Sống trong sợ hãi
1 tiếng sau khi bình minh ló rạng trên hòn đảo Ukerewe, nằm giữa hồ Victoria (Tanzania), ông Alphonce Yakobo (57 tuổi) mới bước nhẹ đôi chân rời khỏi căn nhà của mình. Cái nắng như thiêu như đốt ở châu Phi đã hành hạ làn da không có sắc tố của ông trong suốt 57 năm khiến nó trở nên nhăn nheo và khô.
Ông bảo: 'Đây có lẽ là thời điểm tuyệt vời nhất trong ngày bởi trời đã sáng nhưng mặt trời vẫn chưa chiếu những tia nắng xuống'. Chỉ lát sau đó, Alphonce sẽ phải đội chiếc mũ rộng vành, đeo kính râm và che kín những phần da bị lộ dưới ánh nắng.
Những người bạch tạng sống trên hòn đảo Ukerewe.
Alphonce đã mắc hội chứng bạch tạng từ khi mới chào đời. Cơ thể của anh không sản sinh ra melanin khiến da, tóc và mắt không có sắc tố và rất dễ bị ảnh hưởng dưới ánh mặt trời. Cũng như những bệnh nhân bạch tạng khác, Alphonce sở hữu thị lực kém và rất dễ mắc ung thư da.
Vậy nhưng, ánh mặt trời trên cao kia không phải là mối đe dọa kinh hoàng nhất đối với những người như ông Alphonce bởi ở đất nước quê hương của ông, có những người đồng loại đang rình rập để lấy tay chân của ông. Tất cả chỉ vì mê tín dị đoan!
Bị săn lùng như động vật
Tại Tanzania, cũng như Malawi và nhiều vùng khác trong khu vực cận Sahara tại châu Phi, những thầy phù thủy tin rằng tay chân của người bạch tạng là một nguyên liệu quan trọng trong phép làm tà thuật nhằm mang đến sự thịnh vượng và vận may, giàu có và cả sắc đẹp.
Chính vì vậy, người bạch tạng là đối tượng bị thợ săn lùng sục khắp nơi. Nhiều người đã bị giết dã man và cướp đi các bộ phận, cơ quan nội tạng của cơ thể.
Vậy là, những tên nhà giàu 'lắm tiền nhiều của' muốn được giàu hơn nữa nên sẵn sàng chi từ 3.000 – 4.000 USD (tương đương 70-90 triệu đồng) cho một cánh tay, chân hoặc 75.000 USD (gần 2 tỷ đồng) cho toàn bộ cơ thể người bạch tạng. Người bạch tạng ở Tanzania thường xuyên phải đối mặt với những trận tấn công chặt chi, khiến họ trở thành người tàn tật, thậm chí là mất mạng. Sau khi các bộ phận cơ thể của người bạch tạng vào tay những gã nhà giàu, chúng sẽ chuyển số 'hàng' này cho các thầy phù thủy để biến các bộ phận thành bùa chú và thuốc uống.
Nhiều người bạch tạng sống sót sau các cuộc tấn công nhưng không còn tay hoặc chân.
Các chuyên gia cho biết bệnh bạch tạng - một tình trạng di truyền gây ra sự biến mất của sắc tố ở da, tóc và mắt - ảnh hưởng đến rất nhiều người ở Tanzania, thường là kết quả của việc kết hôn cận huyết ở các vùng nông thôn. Trong khi ở phương Tây, nó chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nhỏ với tỷ lệ 1/20.000 người.
Theo tờ Daily mail, kể từ khi các nhà chức trách thu thập số liệu, tính đến tháng 1/2015, đã có 74 người bạch tạng bị giết, 59 người sống sót sau tấn công. Thậm chí, người bạch tạng chết rồi vẫn không yên vì có tới 16 ngôi mộ đã bị đào lên. Nhà chức trách cho biết đây chỉ là những trường hợp ghi nhận được, trong khi đó còn rất nhiều trường hợp bị che giấu, bưng bít.
Hình ảnh những đứa trẻ bạch tạng người Tanzania ở các lứa tuổi 7, 14, 15 và 16 được điều trị ở Philadelphia, Mỹ. Chi phí đi lại, ăn ở và điều trị được một quỹ từ thiện có trụ sở ở New York chi trả.
Cô bé 4 tuổi Pendo Emmanuelle Nundi bị bắt cóc ngay tại nhà riêng vào tháng 12 năm 2013. Cha và chú của bé gái đã bị bắt do liên quan đến sự mất tích của Pendo nhưng không ai nhìn thấy em nữa dù cảnh sát treo thưởng 1.700 USD. Các tổ chức từ thiện làm việc trong khu vực không có nhiều hy vọng cô bé sẽ được trở về nhà an toàn nhưng nghe những câu chuyện mà người dân ở đó kể, ai cũng đoán được kết cục của Pendo rất bi thảm.
Cậu bé Mwigulu Matonange (khi ấy mới 10 tuổi) bị hai người đàn ông tấn công khi đang đi từ trường về nhà cùng 1 người bạn. Chúng chặt cánh tay của em trước khi biến mất vào rừng với 'chiến lợi phẩm' của mình.
'Em bị đè xuống giống như con dê bị làm thịt', Mwigulu Matonange nói với IPP Media sau vụ tấn công xảy ra hồi tháng 2 năm 2014.
Chỉ mới đây thôi, vào cuối tháng 1/2019, chính quyền Tanzania tiết lộ rằng đã tìm thấy thi thể của 10 đứa trẻ ở độ tuổi từ 2-10 được báo cáo là bị mất tích từ tháng 12 năm ngoái.
Theo thông tin từ phía nhà chức trách, những đứa trẻ này đã bị bắt đi vào đêm khuya, trong khi cha mẹ chúng đang bán hàng ở một khu chợ đêm địa phương. Các thi thể không toàn vẹn của những đứa trẻ này được cảnh sát phát hiện khi đang tiến hành một cuộc tìm kiếm trên diện rộng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Faustine Ndugulile nói với CNN: 'Chúng tôi đã tìm thấy 10 thi thể, và hầu hết các bộ phận như tay, chân, răng đều đã bị cắt bỏ. Những vụ giết người này có thể có liên quan đến các nghi thức của những kẻ hành nghề phù thủy. Chúng tôi rất muốn tìm ra thủ phạm, nhưng trọng tâm của chúng tôi là muốn tuyên truyền loại bỏ những hủ tục mê tín dị đoan cho người dân trong khu vực và kêu gọi mọi người về sự cấp thiết của việc ngăn chặn các hành vi dã man này. Thật đáng buồn khi nạn nhân là trẻ em và những đứa trẻ này không đáng bị đối xử như thế này'.
Cha mẹ, con cái giết hại lẫn nhau vì chút tiền bạc
Trong trường hợp của Mwigulu, 2 kẻ tấn công là những người xa lạ, em chưa bao giờ thấy mặt trước đó. Tuy nhiên, còn rất nhiều người bạch tạng bị chính người thân trong gia đình tấn công vì sức mạnh đồng tiền làm mờ mắt.
Chẳng hạn, cha của Pendo bị nghi ngờ và bắt giữ sau khi chần chừ hơn 30 phút mới báo cảnh sát về việc con gái bị bắt cóc, mặc dù hàng xóm cũng chứng kiến cảnh cô bé bị bắt đi và hối thúc anh đi báo cáo với nhà chức trách.
Kẻ đứng trong bóng tối không chỉ là những bậc cha mẹ, một phụ nữ 38 tuổi bạch tạng đã bị chồng và 4 người đàn ông khác tấn công bằng dao phay khi đang ngủ say hồi tháng 2/2013, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc. Con gái nhỏ mới 8 tuổi của cô tận mắt chứng kiến cảnh cha mình rời khỏi phòng ngủ với cánh tay của mẹ nó.
Josephat Torner - một người đấu tranh cho quyền lợi của người bạch tạng - cho rằng thế lực đứng sau các vụ tấn công là những người muốn trở nên giàu có hơn và các chính trị gia đi tìm may mắn. Đã có khá nhiều người bị kết án do liên quan đến các vụ tấn công người bạch tạng nhưng đa số họ là những người trực tiếp giết hại hoặc các phù thủy chứ không hề xuất hiện người mua.
'Các vụ giết hại và tấn công là kết quả của sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Nếu bạn tôn trọng tôi, bạn sẽ không nghĩ tôi là hàng hóa', anh nói.
Một thiên đường cho những người mắc bệnh bạch tạng
Ở hòn đảo Ukerewe, những người bạch tạng có cuộc sống an toàn hơn và không phải đối mặt với nguy cơ từ những kẻ săn người.
'Đã từng có lúc, tôi thấy sợ hãi quá khứ. Nhưng giờ đây, tôi có thể cảm ơn Chúa trời vì đã có những giấc ngủ yên giấc, không phải sợ hãi tiếng súng của những kẻ săn người. Ở đây, chúng tôi an toàn, xung quanh mênh mông là nước. Không ai có thể giết hay làm hại chúng tôi. Họ cũng không thể thoát khỏi hòn đảo dễ dàng được', Alphonce cho biết. Hiện tại, ông đang làm nghề lái buôn cá tại chợ Ukerewe. Hiện tại, cuộc sống của ông Alphonce khá yên ổn, ông có 3 người vợ và 11 người con.
Hòn đảo Ukerewe yên bình.
Trong suốt nhiều năm, Ukerewe đã trở thành 'xứ sở thiên đường' cho những người bạch tạng. Nhiều năm trước, các gia đình đã vứt bỏ con cái, họ hàng bị bạch tạng của mình trên hòn đảo này. Nhiều cộng đồng tin rằng những đứa trẻ bị bạch tạng đã bị nguyền rủa. Tuy nhiên, không những không tuyệt vọng, người bạch tạng đã sống sót và tạo lập cuộc sống ở đây. Họ sống dựa vào nhau và cùng nhau sinh sống.
Theo hội người bạch tạng Ukerewe, có khoảng 75 người bạch tạng đang sống trên hòn đảo với dân số 200.000 người. Tỷ lệ này khá ngang với tỷ lệ trên toàn đất nước Tanzania.
Những đứa trẻ trong một buổi sinh hoạt của người bạch tạng trên đảo.
Từng có những kẻ săn người bạch tạng đến hòn đảo này để đào mộ của người bạch tạng. Năm 2007, một người cũng đã bị tấn công và vợ của anh đã bị cắt tóc.
Tuy nhiên, Ramadhan Khalifa, chủ tịch hiệp hội người bạch tạng Ukerewe chia sẻ: 'Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến vụ sát hại người bạch tạng nào trên đảo. Ukerewe là một nơi đặc biệt như vậy đấy. Đây là nơi mà người bạch tạng có thể sống thoải mái và hòa hợp với những người dân khác'.
'Tôi không sợ bị tấn công', Kajanja Neema, 36 tuổi chia sẻ. Anh làm công việc bán cá trên phố.
Anh trai của Kajanja, Zacharia cũng cho biết: 'Ukerewe an toàn hơn những nơi khác nhiều. Tuy nhiên, mọi thứ cũng không phải hoàn hảo. Thỉnh thoảng, có những người dọa rằng họ sẽ giết chúng tôi. Chẳng ai biết rằng đấy là lời nói đùa hay họ có ý như vậy'...
Những người mắc bệnh bạch tạng sinh ra đã bị coi là những lời nguyền, hay 'bóng ma'. Họ bị tấn công, giết hại ở nhiều vùng của Tanzania và trên khắp châu Phi.
Các chuyên gia cho biết bệnh bạch tạng - một tình trạng di truyền gây ra sự biến mất của sắc tố ở da, tóc và mắt - ảnh hưởng đến rất nhiều người ở Tanzania, tỷ lệ 1/1.400 người, thường là kết quả của việc kết hôn cận huyết ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Những đứa trẻ bạch tạng mới chào đời thường bị ghẻ lạnh, thậm chí là bị buộc phải chết. Tuy nhiên, ngược lại, các bộ phận cơ thể của chúng lại 'có giá trị cao'.
Những tên phù thủy tuyên bố rằng các bộ phận cơ thể của người bạch tạng có khả năng mang lại sự giàu có, quyền lực và thành công. Trong khi một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết các thợ mỏ đã sử dụng xương của người bạch tạng như bùa hộ mệnh, hoặc chôn chúng ở nơi họ đang khoan với hy vọng 'bắt được vàng'.
Những người ngư dân thì dệt tóc vào lưới của họ để đánh bắt được nhiều cá hơn.
Trong đa số các trường hợp, người bạch tạng bị chặt tay chân, nhưng báo cáo ghi nhận đã có trường hợp nạn nhân bị chặt đầu, cắt bộ phận sinh dục, tai, lưỡi và các mảnh da cũng bị cắt, thậm chí còn bị moi tim và nội tạng. Có người còn mê muội đến mức cưỡng hiếp người bị bệnh bạch tạng để chữa bệnh cho mình.
Gây sốc hơn cả là một số người tin rằng nạn nhân càng kêu gào lớn trong lúc bị chặt chân tay thì 'hàng' càng có giá trị.