Video: Nghề nuôi muỗi (Nguồn QPVN)
Công việc lạ gây rùng mình
Rửa tay thật sạch, xắn áo quá khuỷu tay, anh Phạm Văn Quang, Nghiên cứu viên tại Khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cẩn thận mở từng nút thắt lồng muỗi.
Công việc này với anh đã vốn quen thuộc, thế nhưng mỗi lần bắt đầu, anh đều thấy có chút hồi hộp. Ngay khi các ngón tay thò vào lồng, hàng trăm con muỗi khát máu lao đến, thoáng chốc đã bu đen kịt cả cánh tay.
Anh Phạm Văn Quang chuẩn bị cho muỗi ăn
Hàng trăm con muỗi đen kịt với chiếc bụng đói đang chờ đợi
Chúng lập tức bu đen cánh tay nghiên cứu viên, ra sức hút máu
Được biết, thời gian cho muỗi 'ăn' tùy thuộc vào nhu cầu nghiên cứu, nhanh thì 3-5 phút, lâu hơn thì tới cả 10-15 phút.
'Trước khi ra trường, mình không nghĩ là mình sẽ làm công việc này. Mới đầu, khi thấy các cô chú, anh chị cho đốt, mình thấy gai gai người, thấy rùng mình, thời gian sau mình hiểu được công việc thì mình thấy yêu công việc này và mọi thứ trở nên bình thường.' - anh Phạm Văn Quang chia sẻ.
Bình thường chỉ một vết muỗi đốt, mọi người đã thấy khó chịu. Do vậy, cảm giác khó chịu sẽ nhân lên hàng trăm lần khi cùng lúc để hàng trăm con muỗi đốt.
Những con muỗi no máu đang 'nghỉ ngơi'
Trong khi đó, cánh tay nam nghiên cứu viên rần rần nổi vết sần sùi, bỏng rát
Công việc lạ và rùng mình này, không chỉ riêng anh Quang, mà các nghiên cứu viên khác thay nhau làm trong suốt nhiều năm qua. Thế nhưng, chỉ đến thời gian gần đây mọi người mới được biết đến.
Tại sao phải cho muỗi đốt?
Gắn bó với công việc này suốt 17 năm qua, chị Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ: 'Muỗi cái chỉ cần giao phối một lần duy nhất với muỗi đực, sau đó chúng chỉ cần hút máu để phát triển trứng'.
Báo Lao Động cũng thông tin: nghiên cứu khoa học cho thấy máu người là 'món ăn' ưa thích của muỗi vì có vị mặn và ngọt bên cạnh đó còn có 4 hợp chất lý tưởng cho quá trình đẻ trứng của muỗi bao gồm: glucose, natri clorua, natri bicarbonate (có trong máu và muối nở) và adenosine triphosphate (ATP).
Chị Nguyễn Thị Thu Trang - Nghiên cứu viên Khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương
Tuy nhiên, không phải ngày nào cũng cho muỗi đốt, mà chỉ khi cần nhân giống muỗi để phục vụ quá trình nghiên cứu. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi dịch sốt xuất huyết có nguy cơ lây lan, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho muỗi sinh sản trong môi trường tự nhiên, từ đó dễ bùng phát nhiều ổ dịch.
Tiến sĩ Lê Trung Kiên - Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương lý giải: 'Công việc nuôi côn trùng nói chung trong đó có nuôi muỗi nói riêng là công việc thường quy của cán bộ khoa. Việc cho muỗi đốt tập trung cho giai đoạn cần nhân nuôi muỗi lên, cũng như phát triển những chủng muỗi, phục vụ công tác điều tra, đánh giá khi phát hiện ra ổ dịch.'
TS Lê Trung Kiên - Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương
Theo TS. Lê Trung Kiên, Khoa Hóa thực nghiệm bao gồm 3 đơn vị (Nghiên cứu sinh học, Kiểm nghiệm hóa học và Phòng chức năng) đảm nhiệm 3 nhiệm vụ lớn: phòng chống các loại côn trùng truyền bệnh; theo dõi và đánh giá độ nhạy cảm với hóa chất của côn trùng gây bệnh; khảo nghiệm, kiểm nghiệm theo quy định của Bộ Y tế về các hóa chất để được lưu hành tại Việt Nam.
'Nuôi muỗi, nhân giống muỗi có ý nghĩa lớn với công tác phòng chống dịch đối với các bệnh truyền nhiễm do véc-tơ truyền như sốt rét và sốt xuất huyết.'- TS. Lê Trung Kiên nhấn mạnh.
Cho muỗi đốt là công việc cần thiết đối với quá trình nghiên cứu mức độ phát triển, lây lan của dịch bệnh do các véc-tơ truyền gây nên
Quy trình nghiên cứu, nhân giống muỗi
Thực tế, cho muỗi đốt chỉ là một hoạt động trong quy trình nghiên cứu hàng ngày của các cán bộ, nghiên cứu viên. Để nghiên cứu mức độ lây lan của dịch bệnh, cần phải tiến hành đầy đủ 3 bước: Thu gom - Nhân giống và Đánh giá.
Các cán bộ sẽ tới trực tiếp ổ dịch hoặc địa phương là địa điểm trọng tâm của dịch sốt xuất huyết để nghiên cứu thực địa, thu gom bọ gậy, loăng quăng, điều tra mật độ muỗi, bắt muỗi.
Các cán bộ Khoa Hóa thực nghiệm tổ chức đoàn xuống tận nhà dân để điều tra thực địa
Những con bọ gậy, loăng quăng được thu gom vào những bình chuyên dụng
Sau khi điều tra xong, các cán bộ hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh, xử lý mầm bệnh
Số muỗi bắt được sẽ được mang về phòng đánh giá hóa chất. Công đoạn này có ý nghĩa đánh giá mức độ nhạy cảm của muỗi đối với hóa chất diệt côn trùng, đồng thời đánh giá mức độ ảnh hưởng của hóa chất lên muỗi vừa thu được.
Một số muỗi sau đó sẽ được mang về phòng nghiên cứu, tiến hành công đoạn nuôi và nhân giống. Hiện có 3 loại muỗi đang được nuôi và 'chăm sóc' tại đây: Muỗi Aedes Aegypti (véc-tơ chính truyền bệnh sốt xuất huyết), muỗi Anopheles Dirus và Anopheles Epiroticus (hai véc-tơ chính truyền bệnh sốt rét).
'Mỗi lần hút máu, muỗi Aedes Aegypti (véc-tơ chính truyền bệnh sốt xuất huyết) sẽ đẻ trứng. Mỗi con gái sẽ đẻ 150 trứng và chỉ có đối đa 4-5 lần đốt'
Trứng muỗi được nuôi và phát triển trong phòng kín với đầy đủ điều kiện để sinh trưởng
Mỗi sáng, chị Trang sẽ đi gom trứng muỗi, theo dõi và kiểm tra quá trình phát triển của bọ gậy hay con quăng.
Những con quăng đủ ngày tuổi sẽ được nhặt chọn lọc rồi đưa vào lồng nuôi để chúng có đủ điều kiện phát triển thành muỗi.
Các chủng muỗi sẽ được sử dụng vào quá trình nghiên cứu mức độ ảnh hưởng và lây lan của dịch bệnh
Hàng chục năm đam mê không nghỉ
Quay lại với công việc nuôi muỗi và cho muỗi ăn, anh Quang cho biết, không phải ai cũng làm được công việc này. Để không ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu, người cho muỗi ăn phải là người hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh nền. Một số yêu cầu khắt khe khác như không được dùng nước hoa và không được hút thuốc.
Dù những lồng muỗi nuôi không mang gen bệnh, khá an toàn khi cho ăn, nhưng mỗi lần cho đốt, cảm giác đau đớn, khó chịu vẫn không thay đổi, có chăng chỉ là sức chịu đựng được tôi luyện năm này qua năm khác.
'Hồi đầu chưa quen thì phải dùng đến một số loại thuốc để giảm mức độ ngứa ngáy. Bây giờ thì mọi người cũng kệ, cứ để cho khỏi tự nhiên. Tuy nhiên, người nhanh nhất cũng phải mất 5-7 ngày mới hồi phục' - anh Quang chia sẻ thêm.
Chị Hà Thị Hợi, một nghiên cứu viên khác còn cho biết, mỗi năm, những cán bộ, nghiên cứu viên ở đây đều đi đến khắp các tỉnh thành để điều tra, thu gom bọ gậy, lăng quăng để mang về nghiên cứu: 'Có chuyến đi hàng tháng trời, vào tận vùng sâu vùng xa để lấy mẫu. Nhiều nơi dịch bệnh bùng phát, thì chúng tôi cũng là người hỗ trợ, hướng dẫn người dân cách xử lý mầm bệnh, ngăn dịch bệnh lây lan'.
Có người gắn bó với công việc này 17 năm, có người gắn bó gần 10 năm, và cũng có nghiên cứu viên mới làm việc được vài năm, thế nhưng ở đây ai cũng vui vẻ, nhiệt huyết với công việc của mình. Sau cùng, đây là một công việc vô cùng ý nghĩa đối với sức khỏe cộng đồng.