Năm 2019, Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa được khởi công, có tổng mức đầu tư 3.800 tỉ đồng (khoảng 166 triệu USD), quy mô đàn bò 20.000 con, xây dựng hai cụm trang trại.
Dự án trang trại ngàn tỉ ở xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã đi vào vận hành từ tháng 12-2022, đến nay đã có hơn 4.000 con bò
Đến tháng 12-2022, trang trại này bắt đầu đưa vào vận hành, và đến nay đã có hơn 4.000 con bò được đưa về chăn nuôi tại trang trại.
Tuy nhiên, từ khoảng đầu năm 2024 đến nay, người dân một số thôn của xã Yên Mỹ đã bắt đầu lo lắng, bất an về vấn đề môi trường mà trang trại này gây ra.
Bà Lê Thị Liên (ngụ thôn Ổn Lâm, xã Yên Mỹ), nhà sống gần trang trại, cho biết trong cơn mưa lớn cuối tháng 4-2024, gia đình bà có lấy nước tại mương thoát nước mặt của trang trại bò dẫn vào ao thì xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt. 'Toàn bộ cá trong ao nhà tôi nổi lên chết hết, lúc này nước ao đen, nổi màng và có mùi hôi thối. Gia đình đã báo cáo, cơ quan chức năng có về lấy mẫu nước để làm rõ nguyên nhân cá chết, thế nhưng đến nay chưa nhận được kết quả'- bà Liên cho biết.
Hệ thống xử lý nước thải của trang trại bò, nhìn bằng mắt thường chỉ cách khu dân cư thôn Ổn Lâm, xã Yên Mỹ không xa
Cũng theo bà Liên, ao của gia đình bà nuôi cá đã lâu, chưa bao giờ xảy ra hiện tượng cá chết như thế này, chỉ khi gia đình tháo nước vào trong ao thì mới xảy ra hiện tượng như thế. Ngoài ra, bà Liên cũng phản ánh việc gần đây trang trại bốc ra mùi hôi. 'Mùi hôi thối gây ra không chịu được, đặc biệt là vào ban đêm, mùi hôi xộc vào nhà thối lắm. Đây là mùi do ngâm ủ thức ăn gây ra'- bà Liên thông tin.
Theo một số người dân khác ngụ thôn Ổn Lâm, không chỉ có mùi ủ chua của thức ăn, khi trời mưa lớn, nước chảy từ nhiều khu vực, trong đó có cả nước từ trên đồi tràn cả ra đường, xuống ruộng lúa của các hộ. 'Chúng tôi lo lắng khi dự án ở trên cao, người dân lại ở dưới thấp, nước mưa ngày trước thường ngấm xuống đất hoặc chảy xuống hồ Yên Mỹ, nhưng nay có nhà máy phải gom lại, nên thường tràn xuống thôn Ổn Lâm'- một người dân cho hay.
Theo ghi nhận thực tế, trang trại bò rộng hàng chục ha nằm trên một quả đồi cao, một bên là khu dân cư (thôn Ổn Lâm, xã Yên Mỹ) và một bên là hồ Yên Mỹ. Phía hồ Yên Mỹ cung cấp nước cho Khu Kinh tế Nghi Sơn nên nước mặt không được xả thải mà thu gom đổ về khu dân cư, còn nước thải sau khi xử lý sẽ được xả dưới hạ lưu đập Khe Tre (thuộc xã Yên Lạc, huyện Như Thanh).
Người dân thôn Ổn Lâm lo lắng về vấn đề môi trường kể từ khi trang trại bò đi vào hoạt động
Trước thực trạng trên, người dân xã Yên Mỹ đã có kiến nghị tới HĐND huyện Nông Cống và huyện này cũng đã vào cuộc kiểm tra, phối hợp xử lý.
Đại diện UBND xã Yên Mỹ cho biết kiến nghị của người dân là đúng thực tế và đã phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, tìm giải pháp để đảm bảo môi trường, đời sống cho người dân.
Trả lời Báo Người Lao Động, đại diện UBND huyện Nông Cống cho biết sau khi tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh của người dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng đã vào cuộc kiểm tra vấn đề môi trường, nguồn nước gây hiện tượng cá chết tại ao cá nhà bà Liên. 'Huyện đã mời một đơn vị độc lập lấy 3 mẫu nước mặt (nước mặt tại hồ lắng thu gom nước mưa của trang trại trước ao cá, sau ao cá và trong ao cá nhà bà Liên)'- đại diện UBND huyện thông tin.
Mương xử lý nước mặt của trang trại bò đổ ra cánh đồng thôn Ổn Lâm, xã Yên Mỹ
Kết quả kiểm tra cho thấy có 6 mẫu phân tích vượt quy chuẩn tại mẫu nước mặt phía trên của hồ lắng thu gom và tại ao cá nhà bà Liên (trong đó các chỉ số tại ao cá nhà bà Liên rất cao), mẫu phía dưới ao có 4 chỉ số vượt. Theo đại diện UBND huyện Nông Cống, đơn vị đã yêu cầu trang trại giải trình, nhưng vẫn chưa nhận được kết quả.
Về việc phát tán mùi, đại diện UBND huyện Nông Cống cho biết đó là mùi do ngâm ủ thức ăn gây ra. Huyện cũng đã yêu cầu công ty có giải pháp khắc phục như trồng cây xanh quanh trang trại, bổ sung chế phẩm vi sinh vào thức ăn ủ chua, phun vào nền chuồng để ngăn mùi, che phủ hố ủ chua bằng bạt nilon, bổ sung màn ngăn mùi.
Xin kéo dài đường ống xả thải
Theo tìm hiểu, do người dân xã Yên Lạc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa không đồng ý cho trang trại bò sữa Yên Mỹ xả thải ra khu vực điểm hạ lưu đập Khe Tre. Vì thế, để có thể xả nước thải qua xử lý ra môi trường, công ty đã đề xuất kéo dài đường ống thêm 2,1 km xuống phía hạ lưu (cuối thôn Tân Xuân, đầu thôn Tân Tiến, xã Yên Lạc) và đã được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý.
Được biết, hệ thống xử lý nước thải trị giá 100 tỉ đồng của trang trại đã hoàn thành vận hành thử nghiệm; được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, đánh giá đạt các thông số tiêu chuẩn xả thải theo quy định.