Pháo hoa nhập lậu bị cơ quan chức năng thu giữ tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: TL
Được đốt pháo hoa dịp lễ, Tết?
Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 có thêm nhiều điểm mới về trường hợp sử dụng pháo và hành vi bị nghiêm cấm về pháo nổ. Theo đó, tại Điều 17 của Nghị định 137, các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có 'năng lực hành vi dân sự đầy đủ' được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp như lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm.
Ông Nguyễn Văn Ánh (64 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: 'Đốt pháo trong những ngày quan trọng khá ấn tượng nên tôi ủng hộ quy định mới cho phép người dân được sử dụng pháo hoa trong các buổi lễ, kỷ niệm… Chỉ cần quản lý chặt chẽ thì sẽ không lo ngại vấn đề nguy hiểm'.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Phúc (56 tuổi, ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội) lại không ủng hộ việc người dân được 'thoải mái' đốt pháo hoa. Bà Phúc cho rằng, việc cho phép người dân được đốt pháo vừa nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro và tốn kém. Sự nguy hiểm sẽ nâng lên ở các khu đô thị, nơi đông dân cư có đường điện chằng chịt.
'Bao nhiêu năm mới 'dẹp' được nạn đốt pháo, nay đã và đang bình yên thì lại cho phép người dân được phép đốt pháo chẳng khác nào mang nguy hiểm ra đùa giỡn. Sự nguy hiểm không chỉ riêng ở thành thị, nơi có hệ thống dây điện chằng chịt mà ở nhà dân ở vùng nông thôn được lợp bằng chất liệu lá cũng không ngoại lệ. Pháo hoa gây cháy cũng rất nguy hiểm. Đó chưa kể là những người lớn tuổi, hoặc trẻ em bị dị ứng mùi thuốc pháo thì sẽ ra sao', bà Phúc cho hay.
Nhiều người lo ngại
TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao. Ảnh: Bảo Loan
Liên quan đến điểm mới này, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết: 'Tôi thấy rằng, nhiều người không đồng tình việc sử dụng pháo hoa trong các trường hợp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, khai trương, ngày kỷ niệm… như Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo vừa ban hành'.
TS Dương Thanh Biểu lý giải về những nguyên nhân sau đây: Thứ nhất, vào năm 1994, trước tình trạng đốt pháo tràn lan làm nhiều người chết và bị thương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước. Riêng các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa chỉ được UBND tỉnh trở lên mới được phép sử dụng. Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày 1/1/1995. Theo đó, các tổ chức, cá nhân vi phạm ngoài việc tịch thu tang vật, tiêu hủy pháo và thuốc pháo còn bị phạt tiền.
Ngoài bị xử phạt hành chính 1-2 triệu đồng thì người đốt pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội 'Gây rối trật tự công cộng', hoặc 'Cố ý gây thương tích' theo Bộ luật Hình sự 2015.
Từ đó đến nay, gần 30 năm người dân đồng lòng rất cao với Chỉ thị trên đây và cũng từ đó, không còn xảy ra các vụ tai nạn nghiệm trọng liên quan tới pháo như trước đó. Nhân dân thật sự vui mừng vì cảm thấy cuộc sống bình an khi mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Thứ hai, việc nới lỏng ngữ cảnh đốt pháo như Nghị định số 137/2020/NĐ-CP sẽ xảy ra nhiều hệ lụy khó lường. Vì theo quy định tại Điều 17, Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong trường hợp: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Như vậy, ngày cũng như đêm đều xảy ra đốt pháo, trong đó thế nào cũng sẽ có pháo nổ. Hành vi trên không chỉ gây ra nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự mà còn sẽ có nguy cơ gia tăng tình trạng buôn lậu pháo và ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
Thứ ba, việc này gây tốn kém không cần thiết. Theo quy định cũ, chỉ UBND cấp tỉnh mới có quyền sử dụng pháo hoa. Nếu quy định mới được áp dụng, tất cả người dân đều sử dụng pháo và sẽ tốn kém vô cùng. Trong khi đó, hiện nay, còn rất nhiều gia đình tại các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, cuộc sống còn gặp muôn vàn khó khăn. Thiết nghĩ, nếu dùng số tiền đốt pháo hoa này để hỗ trợ những gia đình, những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh sẻ có ích hơn rất nhiều.
Từ sự phân tích trên, TS Dương Thanh Biểu bày tỏ: 'Từ trước tới nay đã nghiêm cấm sử dụng thuốc nổ, pháo nổ (pháo hoa chỉ được UBND cấp tỉnh mới được sử dụng) và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đây không chỉ là sự kiên quyết của Chính phủ để từng bước làm đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam, bảo đảm môi trường trong lành, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân mà nhân dân cũng cảm thấy được sống trong không khí an toàn. Do đó, tôi cho rằng, chúng ta chưa nên vội vàng áp dụng quy định mới về việc sử dụng, quản lý pháo. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ về tác động của Nghị định trên đây, đề xuất với Chính phủ cân nhắc kỹ khi ban hành Nghị định này. Tốt nhất là cho dừng lại để nghiên cứu, xem xét kỹ trước khi ban hành áp dụng'.
Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chánh Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nói: 'Tôi cho rằng, để Nghị định này được thi hành và đảm bảo hiệu quả trên thực tiễn thì các cơ quan ban ngành, UBND các cấp cần phối hợp chặt chẽ, ban hanh quy chế, quy định riêng tại từng địa phương nhằm quản lý việc sử dụng pháo hoa để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bởi lẽ trong thành phần pháo hoa cũng có chất gây nổ, nếu không sử dụng đúng cách có thể gây phát nổ, gây mất an toàn đối với người sử dụng hoặc có thể gây cháy đối với tài sản… Ngoài ra, khi bỏ quy định cấm thì cơ quan chức năng cũng cần phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh pháo hoa phải đủ điều kiện cấp phép theo quy định, đối với trường hợp nhập lậu hoặc không được cấp phép thì phải xử lý thật nghiêm', luật sư Đặng Văng Cường cho hay.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, để đồng bộ với các quy định hiện hành thì khi Nghị định này chính thức có hiệu lực, các Bộ, ban ngành cũng cần sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh, hình thức xử phạt đối với việc quản lý, sử dụng pháo hoa để tránh sự chồng chéo trong các quy định pháp luật.