Người dân Hà Lan trên đường phố Amsterdam. (Nguồn: EPA)
Tại Đông Nam Á, Chính phủ Lào đã ra lệnh tăng cường kiểm soát biên giới với các nước láng giềng sau khi Thái Lan xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron vào ngày 6/12. Chính phủ Lào đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, trong khi các cơ quan y tế đã tổ chức các cuộc họp để thảo luận về biện pháp ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron tại Lào và cách ứng phó với mối đe dọa mới này. Tính đến ngày 8/12, Lào có tổng cộng 83.291 ca nhiễm và 219 ca tử vong do COVID-19. Delta vẫn là biến thể gây ra phần lớn trong số các ca bệnh tại nước này.
Thái Lan thông báo phát hiện 2 ca bệnh COVID-19 nhiều khả năng nhiễm biến thể Omicron, là hai phụ nữ quốc tịch Thái Lan, trở về từ Nigeria. Hiện chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng nào liên quan đến biến thể Omicron tại Thái Lan và Delta vẫn đang là biến thể chủ đạo tại quốc gia Đông Nam Á này khi chiếm tới 65,97% số ca mắc COVID-19. Ngày 6/12, Thái Lan đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, là một nam du khách Mỹ đến từ Tây Ban Nha. Tính đến ngày 8/12, Thái Lan ghi nhận 3.618 ca mắc mới COVID-19 và 38 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên hơn 2,15 triệu ca, trong đó có 21.035 ca tử vong. Hơn 59% dân số Thái Lan đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.
Philippines thông báo nước này sẽ cấm du khách nhập cảnh từ Pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan biến thể Omicron. Lệnh cấm trên được áp dụng đối với các du khách từng đến Pháp trong 14 ngày qua. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ ngày 10-15/12 tới. Trước đó, Philippines áp dụng lệnh cấm trên đối với Nam Phi và 13 quốc gia khác nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan biến thể Omicron. Hiện Philippines chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến thể mới này.
Philippines đình chỉ các chính sách nhập cảnh trước biến thể Omicron (Nguồn : PNA)
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum đánh giá số ca nhiễm COVID-19 mới ở nước này lần đầu tiên đã vượt 7.000 ca, cho thấy tốc độ lây lan chóng mặt của virus. Thủ tướng Kim Boo-kyum cũng nhấn mạnh tình trạng thiếu giường điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng là 'rất cấp bách'. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tích cực phối hợp với ngành y tế để bổ sung giường bệnh tại khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon), nơi hiện chiếm 80% số ca nhiễm mới trên cả nước.
Tại châu Âu, giới chức y tế Hà Lan cảnh báo Omicron có thể trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nước này trong thời gian tới, căn cứ trên những báo cáo về hiện trạng lây lan của biến thể này tại nhiều nước, trong đó có Nam Phi và Anh. Hà Lan đã xác nhận có thêm 18 ca nhiễm Omicron. Vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh cùng ngày thông báo phát hiện 3 ca nhiễm Omicron đầu tiên. Cả 3 bệnh nhân đều có lịch sử đi lại phức tạp. Vương quốc Anh đến thời điểm hiện tại xác nhận có tổng cộng hơn 560 ca nhiễm Omicron. Trước tình hình trên, các Bộ trưởng Y tế Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp nhằm gia tăng sự phối hợp giữa các nước thành viên trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Ngày 8/12, Anh đánh dấu 1 năm kể từ khi người đầu tiên tại nước này và cũng là người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech trong chương trình tiêm chủng đại trà, đồng thời kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường ngay khi đủ điều kiện. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nêu bật thành công ban đầu mà nước này đạt được trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhấn mạnh đó là lý do tại sao Anh có thể mở cửa trở lại nền kinh tế vào tháng 7 vừa qua. Ông đồng thời kêu gọi tăng cường các nỗ lực để thúc đẩy chiến dịch tiêm mũi vaccine bổ sung với quy mô tương tự như chiến dịch tiêm chủng ban đầu vì lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron.
Đức đang chật vật ứng phó với làn sóng dịch thứ tư. Ảnh: AP
Làn sóng dịch bệnh thứ 5, cùng với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, đang có nguy cơ tạo thêm gánh nặng cho các bệnh viện ở Pháp. Trong vài ngày qua, số ca mắc mới trung bình đã vượt 40.000 ca/ngày và hơn 11.000 người đã phải nhập viện vì mắc COVID-19 - con số thống kê cao chưa từng có kể từ cuối tháng 8 vừa qua. Để đối phó với làn sóng dịch mới này, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát tại các khu vực công cộng, các quán cà phê, nhà hàng, hay kêu gọi duy trì việc tuân thủ các biện pháp phòng tránh lây nhiễm, Chính phủ Pháp đã công bố một số biện pháp hạn chế mới bao gồm tăng cường quy trình kiểm soát y tế tại trường học và công sở, đóng cửa các câu lạc bộ đêm, hoãn các sự kiện lớn trong vòng 4 tuần và tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm chủng liều tăng cường vaccine phòng bệnh.
Đức ngày 8/12 ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong một ngày kể từ tháng 2 trong bối cảnh nước này đang chật vật ứng phó với làn sóng dịch thứ tư. Viện Robert Koch cho biết có thêm 527 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca không qua khỏi vì đại dịch tại Đức lên 104.047 ca. Ngoài ra, với thêm 69.601 ca mắc COVID-19, nhiều hơn 2.415 ca so với một tuần trước, tổng số ca mắc hiện lên tới 6.270.761 ca. Tuy vậy, tỷ lệ số ca nhiễm trên 100.000 dân trong 7 ngày qua đang tiếp tục giảm, từ mức 432 ca trong ngày 7/12 xuống 427 ca trong ngày 8/12.
Các nước Na Uy, Thụy Điển, Ireland và Ba Lan đều công bố kế hoạch siết chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Na Uy giới hạn về số lượng người được tham gia các sự kiện tập trung đông người. Thụy Điển mở rộng phạm vi áp dụng 'thẻ y tế xanh' đối với các nhà hàng và phòng tập thể dục thể thao. Các câu lại bộ ban đêm tại Ireland một lần nữa phải đóng cửa trong khi các nhà hàng, quán bar và khách sạn tại Ba Lan chỉ được phép tiếp nhận số khách hàng ở mức 30% sức chứa, song có thể linh hoạt mở rộng hơn đối với những khách hàng thân thiết có chứng nhận đã hoàn tất phác đồ tiêm chủng ngừa COVID-19.