Theo quy định tại Indonesia, những bệnh nhân tử vong do nghi nhiễm Sars nCov2 sẽ phải chôn cất ngay lập tức và hạn chế số người tham dự. Tuy nhiên điều này lại đi ngược với nhiều nguyện vọng của các gia đình nạn nhân tại một quốc gia tôn trọng truyền thống văn hóa Hồi giáo.
Hệ quả là thời gian gần đây, ngày càng nhiều trường hợp cướp xác nạn nhân khỏi bệnh viện để làm nghi lễ an táng theo đạo Hồi bất chấp những lệnh cấm.
Vào ngày 3/6 vừa qua tại bệnh viện Dadi thuộc đảo Makassar miền Nam Sulawesi-Indonesia, hàng trăm người đã đến cướp xác các nạn nhân thiệt mạng trước đó 2 ngày vì bị nghi do dịch Covid-19 để làm lễ tang theo truyền thông. Những người thân của nạn nhân cho biết họ làm thế vì lo sợ chính quyền sẽ chôn cất nhanh chóng theo quy định, trái với văn hóa Hồi giáo nơi đây.
Quy định chôn cất chống dịch Covid-19 tại Indonesia bị nhiều người thân nạn nhân cho là sơ sài
Giám đốc Arman Bausat của bệnh viện Dadi thừa nhận vụ việc trên và cho biết ông chẳng thể làm gì nhiều khi một số gia đình nạn nhân thậm chí có trang bị cả vũ khí để đến đòi xác người thân. Video theo dõi cho thấy khoảng 7 người đã đột nhập vào phòng chăm sóc đặc biệt và lấy đi những cái xác của nạn nhân thiệt mạng vì dịch Covid-19.
'Nếu tôi chúng tôi cố ngăn lại thì chắc chắn sẽ có thương vong. Bởi vậy tôi đã chỉ đạo các nhân viên y tế để mặc cho họ đi nhằm tránh đổ máu không cần thiết', Giám đốc Arman nói.
Những nạn nhân trên vốn nhập viện tại bệnh viện Akademis Jaury Hospital nhưng được chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Dadi sau khi có những triệu chứng sốt, ho, khó thở…
Giám đốc Arman cho biết bệnh viện chưa kịp lấy mẫu xét nghiệm của những thi thể trên do họ tử vong quá nhanh. Trước khi bị cướp xác, bệnh viện Dadi định chôn cất những người này theo quy định chống dịch Covid-19 và bỏ qua những truyền thống của Đạo Hồi.
Hành vi phạm tội
Chỉ 4 ngày sau vụ việc tại bệnh viện Dadi, khoảng 150 người đã kéo đến bệnh viện Stella Maris Hospital để cướp xác nạn nhân khỏi các phòng chăm sóc đặc biệt. Ngay lập tức cảnh sát và quân đội Indonesia đã được triển khai để trấn áp tình hình, tạo nên cuộc xung đột giữa đám đông với các cơ quan chức năng.
Cuối cùng, đám đông cũng phá vỡ được hàng rào cảnh sát để cướp đi xác người thân. Cảnh sát trưởng Wahyu Basuki của Ujung Pandang thừa nhận vụ việc trên đã diễn ra.
'Chúng tôi đã cố ngăn cản và thuyết phục họ nhưng đám đông có nhiều người hơn và cuối cùng họ cũng cướp được những cái xác', Ông Basuki thừa nhận.
Trước khi vụ việc diễn ra, bệnh viện Stella thừa nhận cũng đã có 2 cái xác bị người thân gia đình cướp đi, không cho các cơ quan chức năng chôn cất theo quy định nhằm phòng chống dịch.
'Đây là hành vi phạm tội, nhất là khi chúng có thể lây lan dịch bệnh cho cộng đồng và chúng tôi sẽ điều tra thêm về vụ việc', Người phát ngôn Ibrahim Tompo của Sở cảnh sát Nam Sulawesi cho biết.
Trong khi đó, mạng xã hội Indonesia lan tràn những video cho thấy người thân cướp xác nạn nhân ở bệnh viện bất chấp họ bị nghi tử vong vì dịch Covid-19. Một video tại Semampir-Subaraya cho thấy người nhà nạn nhân đã chuyển cái xác khỏi bệnh viện ngày 4/6 sau khi tranh cãi rằng bệnh nhân không chết vì dịch Covid-19 bất chấp khuyên can từ phía bệnh viện.
'Họ không tin đó là dịch Covid-19 dù kết quả xét nghiệm bệnh nhân trước khi tử vong là dương tính', quận trưởng Siti Hindun Robba Humaisiyah của quận Semampir nơi xảy ra vụ việc cho biết.
Cuối cùng lực lượng chức năng đã phải đến tận gia đình giải thích và cuối cùng họ mới chấp nhận để nạn nhân được chôn cất theo quy định chống dịch Covid-19. Thế nhưng những người thân tiếp xúc với xác nạn nhân lại phải bị cách ly để theo dõi thêm.
Một vụ việc tương tự cũng đã diễn ra tại Surabaya khi hàng trăm xe ôm của startup Ojek đi cùng người nhà nạn nhân đến cướp xác tại bệnh viện Dr.Soetomo General Hospital. Nạn nhân này đã được hỏa táng theo nghi lễ Hồi giáo mà không tuân theo bất kỳ quy định cách ly nào nhằm chống dịch Covid-19.
'Theo truyền thống của người Indonesia, mai táng là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của cuộc đời. Trong khi đó, quy định chôn cất mùa dịch Covid-19 lại quá sơ sài và nhiều người coi đó là sự xúc phạm không thể chấp nhận được', Chuyên gia xã hội học Amika Wardhana của trường đại học Yogyakarta nhận định.
Thêm vào đó, sự yếu kém của chính quyền địa phương trong việc xử lý những vụ việc trên khiến ngày càng nhiều gia đình nạn nhân manh động cũng như không tin vào hiểm họa lây lan dịch Covid-19 từ xác nạn nhân.
Tính đến chiều ngày 9/6, Indonesia đã ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao kỷ lục là 1.043 trường hợp, đưa tổng số ca nhiễm của nước này lên 33.076 trường hợp và 1.923 nạn nhân tử vong.