Trong phong tục Tết cổ truyền của người dân Việt, có một tục gọi là lễ hóa vàng vào ngày mùng 3 Tết. Vậy bạn đã biết ý nghĩa cũng như cách thực hiện lễ này chưa? Hãy cùng VOH tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Lễ hóa vàng là gì?
Thông thường, vào ngày 30 tháng Chạp hàng năm, theo phong tục Tết cổ truyền các gia đình Việt sẽ chuẩn bị lễ vật và mâm cơm để mời ông bà, Tổ tiên về ăn Tết của gia đình. Sau 3 ngày, các gia đình sẽ làm một mâm cơm thịnh soạn để đưa tiễn ông bà và tổ tiên, và lễ này được gọi là lễ hóa vàng.
Tục hóa vàng mùng 3 Tết dựa trên tính ngưỡng thờ cúng Tổ tiên - Ảnh: Internet
Lễ hóa vàng, còn gọi là lễ đưa tiễn ông bà, lễ hóa vàng cho Tổ tiên hay lễ tạ năm mới. Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, lễ hóa vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật phẩm hóa vàng thường được gắn với đời sống thường nhật.
Đại đức Thích Giác Nguyên (Nam Định) cho rằng, tục hóa vàng ngoài ý nghĩa 'hồi hương' đến các chư vị trên (Đức phật, thần linh, gia tiên…) thì còn bày tỏ lòng biết ơn của gia chủ đến chư Phật, thần linh, gia tiên… đã luôn phù hộ cho gia đình trong một năm qua.
Ngoài ra, lễ cúng vàng mã cũng được xem như một dịp lễ đón thần tài, tài lộc về với gia đình, hy vọng một năm hanh thông, làm ăn thuận lợi.
Ý nghĩa lễ hóa vàng
'Hóa vàng' có thể hiểu là một dạng dâng cúng các giá trị vật chất cho thần linh, bởi không thể dùng tiền thật để đốt nên con người ta mới nhờ đến tiền vàng mã để dâng cúng. Vàng, mã làm bằng giấy, tượng trưng cho đồ dùng của người đã khuất lúc sinh thời.
Sách Tục thờ cúng của người Việt của tác giả Bùi Xuân Mỹ (NXB Văn hóa Thông tin) có viết, lễ hóa vàng mang ý nghĩa tiễn đưa các cụ trở lại thế giới bên kia, đồng thời thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với Tổ tiên, ông bà.
Với quan niệm 'Âm dương dị đồng nhất lý' nếu đã có mời thì phải có đưa mới đúng lễ. Lễ cúng chiều 30 Tết mang ý nghĩa mời Tổ tiên về ăn Tết, và lễ cúng vào mùng 3 Tết là để tiễn đưa các cụ trở lại thế giới bên kia.
Theo T.S Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, tiền giấy ban đầu không dùng để đốt, chủ yếu là dùng để chôn cùng, treo xung quanh hoặc rải quanh mộ. Nhưng về sau, việc đốt vàng mã được sử dụng phổ biến, từ nghi lễ của vua quan đến dân thường, dần dần trở thành một tín ngưỡng trong dân gian.
Nói về nguồn gốc tục hóa vàng thì đây là một tục lệ chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Tích kể rằng: Vào thời Hán có đôi vợ chồng là Thái Mạc và Tuệ Nương học nghề làm giấy chưa thành thạo đã về quê mở xưởng.
Giấy làm ra xấu không bán được, Tuệ Nương bèn nghĩ ra cách giả chết để thực hiện phương kế bán giấy. Vào ngày thứ 3, trước khi chôn, Thái Mạc đem một ôm giấy đốt bên cạnh quan tài vợ.
Sau khi đốt xong thì Tuệ Nương ở trong quan tài kêu to gọi chồng, rồi đẩy nắp quan tài bước ra hát rằng: 'Dương gian tiền năng hành tứ hải. Âm gian chỉ tại tố mãi mại. Bất thị trượng phu bả chỉ thiêu. Thùy khẳng phóng ngã hồi gia lai'.
Nghĩa là: 'Trên dương gian đồng tiền có thể làm được mọi việc ở mọi nơi, dưới âm phủ giấy cũng có thể dùng để mua bán. Nếu không phải chồng đốt cho giấy ai lại cho tôi quay về dương gian'.
Những người chứng kiến khi ấy đều tin là tốt giấy thành tiền cho người âm phủ rất có lợi nên ai cũng lấy tiền đến nhà Thái Mạc mua giấy về đốt. Không lâu sau, tất cả giấy ế của vợ chồng Tuệ Nương đều bán hết sạch.
Mặc dù là tục lệ du nhập từ nước ngoài, nhưng về đến Việt Nam, kết hợp thêm tư duy 'trần sao âm vậy' nên 'thế giới vàng mã' ngày càng trở nên đa dạng. Khi mua lễ vật hóa vàng, nhiều người còn mua thêm xe máy, ô tô, thậm chí máy bay, điện thoại di động… bên cạnh những món đồ truyền thống là tiền, vàng và quần áo.
Cúng hóa vàng ngày nào tốt nhất?
Theo quan niệm xưa, tục hóa vàng thường được tổ chức sau 3 ngày đón ông bà, Tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, vậy nên các gia đình thường làm lễ hóa vàng vào mùng 3 Tết. Tuy nhiên, hiện nay ngày tổ chức lễ cúng hóa vàng không cố định và tùy thuộc vào mỗi gia đình, có thể tiến hành từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 10 Tết.
Lễ hóa vàng thường được tiến hành vào ngày mùng 3 Tết - Ảnh: Internet
Năm 2024, mùng 3 Tết rơi vào thứ Hai, ngày 12/02/2024 Dương lịch. Khung giờ tốt nhất để thực hiện nghi lễ hóa vàng trong ngày mùng 3 Tết gồm:
Mậu Tý (23h-1h): Kim Quỹ
Tân Mão (5h-7h): Ngọc Đường
Bính Thân (15h-17h): Thanh Long
Kỷ Sửu (1h-3h): Bảo Quang
Giáp Ngọ (11h-13h): Tư Mệnh
Đinh Dậu (17h-19h): Minh Đường
Lễ cúng hóa vàng ngày Tết gồm những gì?
Trong cuốn Hương nhang cổ truyền Bồ Đề Tâm, mâm cỗ hóa vàng thường sẽ có những thứ sau:
Hương
Hoa tươi
Quả tươi
Trà
Trầu cau (thường sẽ có từ 1 - 3 quả cau còn cuống với một lá trầu)
Đèn
Nến
Rượu
Vàng mã
Hai cây mía
Trong lễ cúng hóa vàng, gia đình sẽ chuẩn bị thêm một mâm cơm chay hoặc mặn. Nếu là mâm mặn thì thường sẽ có thêm một con gà trống. Mâm cỗ cúng không quan trọng ít hay nhiều, nhưng cần được chuẩn bị trang nghiêm, đủ đầy thể hiện tấm lòng thành kính của bậc con cháu dành cho Tổ tiên, ông bà.
Sau khi bày biện lễ vật cúng, gia chủ sẽ đọc văn khấn lễ hóa vàng. Trong lời khấn, cần chú ý 3 điều: cảm tạ Tổ tiên, ông bà đã về với con cháu; nay tiễn đưa, mong các cụ phù hộ cho con cháu; trong ba ngày Tết, con cháu có gì khiếm khuyết, xin các cụ tha thứ.
Hóa vàng mùng 3 Tết như thế nào?
Sau khi thực hiện lễ cúng, gia chủ sẽ tiến hành hóa vàng để tạ gia tiên, gia thần.
Lễ hóa vàng được thực hiện ở sân hoặc một góc vườn sạch sẽ.
Mỗi lễ vàng tiền đều được hóa riêng từ các bậc cao xuống theo thứ tự gia thần trước, gia tiên sau.
Trước khi hạ mỗi lễ đều vái ba vái và khấn: 'Gia chủ xin chủ hóa tiền vàng, kim ngân… thỉnh vong linh gia tiên nhận chút lễ bạc, tâm thành. Kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới'.
Phần tiền vàng sẽ được hóa trước, phần đồ dùng hóa sau. Nếu trong gia đình có người mới mất thì phần vàng mã phải được hóa riêng.
Hai cây mía cũng được 'hóa' bằng cách hơ trên lửa hóa vàng mã. Bởi theo tín ngưỡng dân gian, hai cây mía được coi là đòn gánh để Tổ tiên gánh tiền vàng, đồ mã về cõi âm.
Hóa vàng xong, gia chủ sẽ vẩy vài giọt rượu cúng xuống. Đây là một nghi thức thể hiện sự thiêng liêng của lễ hóa vàng, cũng là cách để ông bà, Tổ tiên nhận được đầy đủ các lễ vật, tiền vàng mà con cháu gửi.
Xong lễ, gia chủ vái ba vái, cầu mong gia tiên phù hộ con cháu. Sau đó xin phép thu lộc, chia lộc (mâm cơm cúng) để con cháu cùng nhau dùng bữa cơm thân mật, vui vẻ.
Sau phần lễ cúng hóa vàng con cháu trong nhà sẽ cùng nhau ăn bữa cơm thân mật - Ảnh: Internet
Một số câu hỏi liên quan đến lễ hóa vàng mùng 3 Tết
Thắp hương xong bao lâu thì hóa vàng?
Sau khi dâng hương làm lễ, gia chủ sẽ hóa vàng và thu lộc. Theo đó, khi gần hết 1 tuần hương sẽ bắt đầu hóa tiền vàng. Một tuần hương có nghĩa là thời gian để cháy hết một nén hương, thường sẽ trong khoảng 45 - 60 phút.
Cách đặt gà cúng mùng 3 Tết
Gà là một món rất quan trọng trong mâm cúng hóa vàng. Gà tượng trưng cho 5 đức tính của người dân Việt: Văn - Võ - Dũng cảm - Nhân hậu - Trung tín. Mâm cúng có gà tượng trưng cho mọi điều tốt lành.
Nếu cúng gà ngoài trời, phải đặt gà cúng lên đĩa to, bày biện ngay ngắn, tiết lòng đặt dưới bụng gà, mỏ ngậm bông hoa hồng đỏ. Đầu gà quay ra đường để đón quan Hành khiển cai quản năm mới đi qua. Cách đặt gà cúng này cũng có nghĩa là gọi mặt trời chiếu vào nhà mình.
Nếu đặt gà cúng trên bàn thờ, nên quay đầu gà hướng về bát hương. Tư thế này được gọi là 'con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu'. Nếu đặt phần đầu gà hướng ra ngoài thì đó là 'gà không chịu chầu'.
Cách xử lý tro hóa vàng
Theo quan niệm dân gian, tro đốt hóa vàng sẽ được để nguội sau đó gói vào một tờ giấy đỏ rồi đem rải xuống sông, hồ, suối để cho mát mẻ.
Tuy nhiên hiện nay, quan niệm này đang dần bị mai một bởi rải tro ra sông suối có thể làm ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, gia chủ sau khi hóa vàng có thể đem tro bón vào các gốc cây trong vườn nhà.
Cần lưu ý điều gì khi làm lễ cúng hóa vàng?
Gà sử dụng trong lễ cúng mùng 3 Tết phải là gà trống luộc (không được dùng gà trống thiến hoặc dị tật.
Lễ cúng hóa vàng có thể thực hiện từ mùng 3 đến mùng 10 Tết. Tuy nhiên, mùng 10 âm lịch là ngày vía thần Tài nên các gia đình làm lễ hóa vàng trước mùng 10 sẽ tốt hơn.
Lễ hóa vàng mùng 3 Tết là một lễ cúng quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên. Sau lễ cúng tạ, đưa tiễn ông bà về thế giới bên kia, coi như hết Tết, các gia đình bắt đầu một năm mới với niềm hân hoan, hạnh phúc và bình an.
Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.