Tham gia buổi làm việc về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương...
Đại biểu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã...
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh Viết Thành
Chuyển dịch tích cực trong cơ cấu ngành kinh tế
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian qua, cùng với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, thành phố đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong đó có 3 nội dung quan trọng là: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, hiện nay đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ đầu năm đến nay, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước.
Tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2024 đạt gần 324 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán; tổng chi ngân sách gần 53 nghìn tỷ đồng, đạt 36% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển hơn 23 nghìn tỷ đồng, đạt 28,7% dự toán.
Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công đến hết tháng 7/2024 đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (18,1 nghìn tỷ đồng), đứng thứ 2 về khối lượng so với các bộ, ngành và địa phương.
Sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu ngành kinh tế là điểm sáng nổi bật. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%. Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 475 nghìn tỷ đồng, tăng 10%; khách du lịch đạt khoảng 3,5 triệu lượt, tăng 33,2%). Thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 3,13 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Viết Thành
Triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thành phố đã đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi); triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư (hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp lý lịch tư pháp…); ứng dụng 'Thẻ vé giao thông Hà Nội' sử dụng thẻ QR động…
Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện Đề án 'Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030', trong đó, Hà Nội được giao chỉ tiêu 56.200 căn giai đoạn 2021-2030.
Về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, đối với Chương trình xây dựng Nông thôn mới, thành phố đã về đích trước 2 năm so với kế hoạch. Đến nay, 100% số huyện, xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngân sách thành phố đã hỗ trợ thực hiện chương trình gần 2.700 tỷ đồng; cơ bản hoàn thành 32/35 chỉ tiêu theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, còn 3/35 chỉ tiêu đang tiếp tục thực hiện.
Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, thành phố đã bố trí kế hoạch vốn gần 1.600 tỷ đồng; thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù, giải pháp giảm nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm xuống còn 0,03%; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.
Các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội tại buổi làm việc. Ảnh Viết Thành
Thực hiện các giải pháp đột phá tạo động lực phát triển kinh tế
Để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 và cả nhiệm kỳ, thành phố Hà Nội xác định tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành với tinh thần '5 rõ trong phân công thực hiện' (rõ việc - rõ người - rõ trách nhiệm - rõ quy trình - rõ kết quả cuối cùng) và '3 rõ trong kiểm tra, giám sát' (rõ thẩm quyền và trách nhiệm - rõ quy trình, tiến độ và kết quả - rõ kết quả kiểm tra xử lý) gắn với việc quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần 'năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung'.
Thành phố Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô, trước hết là khẩn trương tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị, về phân cấp, ủy quyền, về tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Đồng thời, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai...
Thành phố thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số theo hướng đô thị thông minh; hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như hệ thống đường sắt đô thị; dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các cầu vượt sông, các nút giao thông cửa ngõ… Hoàn thành hạ tầng thông tin, hạ tầng số, bảo đảm kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu trong chỉ đạo, điều hành; đưa vào vận hành chính thức: Trung tâm dữ liệu lớn; Hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng… từng bước cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Viết Thành
Tại cuộc làm việc, thành phố Hà Nội nêu một số đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, như xem xét, sớm phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 để tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; có các cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội đô...
Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ, tháo gỡ một số dự án đường sắt đô thị, dự án giao thông, quy hoạch, nhà ở, xử lý vướng mắc cho các dự án chậm triển khai và một số vấn đề cụ thể khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội về mọi mặt.
'Thành phố Hà Nội cam kết tiếp tục nỗ lực cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, để cùng chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại," xứng tầm với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước', Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nêu rõ.