Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1043/2024 ban hành Kế hoạch triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Một trong những điểm nổi bật của luật này là bổ sung quy định tài xế không được lái xe quá 48 giờ/tuần.
Rất nguy hiểm khi lái xe liên tục
Theo luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết (Đoàn Luật sư TP HCM), quy định về thời gian làm việc liên tục và thời gian nghỉ ngơi của tài xế là không mới. Nghị định 10/2020 và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định tài xế không được lái xe quá 10 giờ/ngày và liên tục quá 4 giờ mà không nghỉ ít nhất 30 phút. Tuy nhiên, quy định cũ chưa đề cập tổng số giờ làm việc trong một tuần của tài xế.
Phòng CSGT Công an TP HCM cho biết mặc dù hậu quả từ việc lái xe quá giờ là rất nghiêm trọng nhưng vẫn còn một bộ phận tài xế và chủ phương tiện xem nhẹ pháp luật hoặc thiếu hiểu biết về các quy định an toàn giao thông. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra vào lúc 5 giờ 40 phút ngày 4-6 vừa qua trên Quốc lộ 22, huyện Hóc Môn, TP HCM. Tài xế V.V.P điều khiển xe đầu kéo đã va chạm liên hoàn với 4 ô tô khác, dù không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại tài sản lên tới hơn 471 triệu đồng.
Lực lượng chức năng kiểm tra tài xế xe khách trên Quốc lộ 1 đoạn qua TP HCM. Ảnh: TRẦN THÁI
Qua điều tra, Phòng CSGT Công an TP HCM xác định nguyên nhân là do ông P. đã lái xe liên tục trong 7 giờ 10 phút, vượt quá giới hạn cho phép, dẫn đến buồn ngủ, không quan sát được phía trước.
ThS-BS Nguyễn Tiến Lộc, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, cho biết đã tiếp nhận, điều trị nhiều trường hợp tài xế mắc các bệnh nghề nghiệp như đau vai gáy, tăng cơ, các vấn đề cột sống... Đáng chú ý là bệnh Buerger - căn bệnh làm hỏng các mạch máu ở đầu ngón tay, ngón chân; trường hợp nặng có thể phải đối diện việc cắt bỏ các phần bị hoại tử.
'Nhiều tài xế cho biết để duy trì sự tỉnh táo, họ thường hút thuốc lá. Hút thuốc lá nhiều cùng với việc phải ngồi một chỗ trong thời gian dài là nguyên nhân gây nên bệnh Buerger' - BS Lộc giải thích.
Theo BS Lộc, giấc ngủ là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự tỉnh táo và sức khỏe. Một chu kỳ giấc ngủ thông thường kéo dài khoảng 1,5 giờ. Để bảo đảm sức khỏe, mỗi người cần có 3-5 chu kỳ ngủ/ngày, tương đương 5-7 giờ. Tuy nhiên, nhiều tài xế không ngủ đủ giấc, dẫn đến suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phản xạ tập trung, làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.
'Việc quy định giới hạn 48 giờ làm việc/tuần sẽ giúp các tài xế có đủ thời gian nghỉ ngơi, cải thiện giấc ngủ, thay đổi dần các thói quen xấu như hút thuốc và ngồi bất động quá lâu' - BS Lộc nhìn nhận.
Bảo đảm hiệu quả thực tiễn
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM thông tin tháng 7-2024, qua thanh tra đã phát hiện 8 tài xế tại Công ty TNHH Du lịch Vận tải Tiến Oanh vi phạm về thời gian lái xe liên tục (quá 4 giờ) và thời gian làm việc trong ngày (quá 10 giờ). Tại Công ty Vận tải Trưởng Lợi cũng phát hiện 2 tài xế xe đầu kéo vi phạm quy định về thời gian lái xe.
Thanh tra Sở GTVT TP HCM nhận định trách nhiệm chính thuộc về giám đốc và người điều hành vận tải của công ty khi không thực hiện đầy đủ vai trò giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của tài xế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc quy trách nhiệm cho chủ phương tiện là không hề đơn giản.
Đơn cử, trong vụ án xảy ra vào tháng 5-2021, được đưa ra xét xử tại TAND quận Bình Tân, TP HCM vào tháng 9-2023, bị cáo L.V.E - tài xế điều khiển xe ben - bị kết án 2 năm 6 tháng tù vì gây tai nạn khiến một người tử vong. Luật sư của bị cáo lập luận rằng tài xế đã phải làm việc liên tục trong 8 giờ theo yêu cầu của chủ phương tiện, đồng thời yêu cầu truy tố cả chủ xe. Nhưng HĐXX cho rằng không có đủ chứng cứ để quy trách nhiệm hình sự cho chủ xe.
Theo anh Nguyễn Mạnh Cường - chủ một doanh nghiệp vận tải tư nhân tại TP Thủ Đức, TP HCM - để thực hiện hiệu quả quy định giới hạn thời gian lái xe, cần sự phối hợp của nhiều yếu tố, giải pháp. Cụ thể, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho tài xế, chủ phương tiện về ý thức chấp hành pháp luật; ứng dụng công nghệ trong giám sát thời gian làm việc; xây dựng hệ thống quản lý nội bộ nghiêm ngặt để bảo đảm tài xế không bị ép buộc làm việc quá thời gian cho phép; có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn đối với trường hợp vi phạm, nếu cần thiết có thể xem xét trách nhiệm hình sự...
Ở góc nhìn khác, anh Nguyễn Văn Điền (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), tài xế xe tải chở hàng, nhận xét quy định lái xe không quá 48 giờ/tuần, tương đương mỗi tháng nghỉ 4 ngày, là 'hơi khắt khe'. Ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, phản ánh không ít doanh nghiệp vận tải băn khoăn quy định mới sẽ gây khó khăn. Ông dẫn chứng với một container chở hàng chạy tuyến TP HCM - Lạng Sơn, nếu tài xế chỉ được chạy 8 giờ/ngày thì mất 1 tuần mới đến nơi. Muốn kịp tiến độ giao hàng, mỗi xe phải thuê 2-3 tài xế thay nhau chạy, khiến chi phí của doanh nghiệp bị đội lên.
ThS-BS Nguyễn Tiến Lộc góp ý cần có chính sách hợp lý để không ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế, tránh hiện tượng các tài xế di chuyển nhanh hơn để hoàn thành công việc trong thời gian ngắn hơn.
Không được giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình
Bộ Công an vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; có hiệu lực thi hành từ 15-11.
Theo thông tư mới, người dân được giám sát thông qua các hình thức sau: tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư; quan sát trực tiếp... Như vậy, hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình ở thông tư trước đã được loại bỏ.
Bộ Công an cũng bãi bỏ việc công khai kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên...