Cách đây ít ngày, nam bệnh nhân 57 tuổi ở Hà Nội tử vong tại Bệnh viện Bạch Mai do mắc sốt xuất huyết (SXH). Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai sáng 1-9 khi mắc SXH sang ngày thứ 5 và bắt đầu suy gan, thận, suy đa tạng.
Mất mạng vì tự điều trị
Dù được điều trị tích cực, lọc máu liên tục nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi. Người nhà bệnh nhân cho biết 5 ngày đầu mắc SXH, bệnh nhân tự mua thuốc điều trị tại nhà.
Đây là trường hợp thứ 2 tử vong do SXH tại Hà Nội trong 2 tuần qua. Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nam thanh niên 17 tuổi mắc SXH bị ngừng tim do tự truyền dịch tại nhà vì e ngại dịch Covid-19. Khi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã bị ngừng tim 30 phút, sau khi được cấp cứu, ép tim, tim đã đập trở lại. Ngay sau đó, bệnh nhân tiếp tục ngừng tim lần 2, tiếp tục được cấp cứu và đặt ECMO. Các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong sau 2 ngày vào viện vì suy đa tạng.
PGS-TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết đây là những trường hợp mắc sai lầm đáng tiếc trong việc chẩn đoán và điều trị SXH khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. SXH và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: sốt, đau đầu, đau mỏi người.
Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ, đường lây truyền, bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn SXH lây qua đường máu do muỗi truyền. SXH điển hình có biểu hiện da sung huyết, mặt và mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với Covid-19 thì có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp
Theo PGS Cường, trong số các bệnh nhân SXH điều trị thời gian qua có một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính.
Dọn dẹp môi trường thông thoáng, nhất là những chỗ nước đọng không cho muỗi sinh nở là biện pháp hữu hiệu phòng chống sốt xuất huyết (Ảnh: HCDC)
Nhiễm 2 thứ bệnh từ muỗi
Khu vực miền Nam cũng đã ghi nhận tình trạng gia tăng những ca bệnh SXH.Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), đã ghi nhận trên 9.000 ca mắc SXH trên bàn TP. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM, số ca mắc SXH đang có xu hướng tăng lên, hiện Khoa Nhiễm đang điều trị cho 25 ca, có một số ca nặng từ Tây Ninh, Bình Dương chuyển lên.
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, tính đến cuối tháng 8 nơi đây đang điều trị cho khoảng trên 50 trẻ SXH, trong đó 7 trẻ có diễn tiến nặng. Ca mới nhất vừa được cứu sống là bệnh nhi 12 tuổi. Đáng lưu ý, cách đây 3 năm bệnh nhi này đã từng bị SXH 1 lần. Lần này, bé nhập viện trong tình trạng nặng, trụy tim mạch, huyết áp không đo được, gan to. Trước đó, bé sốt cao liên tục 3 ngày, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Ngày thứ 3 bé than mệt kèm đau bụng nhiều nên nhập viện, khi vào viện bé phải sử dụng thuốc vận mạch, hỗ trợ thở máy, truyền máu và các chế phẩm của máu để ổn định tình trạng xuất huyết nặng. Sau gần 4 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch.
'Những ngày đầu tiên mắc SXH, biểu hiện sốt khá giống với các bệnh sốt do virus cấp tính. Người bệnh sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ sốt có thể lui sốt, nhưng có thể sốt tăng trở lại nhanh chóng sau 3 - 4 tiếng. Có khoảng 70% các trường hợp mắc SXH là lành tính, sau sốt 5-7 ngày người bệnh có thể tự hồi phục. Tuy nhiên, một số trường hợp có cơ địa đặc biệt, có bệnh nền mạn tính kèm theo thì cần lưu ý hơn' - các BS tư vấn.
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết trong SXH có 2 biến chứng hay gặp là hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó, nhiều người khỏe mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt. Ngược lại, biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, lơ mơ, li bì…
BS Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm HCDC, cảnh báo nguy cơ nhiễm 2 bệnh cùng lúc theo cơ chế lây lan từ muỗi lây SXH. Đó là dịch bệnh Chikungunya (CF) do muỗi Aedes (muỗi vằn) truyền bệnh gây nên. Dịch CF đã và đang bùng phát khắp 15 tỉnh, thành của Campuchia với hàng ngàn trường hợp mắc, trong đó có những tỉnh giáp với Việt Nam. Điều đáng mừng là hiện chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus Chikungunya tại TP HCM. Theo BS Nga, cách phòng bệnh này cũng giống như phòng chống SXH.
Không cho muỗi sinh sản và phát triển
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, hiện SXH chưa có thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh, biện pháp hữu hiệu nhất là kiểm soát hoạt động của muỗi truyền bệnh như phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng và bọ gậy; thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ nước đọng trong nhà và ngoài nhà…