Xu hướng tất yếu
Phát triển nông nghiệp, quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường Thủ đô giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của TP Hà Nội. Các chủ trương lớn của Đảng và thành phố Hà Nội đều xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung toàn diện các quy định đến nông nghiệp trong Điều 33 và một số điều liên quan như quy định về quản lý đất đai và bảo vệ môi trường. Dự thảo Luật sửa đổi quy định một số chính sách đặc thù cao hơn các quy định của Trung ương nhằm tạo động lực phát triển nông nghiệp Thủ đô.
Quy định này nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp giá trị cao, cần đầu tư nhiều chất xám, tri thức như: Lĩnh vực công nghệ cao, giống cây trồng vật nuôi và chế biến nông sản, phát triển kinh tế tập thể, sản phẩm làng nghề, nông nghiệp sinh thái…
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Theo đánh giá của Khoa Quy hoạch đô thị và Nông thôn, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, với tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với kinh tế phát triển, khu vực nông thôn ven Thủ đô đang đối diện với thực trạng nhiều làng, xã trở thành 'phố làng', cấu trúc không gian bị thay đổi nhanh chóng và không có khả năng kiểm soát. Thách thức chính của vùng ven đô chính là thiết lập quy hoạch cấu trúc khu vực đô thị hóa luôn biến động để khu vực đô thị - nông thôn cùng tham gia vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Bên cạnh đó, vùng nông thôn ven đô TP Hà Nội trong quá trình mở rộng ranh giới đô thị gặp phải việc khó xác định được ranh giới mở rộng rõ ràng. Sự phát triển nhanh chóng ở khu vực nông thôn ven đô thường ít có sự phân biệt giữa đô thị và nông thôn và trên thực tế, vùng nông thôn ven đô thường có ranh giới không rõ ràng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, không gian nông nghiệp đô thị đã trở thành một trong những xu hướng tất yếu của quy hoạch phát triển đô thị, xu hướng phát triển không gian nông nghiệp Thủ đô hướng đến đa mục tiêu.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, không gian nông nghiệp trong phát triển Thủ đô giúp tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị, cung cấp lương thực, thực phẩm, giải quyết việc làm, tạo lập cảnh quan, cải thiện vi khí hậu và bảo vệ môi trường đô thị, tăng cảnh quan đô thị, cải thiện sức khỏe cộng đồng; tham gia thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc đối với đô thị, tăng kết nối con người với tự nhiên.
Dự thảo Luật Thủ đô đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới với 26 điều luật mới, tương đương với quy mô 27 điều của Luật Thủ đô năm 2012. Trong đó, các nội dung về khoa học công nghệ, đào tạo và nông nghiệp, quản lý tài nguyên thiên nhiên được bổ sung nhiều điểm mới và luật hóa trong Dự thảo Luật sửa đổi lần này khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo động lực to lớn cho sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của đất nước nói chung.
Bí thư Đảng ủy Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp Thủ đô cần phát triển theo hướng hiện đại, tinh hoa và bền vững. Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng trên cơ sở kích hoạt và sử dụng hiệu quả các nguồn nội lực; khai thác đặc trưng cơ chế đặc thù riêng của Thủ đô và huy động hiệu quả nguồn lực bên ngoài.
Nông nghiệp Thủ đô cần phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến (Ảnh minh họa)
Nông nghiệp đô thị sẽ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp (sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm dịch vụ chuyên biệt như cây xanh, cảnh quan, du lịch, an dưỡng, giáo dục, chữa bệnh…) đặc thù trên cơ sở kết hợp được nguồn lực tự nhiên, nền văn minh nông nghiệp lâu đời, tinh hoa văn hóa ẩm thực Thủ đô…
Phát triển nông nghiệp Thủ đô đồng bộ, thống nhất, hài hòa với phát triển các ngành phi nông nghiệp, đặc biệt và ngành du lịch, dịch vụ, giáo dục… đảm bảo thực hiện được đầy đủ các chức năng, sứ mệnh của nông nghiệp trong định hướng phát triển Thủ đô cả trước mắt và lâu dài.
GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần đi theo hướng xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, công nghệ, thông minh ứng dụng công nghệ cao và sản xuất giống để chuyển giao cho các địa phương khác trong cả nước và xuất khẩu.
Nâng tầm bằng tư duy sáng tạo, công nghệ hiện đại
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, nông nghiệp Thủ đô cần có hướng đi riêng để phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có mà không cạnh tranh với nông nghiệp nông thôn, muốn vậy cần có cơ chế, chính sách đặc thù theo sứ mệnh và chức năng đặc biệt của nông nghiệp thủ đô.
Đó là các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội; cơ chế, chính sách đặc thù, linh hoạt trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để phát triển sản xuất tập trung; cơ chế, chính sách đặc thù trong việc trao quyền chủ động hơn cho người dân được giao đất, thuê đất; cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia vào sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, theo bà Lan, cần hoàn thiện quy hoạch không gian phát triển nông nghiệp Thủ đô thống nhất với quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Không gian phát triển nông nghiệp cần được xác định ổn định, hạn chế tối đa việc thu hồi đất nông nghiệp đã được quy hoạch chuyển sang mục đích phi nông nghiệp. Thêm vào đó, để tạo động lực phát triển ứng dụng công nghệ cao, cần quy hoạch các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.
Ngoài ra, thành phố xây dựng, tổ chức sản xuất theo định hướng sản phẩm; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao về nghiên cứu và chuyển giao khoa học nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển nông nghiệp; phát triển nông nghiệp Thủ đô đồng bộ, thống nhất với phát triển kinh tế - xã hội.
Nông nghiệp Thủ đô có những lợi thế đặc biệt, nhất là có thể cung cấp cho các thị trường lõi đô thị những sản phẩm có chi phí rẻ hơn (bao gồm cả chi phí môi trường) với giá cao hơn. Vì vậy, bà Lan lưu ý, cần phát huy truyền thống, tinh hoa văn hóa lâu đời của Thủ đô và được nâng tầm bằng tư duy sáng tạo, công nghệ hiện đại, kết nối thông minh với những ngành, lĩnh vực của các địa phương trên cả nước.
Hà Nội phải tính toán đến việc quy hoạch phát triển nông nghiệp đô thị và yếu tố giữ mảng xanh đô thị cần thiết.
Đại diện Khoa Quy hoạch đô thị và Nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nêu quan điểm: 'Với tính chất là Thủ đô nên việc định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, ngoài các định hướng phát triển theo mô hình chùm đô thị, là đô thị thông minh, đô thị xanh - sạch - đẹp, chúng ta phải chú trọng gắn kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn; hài hòa giữa bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển mới; phân bố dân cư, cơ cấu lao động và phân bố sử dụng đất phù hợp với phát triển kinh tế, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là những vấn đề cực kỳ quan trọng cần nghiên cứu'.