Nghiên cứu này là một trong những hoạt động nổi bật thuộc khuôn khổ Chương trình Năng lực Kỹ thuật số ASEAN (ASEAN Digital Literacy Programme – viêt tắt ASEAN DLP). Hơn 190,000 người tham gia trên khắp khu vực Đông Nam Á đã được trang bị các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản nhờ có chương trình này.
Với sự tham gia của Ban Cố vấn Thanh niên ASEAN (ASEAN Youth Advisory Group), chương trình đã vận động cho chiến dịch thông qua các kênh truyền thông, tiếp cận hơn 900,000 người trên mạng xã hội và kêu gọi thành công 3,000 người tham gia hoạt động. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định tầm quan trọng của kiến thức số trong khả năng nhận biết và ứng phó với thông tin sai lệch của những cộng đồng này.
'Sau khi hoạt động nghiên cứu thuộc Chương trình Năng lực Kỹ thuật số ASEAN khép lại, Quỹ ASEAN đã mời các bên liên quan tham dự và thảo luận về các kết quả nghiên cứu. Nghiên cứu này bao gồm khảo sát định lượng và dữ liệu định tính được thu thập từ tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN. Trong khuôn khổ của Hội nghị chuyên đề ngày hôm nay, chúng tôi đã trình bày kết quả này, nhằm giúp các bên tham gia có thể tham khảo các kiến thức cũng như khuyến nghị từ mỗi quốc gia thành viên, từ đó thảo luận chuyên sâu hơn với các nhà nghiên cứu tại quốc gia của họ. Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trong khối ASEAN, góp phần tạo ra một không gian kỹ thuật số toàn diện và an toàn hơn', Tiến sĩ Piti Srisangnam, Giám đốc điều hành của Quỹ ASEAN, chia sẻ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự chênh lệch trong khả năng tư duy phản biện và bảo vệ quyền riêng tư giữa các nước thành viên ASEAN. Cụ thể, người dân Thái Lan xếp hạng cuối về trình độ tư duy phản biện, đạt mức 25%, trong khi người dân ở nước láng giềng Campuchia đạt mức 62,2%. Người dân ở Phillipines được đánh giá còn hạn chế trong kỹ năng bảo vệ quyền riêng tư, chỉ 17,42% người tham gia đạt trình độ cao, trong khi Singapore đạt mức cao với 54,37%.
Tại Việt Nam, những tiến bộ đáng kể về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và việc sử dụng Internet trở nên phổ biến hơn đã giúp đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2011 và hướng đến quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Đáng chú ý, thứ hạng của Việt Nam trong Chỉ số phát triển CNTT (IDI) của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã nhảy vọt, từ xếp hạng thứ 108 vào 2017 lên thứ 78 vào năm 2019, và duy trì vị trí này vào năm 2023. Điều này phản ánh những tiến bộ đáng kể về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, sức mua và khả năng tiếp cận thiết bị công nghệ tại quốc gia này.
Lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam đã đạt 77,93 triệu người vào năm 2023, chiếm 79,1% dân số và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, đưa Việt Nam đứng thứ 38 trên toàn cầu và thứ 4 trong khối ASEAN về tỷ lệ sử dụng Internet.
Chính phủ Việt Nam nhận định phát triển CNTT là mục tiêu quốc gia quan trọng trong đẩy mạnh phát triển kinh tế và tiến trình công nghệ hóa, hiện đại hóa của đất nước. Nền kinh tế số của Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á, dự đoán sẽ đóng góp vào 30% GDP quốc gia vào năm 2030. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia sở hữu tỷ lệ kết nối di động cao nhất trong ASEAN — trung bình hơn 1,5 kết nối mỗi người. Tuy nhiên, bất bình đẳng thu nhập vẫn là rào cản đối với việc tiếp cận CNTT.
Thực tế, vẫn có khoảng cách đáng kể trong việc sở hữu máy tính và khả năng tiếp cận Internet giữa các hộ gia đình khá giả và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thực trạng thông tin sai lệch vẫn còn tồn tại trên mạng xã hội cũng là một thách thức không nhỏ, thúc đẩy kêu gọi cải cách chính sách toàn diện, công tác xử lý vi phạm, thúc đẩy giáo dục cộng đồng và hợp tác quốc tế. Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ rõ ràng về CNTT và kinh tế số, nhưng quốc gia này vẫn cần giải quyết các vấn đề về bất bình đẳng thu nhập, năng lực kỹ thuật số và ngăn chặn thông tin sai lệch, nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng toàn diện và cải thiện phúc lợi của người dân.
Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực thông tin trong kỷ nguyên số, cụ thể là tư duy phản biện và kỹ năng đánh giá nguồn thông tin trên mạng. Nhằm thu hẹp khoảng cách năng lực số, việc tổ chức các chương trình giáo dục là rất cần thiết – đơn cử như chương trình Silver Infocomm Junctions dành cho người lớn tuổi tại Singapore, tích hợp khoa học máy tính vào chương trình giảng dạy ở trường học, đồng thời thúc đẩy mạng lưới hỗ trợ xã hội trong phạm vi cộng đồng và gia đình để nâng cao năng lực số.
Ngoài ra, cần đảm bảo tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận các tài nguyên số, thông qua việc bình ổn giá các thiết bị công nghệ và đảm bảo kết nối Internet ổn định. Bên cạnh đó, sự thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan là vô cùng cần thiết để tạo dựng một xã hội kỹ thuật số toàn diện hơn, đồng thời cần đẩy mạnh các chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân nhằm giải quyết những thách thức về thông tin giả mạo và sai lệch.
Thông qua công bố những dữ liệu quan trọng này, Quỹ ASEAN mong muốn khơi dậy các cuộc thảo luận có ý nghĩa và thúc đẩy nỗ lực hợp tác giữa các bên liên quan, nhằm giải quyết các thách thức về năng lực kỹ thuật số mà các nước thành viên ASEAN đang phải đối mặt. Mục tiêu của Quỹ là tăng cường năng lực đối phó của cộng đồng trước thông tin giả mạo và sai lệch, bằng cách tổ chức các chương trình nâng cao năng lực kỹ thuật số toàn diện với sự tham gia của nhiều bên liên quan. Các chương trình được thiết kế phù hợp với cơ sở hạ tầng, yếu tố văn hóa-xã hội và các chính sách của từng chính phủ thuộc khối ASEAN.
Hội nghị chuyên đề ASEAN lần này có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ ASEAN, đại diện từ Google.org, đại diện Ban Thư ký ASEAN, các đối tác địa phương của Chương trình ASEAN DLP, các thực thể liên kết ASEAN, các tổ chức tư vấn và các chuyên gia về kiến thức kỹ thuật số trong khu vực. Hội nghị khép lại với thảo luận chuyên đề: 'Từ Khoảng cách đến Trao quyền: Chiến lược Nâng cao Kiến thức Kỹ thuật Số Toàn diện trong Khu vực ASEAN', xoay quanh chiến lược trao quyền hướng tới kiến thức kỹ thuật số toàn diện, đặc biệt là trong các cộng đồng yếu thế tại ASEAN.