Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Nhiều vấn đề về công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh được dư luận quan tâm như số ca mắc COVID-19 tăng và giải pháp ứng phó; việc mở khu cách ly tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tình trạng phát sinh chợ tự phát gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch và cuộc sống của người dân… đã được thông tin tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều tối 25/11.
Ứng phó với tình trạng số ca mắc COVID-19 tăng
Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, 3 ngày qua, số ca mắc COVID-19 có hiện tượng gia tăng, ở ngưỡng trên 1.500 ca. Ngành Y tế dù đã cố gắng nhiều biện pháp nhưng số ca mắc vẫn có chiều hướng tăng nhẹ và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.
Sở Y tế đã tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh chiến lược y tế, quy chế phối hợp quản lý số ca mắc COVID-19 tại nhà và các cơ sở thu dung điều trị. Trong tuần qua, Sở Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn cụ thể chăm sóc sức khỏe cho các trường hợp mắc COVID-19 tại nhà trong tình hình mới và hướng dẫn sử dụng các gói thuốc B, C điều trị COVID-19.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, trong tuần qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ban hành hướng dẫn chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà với phiên bản mới
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện giám sát hoạt động của các trạm y tế lưu động. Sở đã thành lập được 8 nhóm quản lý theo từng quận, huyện, có thành phần là thành viên ban giám đốc Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố… Các thành viên nhóm sẽ thường xuyên trao đổi về hoạt động chuyên môn và phương hướng điều trị để đưa ra giải pháp chăm sóc tốt nhất cho người dân chẳng may bị mắc COVID-19.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh còn thành lập 10 tổ để kiểm tra các trạm y tế lưu động, trạm y tế địa phương tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, nắm bắt sớm tình hình và xử lý kịp thời nhu cầu người dân, đồng thời, củng cố lại đường dây nóng 1022 với sự tham gia của 200 bác sỹ; tái lập hệ thống mạng lưới thầy thuốc đồng hành, từ đó, có thể hỗ trợ tốt nhất cho người mắc COVID-19 điều trị tại nhà cũng như đang được thu dung tại các bệnh viện. Sở Y tế cũng có văn bản chấn chỉnh các bệnh viện để xảy ra tình trạng không tiếp nhận bệnh nhân, không đáp ứng được nhu cầu người bệnh và các hệ thống khu vực, không đảm bảo sức khoẻ cho người dân. Sở cũng điều động, tăng cường nhân viên y tế đến các bệnh viện dã chiến ở địa bàn đến có dấu hiệu gia tăng ca mắc COVID-19 như Hóc Môn và Bình Chánh.
Về việc các doanh nghiệp có nguyện vọng được tự mở khu vực cách ly người mắc COVID-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, đối với công nhân, nhân viên tại cơ sở sản xuất kinh doanh thì Sở Y tế đã có hướng dẫn: mỗi cơ sở có một khu vực đảm bảo an toàn để công nhân, nhân viên mắc COVID-19 tạm lưu trú trước khi đưa đến các nơi điều trị. Tuy nhiên, các khu chế xuất, công nghiệp có số lượng công nhân lớn nếu có nhu cầu thì có thể dựng khu vực cách ly riêng dành cho người mắc COVID-19 không có điều kiện cách ly tại nhà nghỉ ngơi, với điều kiện người mắc đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; sau khi xét nghiệm âm tính thì có thể quay lại làm việc. Việc mở các khu cách ly tùy thuộc vào nhu cầu của các doanh nghiệp và quỹ đất của doanh nghiệp có đủ điều kiện mở khu cách ly hay không. Nếu doanh nghiệp muốn mở cơ sở cách ly thì cần báo với UBND và ngành y tế địa phương đến thẩm định điều kiện.
Về việc các bệnh viện dã chiến hiện nay vừa thu dung các bệnh lý thông thường lẫn bệnh nhân COVID-19 liệu có dẫn đến quá tải, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, các bệnh viện hiện tại đã trở lại công năng bệnh viện bình thường. Trường hợp bệnh nhân có bệnh lý thông thường nhưng đến bệnh viện dã chiến gần nơi ở cũng sẽ được tiếp nhận. Sau đó, người bệnh sẽ được chuyển đến bệnh viện có chức năng chữa trị phù hợp, do đó, các bệnh viện sẽ không bị quá tải.
Hiện nay, theo mô hình mới, Thành phố Hồ Chí Minh có 3 bệnh viện dã chiến chuyển đổi mô hình hoạt động 3 tầng là Bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16. Nơi đây có bố trí số giường bệnh, giường hồi sức theo 3 tầng để hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh từ nhẹ đến trở nặng.
Người mắc COVID-19 chủ động tiếp cận trạm y tế địa phương
Về quy chế tiếp cận người mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ đầu, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, việc phát hiện, quản lý người mắc COVID-19 trong 24 giờ nằm trong quy trình, chủ trương của ngành y tế thành phố. Các trường hợp mắc COVID-19 sau khi được tiếp nhận sẽ được chăm sóc tốt, hạn chế lây lan. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Tâm thừa nhận, do nhiều nguyên nhân như không tìm được địa chỉ chính xác hoặc không liên hệ được với người nhiễm nên vẫn có nhiều trường hợp không được tiếp nhận kịp thời trong thời gian này.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Tâm, chăm sóc F0 ngay từ ban đầu là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hồ Chí Minh cho biết, quan điểm của thành phố là bất cứ ai phát hiện dương tính với SARS-COV-2 thì nên nhanh chóng tiếp cận các trạm y tế địa phương hoặc trạm y tế lưu động để nhận túi thuốc và sự hướng dẫn, tư vấn của bác sỹ và nhân viên y tế kịp thời. Theo ông Phạm Đức Hải, hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang có khoảng 57.000 người mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà trong khi lực lượng nhân viên y tế tại một số trạm y tế địa phương còn ít dẫn đến nhiều khó khăn trong việc tiếp cận người mắc COVID-19 kịp thời.
Ông Phạm Đức Hải cho hay, thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ đề ra một số định hướng như tăng cường nhân lực cho các trạm y tế lưu động và trạm y tế phường, xã trên toàn địa bàn thành phố, có cơ chế chính sách phù hợp để nhân viên y tế yên tâm thực hiện nhiệm vụ; điều động thêm lực lượng quân y, dân quân đến trực cùng nhân viên y tế ở các trạm y tế lưu động. Ông Phạm Đức Hải cũng lưu ý người dân nếu gặp khó khăn trong việc liên hệ với các trạm y tế địa phương thì đừng chờ đợi mà nên chủ động liên hệ thêm các đơn vị khác như tổng đài 115, UBND phường, Trung tâm Y tế quận…
Kiên quyết ngăn chặn phát sinh chợ tự phát
Về việc người dân kiến nghị với chính quyền địa phương liên quan đến hoạt động chợ tự phát tràn lan trong thời gian qua gây ảnh hưởng đến an toàn phòng dịch, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, việc phát sinh các nơi buôn bán kinh doanh tự phát, cơ quan quản lý địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra giám sát, xử lý. Trong giai đoạn cao điểm của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra xử lý, không để chợ tự phát hoạt động, đến nay, Thành phố chưa có chỉ đạo mới, như vậy việc để phát sinh chợ tự phát là sai quy định.
Về nguyên nhân chợ tự phát hoạt động, ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, trong quá trình dịch bùng phát có phát hiện trường hợp lây nhiễm ở chợ đầu mối nên Sở Công Thương quyết định tạm ngưng 3 chợ đầu mối trên địa bàn. Do thời gian tạm ngưng hoạt động kéo dài, một số tiểu thương đã tự ra ngoài kinh doanh, kéo theo sự tham gia của tiểu thương đến từ các địa phương khác làm phát sinh nhiều chợ tự phát.
Hiện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đang triển khai các phương án để đẩy nhanh tiến độ mở cửa hoạt động lại 3 chợ, vì vậy, các địa phương phải nhanh chóng xây dựng phương án chấm dứt chợ tự phát, kiên quyết không để phát sinh thêm, gây ảnh hưởng cuộc sống người dân và mất an toàn phòng dịch. Trước đó, Sở Công Thương đã làm việc với UBND Quận 8 và huyện Bình Chánh có kế hoạch liên tịch giải tỏa các chợ tự phát xung quanh chợ đầu mối Bình Điền để chuẩn bị trong tuần sau, Sở Công Thương sẽ hoàn tất phương án phòng, chống dịch, mở lại chợ Bình Điền với công suất tối đa.
Không có kế hoạch tái lập các chốt kiểm soát
Trao đổi với báo chí, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và UBND TP, ngày 22/11, Công an TP đã ban hành Thông báo 2781 về tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống dịch COVID-19.
Trước chỉ đạo của UBND TP về việc tăng cường quản lý di biến động dân cư, hiện tại, Công an TP không có phương án lập lại các chốt kiểm soát trên địa bàn TP. Thay vào đó, thực hiện công tác trên với phương châm 'nắm chắc hộ, nắm chắc người', quản lý chặt chẽ số người tạm trú, thường trú, lưu trú tại địa phương.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, hiện tại, Công an TP Hồ Chí Minh không có phương án lập các chốt kiểm soát
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, việc này nhằm phục vụ công tác rà soát, cấp căn cước công dân có gắn chíp, thông báo mã số định danh cá nhân, cập nhật và làm sạch dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, hỗ trợ TP trong việc phòng, chống dịch, cụ thể là giám sát các hộ gia đình có F0 trên địa bàn, nắm được số người trở về địa phương để tiêm ngừa.