Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã đăng tải 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3, với tổng số tiền lên tới 527,8 tỷ đồng. Việc làm trên nhằm bảo đảm tính minh bạch, giúp tất cả mọi người có thể theo dõi toàn bộ việc ủng hộ trong thời gian qua. Hiện tại, Ban Vận động cứu trợ trung ương cũng đã đăng tải cụ thể danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ qua số tài khoản từ ngày 1/9 đến ngày 10/9/2024. Động thái này đã nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng, nhưng cũng từ đây, nhiều người đã phát hiện ra trò chỉnh sửa hình ảnh của một số cá nhân để 'thổi phồng' số tiền đã ủng hộ, nhằm đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội.
Chủ tài khoản vội đóng trang cá nhân sau khi dân mạng phát hiện số tiền 100 triệu đồng ủng hộ chỉ là sản phẩm của phần mềm chỉnh sửa, còn thực tế chuyển 10.000 đồng. (Ảnh chụp màn hình)
Nói về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tấm lòng với bà con vùng lũ ít hay nhiều phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người, không ai chê trách từ thiện nhiều hay ít, miễn là từ tâm. Nếu sửa biên lai chuyển tiền, photoshop biên lai để thể hiện tăng số tiền từ thiện thì không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
'Từ thiện, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn, thiên tai bão lũ là truyền thống tốt đẹp bao đời của người Việt Nam. Tuỳ vào điều kiện, hoàn cảnh, gọi là “tấm lòng” của mỗi người mà mức đóng góp, ủng hộ của mỗi người dân với từng chương trình lại khác nhau. Sẽ không ai nghĩ rằng người này góp nhiều thì có tấm lòng lớn hơn người góp ít, góp bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người. Không ai khuyến khích việc đóng góp quá với khả năng, điều kiện, người có tâm chân thành cũng không bao giờ nghĩ rằng mình đóng góp số tiền lớn để từ thiện thì mình có tâm lớn hơn người khác.
Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện một số hiện tượng đóng góp từ thiện thì ít nhưng lại chỉnh sửa biên lai chuyển tiền theo hình thức sửa ảnh (photoshop) để thêm các số không 0 thể hiện tăng giá trị số tiền đóng góp thiện nguyện. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thống kê, phân phát, có thể gây ra những nghi ngờ lẫn nhau giữa những người đóng góp và người tiếp nhận quản lý tiền, gây ra dư luận xấu nên hành vi này rất đáng trách, rất đáng lên án. Sửa bill chuyển tiền của người đóng góp từ thiện không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đại đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, đó là hành vi làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật', luật sư Cường cho biết thêm.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Theo luật sư Cường :'Tuỳ thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tuỳ thuộc vào hậu quả xảy ra mà người sửa bill chuyển tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa bill chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt đống thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi làm bill giả, đưa tin sai sự thật lên không gian mạng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ theo quy định tại Điều 331 BLHS.
Còn trường hợp hành vi làm giả bill chuyển tiền rồi đăng công khai lên mạng xã hội mà chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10-20 triệu đồng với tổ chức và phạt từ 5-10 triệu đồng với cá nhân'.
Nghị định 92 năm 2021 của Chính phủ đã quy định chi tiết về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo là cơ sở pháp lý quan trọng để các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động kêu gọi, tiếp nhận, phân phát hàng, quà từ thiện. Nghị định này thống nhất nguyên tắc: Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc người dân mắc bệnh hiểm nghèo nhằm sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Luật sư Cường cho hay, vận động đóng góp để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố được thực hiện khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố gây ra thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân; vận động đóng góp để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo từng trường hợp cụ thể. Vận động đóng góp phải đảm bảo kịp thời và được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện; các tổ chức, cá nhân không được phép đặt ra mức tối thiểu để yêu cầu phải đóng góp; các khoản đóng góp tự nguyện phải từ thu nhập, tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thực hiện đóng góp.
Tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan. Kinh phí phục vụ cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định tại Nghị định này.
Điều 5 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong từ thiện như sau: Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; Báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện; Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Bởi vậy, ngoài việc kêu gọi tiếp nhận từ thiện thì cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động thiện nguyện mà trực tiếp là Nghị định số 93/2021/NĐ-CP. Các tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động từ thiện và tham gia đóng góp thiện nguyện đều phải tuân thủ pháp luật và đạo đức xã hội.
>>> Xem thêm video: Người quản lý đánh cụ bà 85 tuổi trong nơi nuôi dưỡng từ thiện