không cố tình trục lợi hay nâng giá như bị 'đổ oan', mà chính họ cũng bị các nhà sản xuất, các đầu mối ép giá, cũng phải giành giật, thậm chí đấu giá để có được hàng mà bán.
Trên các shop online, khẩu trang cũng là mặt hàng đang 'cháy' và loạn đủ loại giá, dù là giá mua gom, giá hữu nghị, giá người nhà hay là giá chịu lỗ, và không giá nào trong số đó dưới 5 nghìn đồng/chiếc khẩu trang y tế thông thường.
Thu lời từ nỗi sợ hãi và những Thạch Sùng thời hiện đại
Có một thứ cơ hội được sinh ra trong thảm họa. Có những nỗi sợ hãi đã biến thành tiền. Kinh doanh nỗi sợ hãi, trục lợi từ sự hoang mang của công chúng thậm chí còn trở thành một chiêu thức marketing.
Khi xung quanh bạn có nhiều người ung thư, khi báo chí nói nhiều về những ca bệnh hiếm, những hoàn cảnh éo le lâm bệnh mà không đủ tiền chữa trị, đó có thể là một content dân bán bảo hiểm nhân thọ dùng để mời gọi bạn, rằng hãy mua vé bảo vệ cho sức khỏe, khi bạn còn khỏe mạnh và còn tiền, đừng đợi đến khi bị bảo hiểm từ chối rồi hối hận.
Khi có một vụ trẻ em, phụ nữ bị tấn công tình dục gây xôn xao, đó có thể là lúc mà các khóa học tự vệ, kỹ năng sống, các sản phẩm như còi bảo hộ, bình xịt hơi cay… bán chạy.
Khi tất cả đều sợ hãi những thứ độc hại gây nên bệnh tật, việc quảng bá các sản phẩm được cho là giúp tiêu độc, ngăn ngừa ung thư, tăng cường sức khỏe được dịp lên hương.
Nhưng 'cơ hội' lớn nhất cho những kẻ trục lợi, ấy là khi một thảm họa môi sinh, một đại dịch, một virus lạ tấn công loài người trên diện rộng, như virus corona đang xuất hiện giữa loài người hôm nay.
Không còn là chuyện ở bên kia biên giới, chuyện của Vũ Hán và những tỉnh thành khác của Trung Quốc hay chuyện bên ngoài thế giới nữa, virus corona đã trở thành chuyện của mỗi chúng ta, sau khi thông tin 3 người Việt đầu tiên dương tính với virus này được công khai vào ngày 30/1. Và thế là tất cả hoang mang, sợ hãi, đổ xô đi mua khẩu trang y tế, nước rửa tay, nước sát trùng. Và thế là khan hàng, và thế là tăng giá. Nhưng tăng mấy thì tăng, người ta vẫn cứ phải mua, nếu muốn phòng vệ cho bản thân và gia đình.
Kiếm lời từ thảm họa, ngẫm ra chẳng phải chuyện mới đây người ta sáng tạo ra. Trong cổ tích, thời của Thạch Sùng, câu chuyện ấy đã có. Truyện rằng, Thạch Sùng, vốn là kẻ hành khất có chút của để dành. Một hôm, vô tình thấy hai con trâu trắng húc nhau dữ dội, biết được sắp có bão lụt, mất mùa, Thạch Sùng ta vội vàng rút sạch của nả đi mua gạo, tích trữ cả một hang đầy.
Năm ấy lụt to, mất mùa thật, dân chúng chẳng ai lường trước chuyện ấy, không ai có đủ gạo ăn. Giá gạo tăng gấp mười, rồi gấp trăm mà cũng chẳng ai còn để bán, chỉ trừ Thạch Sùng. Đến khi dân chúng kiệt cùng, Thạch Sùng mới tung gạo mình ra bán. Có người trả một thỏi vàng để đổi lấy một đấu gạo. Và thế là cứ thế, Sùng ta giàu to, trở thành một phú ông...
Thời của chúng ta, khó mà có thể giấu thông tin để trục lợi một mình như Thạch Sùng, nhất là khi thông tin ấy lại là về một chủng virus nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người như corona. Nhưng sự bùng nổ của nỗi sợ hãi kéo theo sự khan hiếm (hay đúng hơn là cơn sốt) khẩu trang cùng các sản phẩm khử trùng, sự tăng giá theo giờ, tăng nhanh hơn cả chỉ số chứng khoán nhảy xanh, xem ra không khác mấy.
Nếu có ai đó chẳng có tiền mua khẩu trang, tất cả chúng ta có an toàn?
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố nói Hà Nội cần chuẩn bị từ 15 đến 20 triệu khẩu trang để đủ cung cấp cho người dân phòng dịch viêm phổi. Trong trường hợp phát hiện có ổ dịch sẽ phát miễn phí khẩu trang cho người dân. Hiện tại thì chưa thực sự có một ổ dịch nào được phát hiện tại Việt Nam, khẩu trang miễn phí cũng chưa được phát, nhưng có một sự thật là nhiều người dân đang sợ hãi, và có những người đang trục lợi từ nỗi sợ hãi đó.
Nói như những cô hàng thuốc bán lẻ, họ không tự định đoạt được giá thị trường, không tự thổi giá khẩu trang lên vô tội vạ. Sòng phẳng mà nói thì, dù người bán lẻ hay bán buôn, nhà sản xuất hay ai đó khác tăng giá cả một mặt hàng mà cả triệu người quan tâm, đó là chuyện của thị trường. Mà thị trường là việc thuận mua vừa bán, họ tăng giá và người dân vẫn cứ mua, họ thu lời mà chẳng lừa đảo ai.
Nhưng ở giữa pháp luật, cái lý, bên cạnh chữ đúng và chữ sai, còn chữ tình và chữ đạo nữa. Sống ở đời, không làm được việc thiện, ít nhất cứ đừng làm ác. Không nói được điều hay, thì ít nhất hãy cứ kiệm lời. Làm người, nên có lòng thương cảm, ít nhất cho đồng bào mình, trong nguy cơ về một thảm họa có thể ập đến và kéo theo những cái chết. Virus corona đáng sợ, dầu vậy, có một thứ đáng sợ hơn, đó là 'ổ dịch' từ lòng người.
Lác đác đã có một số hộ kinh doanh ở Hà Nội phát khẩu trang miễn phí cho người dân với số lượng nhỏ. Một nhà thuốc ở Sơn La, một nhà thuốc ở Khánh Hòa, ca sĩ Pha Lê ở Sài Gòn cũng đang chung tay với 'cuộc chiến khẩu trang'. Những đốm sáng ấy đã xoa dịu một phần cơn bức xúc của người dân với những tay buôn thổi giá. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, khi từng giờ trôi qua, đa số chúng ta lại giật mình thon thót khi nghe báo giá khẩu trang hay nước rửa tay sát khuẩn.
Ai sợ hãi và có đủ tiền thì đã tranh thủ mua rồi. Nhưng vẫn có những người thuộc phe, hoặc không sợ gì cứ xông xáo đi lễ hội, hái lộc du xuân, đi chơi ngoài đường bất chấp ai đó có thể khạc nhổ bừa bãi, hắt xì xỉ mũi vứt giấy đầy đường, mà không biết có corona hay virus gì trong đó không.
Vẫn có người tin rằng, vô thường gọi ai kẻ đó chết, phần trăm tử vong chỉ là xác suất thống kê, virus chắc chẳng làm gì được mình. Vẫn có người chép miệng, thôi khẩu trang đắt quá thì chả cần đeo, người ta đeo hết rồi chắc con bệnh nó chừa mình ra.
Nhưng có một sự thật khủng khiếp hơn, là dù mua được nhiều khẩu trang hay trữ được nhiều gel rửa tay diệt khuẩn thì một khoảng nhỏ cá nhân ấy cũng chả giải quyết vấn đề gì khi dịch bệnh vẫn còn.
Giống như chuyện lão nông nọ, sau khi làm ra giống ngô tốt đẹp, năng suất cao, sản lượng lớn để gieo trồng trên cánh đồng nhà mình, đã đem chia giống cả cho hàng xóm để họ cùng trồng cấy. Bà vợ giãy nảy bảo ông gàn dở, ông lão chỉ mỉm cười. Vì ông hiểu rằng, những bắp ngô nhà mình chỉ thực sự tuyệt hảo nếu được thụ phấn bởi những hạt phấn li ti cũng hoàn hảo mà hàng xóm của ông gieo trồng. Nếu chỉ bo bo gieo hạt tốt cho nhà mình, mặc kệ hàng xóm trồng giống ngô quặt quẹo, sao có thể chắc ngô của mình vẫn ngon?
Virus corona, hẳn nhiên chẳng tốt đẹp gì như hạt giống ngô, cũng chẳng ai muốn nó rơi vào nhà mình mà sinh sôi nảy nở trong đó, nhưng nó cũng có thể lây trong không khí chỉ với một cú chạm tay, một hơi thở. Bạn thử nghĩ mà xem, trong cùng một thế giới này, muốn mình an toàn thì cũng phải giữ an toàn cho kẻ khác nữa. Nếu kẻ khác đói khổ, bệnh tật, làm sao tin rằng mình được hạnh phúc, toàn vẹn? Nếu ai đó vì lý do gì mà chẳng đeo khẩu trang trong dịch virus corona, liệu chúng ta có thật sự vô can?