Nhớ lại từ ngày tốt nghiệp ra trường và trở thành sĩ quan quân đội tới bây giờ, Tết trong quân ngũ chiếm hết hai phần ba số lượng những ngày Tết của tôi. Những người lính có rất nhiều Tết: Tết biên cương, Tết đảo xa, Tết trên mây, Tết trên chốt, Tết nhà giàn…, còn Tết của tôi chủ yếu là Tết ở nơi đầu sóng. Tất cả những cái Tết đó chúng tôi gọi chung một cái tên thân thương là 'Tết lính'.
Vinh dự thiêng liêng
Do nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ nhân dân luôn đặt lên hàng đầu nên bộ đội hải quân chúng tôi trên các đảo và nhà giàn DK1 thường được ăn Tết sớm trước đôi tuần.
Đó là lúc chúng tôi đón những chuyến tàu chúc Tết từ đất liền ra nơi đầu sóng, mang theo nhu yếu phẩm và hơi ấm yêu thương của đất liền. Hải trình chúc Tết cuối năm luôn là hải trình sóng gió nhất nhưng cũng là hải trình được mong đợi nhất của cán bộ, chiến sĩ hải quân. Chúng tôi gọi đó là những chuyến tàu mùa xuân mặc dù luôn phải ra khơi từ lúc trời còn đông giá. Lúc mà miền Bắc đang co ro trong từng đợt gió mùa Đông Bắc thì cũng là lúc tàu chúc Tết phải gồng mình vượt qua những đợt sóng cao 6-7 m, biển động dữ dội.
Gạo nếp, lá dong, gà, vịt, bánh mứt kẹo, đào, mai... là những thức quà không thể thiếu và phải vận chuyển bằng được tới các điểm đảo, nhà giàn cho bộ đội thỏa lòng 'ngóng Tết'. Ấy thế mới có những chuyện cười ra nước mắt mà tôi không thể nào quên. Lũ gà, vịt và lợn ra tới nơi thì say sóng quá, lăn quay ra 'ngoẻo', khiến bộ đội phải hì hụi làm thịt luôn để cấp đông. Đào, mai, quất không chịu được sóng gió rụng hết hoa và quả, còn trơ trụi cành khô. Bộ đội lại tỉ mẩn cắt hoa giả dán vào, thổi bóng bay gắn lên, đẹp tới tận năm sau. Lá dong bị khô, héo thì được thay bằng lá bàng vuông để gói bánh chưng... Thế là còn may mắn vì giữ được hàng hóa, bởi đã có những chuyến hàng 'lặn' luôn xuống biển do thời tiết xấu, lại cũng đã có những chuyến tàu phải đổi bằng xương máu của bộ đội.
![]()
![]()
Cán bộ, chiến sĩ gói bánh chưng trên nhà giàn DK1/16 và tại Lữ đoàn 162 - Vùng 4 Hải quân
Khi tàu chúc Tết rời đi cũng là lúc bộ đội 'ra ngẩn, vào ngơ', bởi từ lúc này cho đến Tết là quãng thời gian họ nhớ gia đình nhất. Bố mẹ già liệu có được mạnh khỏe không? Người vợ tảo tần sẽ vất vả xoay xở Tết nội, Tết ngoại thế nào? Lũ trẻ con có cao lên không, có chăm ngoan, khỏe mạnh không?... Những tâm tư ấy được họ kìm nén thật chặt tới tận thời khắc giao thừa. Lúc tivi rực rỡ pháo hoa, giữa biển đêm đen kịt, những đốm sáng kiên cường là điểm đảo, nhà giàn mới run lên từng nhịp thương nhớ đất liền.
Đối với lính trên đảo và nhà giàn DK1 là vậy, còn đối với những người lính xuất phát đi làm nhiệm vụ ngay trước thềm năm mới, thật chẳng có sóng gió nào so được với những cơn sóng lòng mà họ phải vượt qua khi chia tay gia đình, vợ con nơi cầu cảng. Những chuyến tàu trực chủ quyền, những người lính trẻ đi thay quân, họ cương nghị, rắn rỏi và chững chạc trước tuổi. Nhìn mẹ Tổ quốc đón xuân an vui từ hướng biển, họ cảm thấy niềm vinh dự thiêng liêng khi được góp sức của mình vào sự trọn vẹn của mùa xuân ấy.
Thêm sức mạnh, can trường
Giữa muôn trùng sóng, trong không gian chật hẹp của tàu trực, chúng tôi vẫn tổ chức gói bánh chưng, chuẩn bị mâm cỗ Tết để cúng giao thừa. Đúng vào thời khắc giao thừa, từ ca bin buồng lái, đồng chí thuyền trưởng cất tiếng hát qua loa phát thanh nội bộ: 'Dạt dào biển mênh mông, sóng vỗ nhịp thân tàu/ Đoàn ta ra khơi tiếng máy reo vang tràn ngập tình đất nước quê hương…'. Ngay tức thì, tất cả anh em trên tàu đều cùng cất tiếng đồng thanh: 'Nhìn bầu trời xanh tươi, tay súng ta không rời/ Lướt sóng ra khơi rộn ràng khúc ca yêu đời...'. Tiếng hát hòa trong tiếng sóng biển khiến lòng người xốn xang, khiến tình yêu nhớ người thương, gia đình hòa chung với tình yêu quê hương, đất nước.
![]()
Bộ đội đón Tết trên tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung
Dù đón Tết nơi xa nhưng bộ đội hải quân luôn nhận được sự quan tâm từ đất liền, sự đùm bọc, sẻ chia của đồng đội. Trước Tết, chỉ huy các đơn vị hải quân sẽ tổ chức thăm hỏi, động viên, gửi thư và quà tới các gia đình quân nhân, đặc biệt là những gia đình có quân nhân thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu. Tôi nhớ những cái nắm tay thật chặt, những cái gục đầu lên ngực mình của bố mẹ đồng đội, của cả những người vợ trẻ chờ chồng khi tôi thay mặt đơn vị đến chúc Tết. Họ nhìn thấy trong màu áo quân phục tôi mang là sự thân thương, là sự nghẹn ngào và cả những thiệt thòi, hy sinh không nói được hết bằng lời.
Đêm giao thừa, chỉ huy đơn vị không về nhà ăn Tết với gia đình mà phân công nhau đi đến các đơn vị trực sẵn sàng chiến đấu để động viên bộ đội. Chính vào phút giao thừa, chỉ huy sẽ gọi điện qua mạng quân sự đến các điểm đảo, nhà giàn, tàu trực để chúc Tết cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu. Những lời chúc như là mệnh lệnh nhưng cũng đầy ắp xúc cảm yêu thương: 'Tôi thay mặt Đảng ủy, chỉ huy Bộ Tư lệnh vùng cùng toàn thể cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đất liền gửi tới các đồng chí lời chúc mừng năm mới, lời chào thân ái! Chúc các đồng chí một năm mới mạnh khỏe, luôn vững vàng nơi tuyến đầu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao!'. Sau lời đáp từ: 'Chúng tôi xin hứa sẽ đoàn kết, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc', tất cả cùng hô vang: 'Chúc mừng năm mới!'.
Và chỉ như thế thôi, đất liền làm điểm tựa cho đầu sóng, là tiếng nói quê hương cho người lính thêm sức mạnh và sự can trường. Ngay cả trong khi nhận điện chúc Tết, tại tất cả các điểm chốt, những đồng chí làm nhiệm vụ vẫn luôn chắc tay súng, hướng mắt quan sát vùng biển được phân công, kịp thời phát hiện mục tiêu, báo cáo đúng phân cấp để xử lý các tình huống, không để bị động bất ngờ.
'Tết lính', Tết nơi đầu sóng là mùa xuân của muôn nỗi nhọc nhằn, là sự thầm lặng hy sinh giữa thời bình, là giấc ngủ mấy nghìn năm chưa bao giờ trọn vẹn của cả dân tộc. Kiên cường nơi đầu sóng, Tết của hải quân chúng tôi là nguyện một lòng thao thức cùng mùa xuân đất nước.
![]()
Chiến sĩ Hải quân luôn chắc tay súng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
Mời bạn đọc tham gia 2 cuộc thi
Tại lễ trao giải cuộc thi viết 'Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm' lần thứ 4 và cuộc thi ảnh 'Thiêng liêng cờ Tổ quốc' lần thứ 3, năm 2023-2024, nhân lễ kỷ niệm 5 năm thực hiện chương trình 'Tự hào cờ Tổ quốc', diễn ra ngày 2-7-2024, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết 'Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm' lần thứ 5 và cuộc thi ảnh 'Thiêng liêng cờ Tổ quốc' lần thứ 4, năm 2024-2025.
Báo Người Lao Động mời bạn đọc là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam tham gia viết bài, gửi ảnh dự thi. Thời hạn phát động, nhận bài và ảnh dự thi, tính từ ngày 2-7-2024 đến 31-5-2025. Bạn đọc quét mã QR hoặc truy cập https://nld.com.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-va-cuoc-thi-anh-thieng-lieng-co-to-quoc-196240701163723125.htm để xem chi tiết về điều kiện, thể lệ của 2 cuộc thi.
![]()