Ông Võ Viết Cường, Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), cho biết lúc 9 giờ 30 phút ngày 19-9, trên đảo có gió mạnh cấp 8-9, sóng biển cao trên 2 m. Người dân trên huyện đảo này đã dừng tất cả mọi hoạt động, đang tránh trú bão an toàn.
Gió giật, sóng biển dâng cao ở Cồn Cỏ
Ông Võ Viết Cường (mũ trắng), Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ, trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão số 4 tại hiện trường
Huyện đảo Cồn Cỏ nằm cách đất liền gần 30km, hiện tại có 20 hộ dân với khoảng 100 nhân khẩu sinh sống. 'Chúng tôi đang theo dõi sát sao diễn biến bão số 4 để có phương án đưa người dân đến nơi an toàn để trú bão' - ông Cường nói.
Lực lượng vũ trang trên đảo Cồn Cỏ giúp dân gia cố, chằng chống nhà cửa
Trong khi đó, ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông, cho biết trên địa bàn đang xảy ra mưa lớn, một số ngầm tràn qua sông, suối đã ngập, dâng trở lại.
Hiện các lực lượng trên địa bàn huyện này đã rào chắn, chốt trực tại các khu vực nguy hiểm. 'Về phương án di dời dân khỏi vùng nguy hiểm chúng tôi đã sẵn sàng. Khi có lệnh sẽ tiến hành sơ tán ngay' - ông Châu nói.
Một số ngầm tràn ở huyện miền núi tỉnh Quảng Trị bị ngập
Cùng với các biện pháp phòng chống bão số 4 đã và đang triển khai, tỉnh Quảng Trị cấm biển từ 18 giờ ngày 18-9. Việc sắp xếp tàu thuyền vào neo đậu, tránh bão được yêu cầu hoàn thành trước 20 giờ ngày 18-9.
Quảng Bình: Đường bị ngập, cây cối bị đánh bật gốc
Sáng nay, mặc dù cơn bão chưa trực tiếp đổ bộ vào đất liền, nhưng nhiều cây xanh trên địa bàn TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã bị bật gốc, gây nguy hiểm và ách tắc giao thông. Hiện tượng này là do mưa lớn kéo dài, kèm theo gió mạnh đã làm suy yếu đất nền, khiến các cây không đủ sức chống chịu.
Theo ghi nhận của PV Báo Người Lao Động, từ sáng sớm, nhiều tuyến đường chính như đường Hữu Nghị, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Hữu Cảnh đã bị ngập, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông. Nước ngập từ 30 đến 50 cm tại nhiều điểm, làm nhiều phương tiện khó khăn khi lưu thông qua đường, người dân phải vật lộn đẩy xe qua các đoạn ngập nước.
Trên tuyến đường Võ Thị Sáu, TP Đồng Hới, nhiều cây xanh đã bật gốc sau một trận gió lớn quét qua địa bàn. Ngoài gió lớn, mưa từng đợt ríu rít liên hồi. Một số cây lớn bị gió quật đổ, nằm bật gốc chắn ngang đường, khiến người và phương tiện không thể lưu thông.
Một người dân sống tại phường Nam Lý chia sẻ: 'Mưa lớn suốt đêm qua, sáng ra thấy cây đổ đầy đường, nước ngập nhiều trên các đường lớn. Chúng tôi rất lo lắng không biết bão sẽ gây thiệt hại ra sao khi chính thức đổ bộ.'
Các cơ quan chức năng của thành phố đã triển khai lực lượng cứu hộ, cắt tỉa cây bị đổ và cảnh báo người dân hạn chế ra đường trong thời gian này.
Tại khu vực huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa và các xã biên giới Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy) Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), từ sáng nay đã xảy ra mưa rất lớn. Mưa bắt đầu từ 2 giờ sáng 19-9 đến nay vẫn chưa ngừng.
Nhiều cây xanh bị đánh bật gốc trên tuyến đường Võ Thị Sáu, ngay sát Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba
Nhiều cây xanh bị đánh bật gốc trên tuyến đường Võ Thị Sáu, ngay sát Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba
Mưa ngập trên một tuyến đường
Cây xanh đổ ngổn ngang
Thừa Thiên - Huế: Mưa nhỏ, di dời hàng trăm người dân vì sợ núi lở
Đến 10 giờ sáng nay, tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế trời vẫn mưa nhỏ, gián đoạn có lúc mưa lớn diễn ra trong thời gian ngắn. Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, lượng mưa đo được tại các trạm đo Vrain từ 19 giờ ngày 17 đến 7 giờ ngày 19-9 phố biến từ 150-300 mm, có nơi cao hơn như Bạch Mã 576 mm, Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) 441 mm, Khe Tre (huyện Nam Đông) 437 mm, Lăng Cô (huyện Phú Lộc) là 407 mm.
Clip Toàn cảnh TP Huế, trước khi dự kiến bão vào đất liển (nguồn Hue-S)
Dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu áp tháp nhiệt đới, bão trên đất liền tỉnh từ sáng nay, 19-9 đến ngày 21-9 có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông; trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 200-300 mm, có nơi trên 500 mm.
Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết đây là khu vực huyện miền núi tại rừng Bạch Mã nên thường có lượng mưa nhiều. Tuy nhiên hiện thời tiết từ đêm qua đến nay chỉ mưa nhỏ, gián đoạn chỉ có vài trận mưa lớn nhưng diễn ra ngắn. 'Tôi mới đi kiểm tra các sông suối nhưng thấy nước ở đâu cũng còn thấp' – ông Phụng cho biết.
Mưa sáng nay tại trung tâm TP Huế
Vào đêm 18-9, UBND huyện Nam Đông đã thực hiện sơ tán 34 hộ/119 khẩu, trong đó xã Thượng Long 16 hộ/64 khẩu, xã Thượng Nhật 3 hộ/12 khẩu, thị trấn Khe Tre 15 hộ/43 khẩu đến vị trí an toàn, tránh nguy cơ núi sạt lở.
Sạt lỡ tại thôn Phú Hòa, xã Hương Phú, huyện Nam Đông.
Tại các xã Hồng Hạ, Hồng Bắc, Hồng Kim, Hồng Thủy, Quảng Nhâm, Phú Vinh thuộc huyện miền núi A Lưới cũng đã di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn. Đặc biệt, tại xã Quảng Nhâm có 4 điểm ngập úng cục bộ, có 6 điểm sạt lở đất đá gây thiệt hại nên đã di dời 87 hộ dân.
Vận động, hỗ trợ người dân ở Khe Tre, huyện Nam Đông di dời.
Còn UBND huyện Quảng Điền đã huy động hơn 150 lực lượng dân quân tự vệ địa phương, người dân 20 rọ đó, 260 m3 đá học để gia cố 50m kè tại Hói Hàn Tổng, xã Quảng Phước.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện nay các công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang ở mực nước thấp, hiện vận hành đảm bảo an toàn.
Trước diễn biến của bão số 4, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và các gian hàng của các Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch/Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại các tỉnh đã tự nguyện kết thúc trưng bày sản phẩm tại Hội chợ thương mại Festival 2024 được tổ chức tại Huế trước thời gian dự kiến.
Công trình cầu vượt qua cửa biển Thuận An được giằng néo, đảm bảo an toàn.
Mặt cầu cửa biển Thuận An có độ cao 43 m so với mặt nước, được đơn vị thi công triển khai phương án đảm bảo an toàn.
Các thanh ba cố định trục cẩu công trình cầu vượt cửa Thuận An.