Như đã đưa tin, sáng 6/3, lực lượng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM phối hợp cùng Công an quận Gò Vấp và các đơn vị liên quan khám xét chi nhánh trụ sở Công ty F88 trên đường Nguyễn Oanh.
Động thái này được thực hiện sau thời gian Công an TPHCM phối hợp với Công an quận Gò Vấp điều tra, ghi nhận phản ánh về việc Công ty CP kinh doanh F88 thực hiện hoạt động cho vay, nghi có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản.
Liên quan hoạt động cho vay, nghi cưỡng đoạt tài sản của Công ty F88, tại Thanh Hoá đầu tháng 2/2023, UBND TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các quyết định phạt hành chính nhiều điểm kinh doanh tài chính của công ty tại tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, hàng loạt các điểm kinh doanh cầm đồ F88 ở số 04 (342 Nguyễn Trãi, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa); số 07 (195 Lê Lai, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa); số 01 (349 Trần Phú, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa); số 10 (02 Lê Hoàn, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) đã bị Công an TP Thanh Hóa kiểm tra hành chính.
Những cơ sở này bị xác định vi phạm trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội như: Lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh không đầy đủ; nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố tại cơ sở kinh doanh trong thời gian cầm cố tài sản…
Công an Thanh Hoá cho rằng tuy lãi suất cầm cố và lãi suất cho vay của F88 đều nằm trong hạn mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước cho phép, nhưng trong quá trình làm thủ tục đăng ký cho người có nhu cầu thế chấp tài sản vay tín dụng, các cơ sở này yêu cầu khách hàng nộp thêm nhiều khoản phí. Cụ thể, các loại phí như thẩm định điều kiện cho vay (1,4%/tháng); phí quản lý tài sản cầm cố (2 - 3%/tháng nếu để tài sản tại nơi cầm cố, 5%/tháng đối với người có nhu cầu mượn lại tài sản); phí đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo. Với cách này, tổng số tiền phí và lãi khách hàng có nhu cầu vay tín dụng phải trả là rất cao.
Sau khi có báo cáo của Công an TP Thanh Hóa, căn cứ hành vi vi phạm, UBND TP Thanh Hóa đã ban hành các quyết định xử phạt mức tiền từ 15 - 18 triệu đồng đối với các điểm kinh doanh trên.
Tháng 8/2022, UBND huyện Di Linh (Lâm Đồng) cũng đã có quyết định xử phạt hành chính 25 triệu đồng đối với Công ty CP kinh doanh F88 tại Lâm Đồng địa điểm kinh doanh tại thị trấn Di Linh vì không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng quảng cáo, băng rôn.
Theo đó, Công ty này bị phạt hành chính với số tiền 25 triệu đồng. Cơ quan chức năng cũng đã buộc tháo dỡ các bảng, băng rôn quảng cáo vi phạm.
Trước khi bị khám xét, F88 mắc những sai phạm gì? (ảnh: F88).
Tìm hiểu được biết, F88 được thành lập năm 2013, tự nhận là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân, cầm đồ... có quy mô và tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Trong năm 2022, F88 đã mở 211 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 800 (tính đến thời điểm tháng 11/2022). F88 đặt mục tiêu năm 2023 sẽ là tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính số 1 Việt Nam, sở hữu 1.000 phòng giao dịch trên 63 tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều khách hàng, 'núp' dưới vỏ bọc hoành tráng bề ngoài, thực chất hoạt động bên trong của hệ thống này chính là cho vay cầm đồ theo kiểu “tín dụng đen”. Hiện Công ty F88 đang cho vay với lãi suất dao động từ 1.500 - 2.000 đồng/1 triệu/ngày (tương đương 4,5 - 7,5%/tháng hay 54 - 90%/năm).
Công ty CP kinh doanh F88 hoạt động ngày 30/6/2016, có địa chỉ tại phòng 206, tầng M, tòa nhà N01A, số 275 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội do ông Phùng Anh Tuấn là người đại diện pháp luật. Ngoài ra, ông Phùng Anh Tuấn còn là đại diện của nhiều doanh nghiệp khác, điển hình như: Công ty CP bất động sản thương mại và dịch vụ du lịch Quang Chung; Công ty CP FFINTECH; Công ty TNHH G INVESTMENT; Công ty TNHH G HOLDING; Công ty CP Đầu tư F88; Công ty CP kinh doanh F88…
Từng tiết lộ với Bloomberg, ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm CEO Công ty CP Kinh doanh F88 cho biết doanh nghiệp này dự định sẽ niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2024 với định giá 1 tỷ USD.
Theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam là 9%/năm.
Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 quy định tại khoản 1, Điều 468 về lãi suất, lãi suất vay do các bên thỏa thuận:
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được quy định như sau:
- Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 - 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
- Phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt từ 30 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.