Tính đến 6h ngày 3/4, Việt Nam ghi nhận 233 ca bệnh Covid-19 tại 25 tỉnh, thành phố. Trong đó, 75 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh. Hiện tại, các chuyên gia y tế nhận định, dịch bệnh đã bước vào giai đoạn 3.
Nếu ở giai đoạn 1, nguồn lây nhiễm bắt nguồn từ Trung Quốc, Việt Nam đã 'chặn đứng' các nguy cơ từ nhóm công nhân trở về từ Vũ Hán, chủ động kiểm soát tình hình. Vì vậy, cả 16 ca bệnh đều được chữa trị khỏi và xuất viện.
Thì từ ngày 6/3, bệnh nhân 17 mở ra giai đoạn 2 với số lượng lớn ca bệnh thâm nhập từ nước ngoài. Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng xác định được ca F0 như khu vực Trúc Bạch (Hà Nội) liên quan bệnh nhân 17, khu vực Bình Thuận liên quan bệnh nhân 34. Dịch bệnh cơ bản được ngăn chặn và kiểm soát tốt, chưa xuất hiện ca bệnh lây lan trong cộng đồng mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Giai đoạn 3 được nhận định 'mất dấu F0', có những ca bệnh Covid-19 không rõ nguồn gốc. Người bệnh đi lại trong cộng đồng và chúng ta không biết họ là ai, ở đâu. Điều đó có nguy cơ lớn lây lan trong cộng đồng khi bất cứ ai cũng có thể bị lây bệnh.
Điển hình là Bệnh viện Bạch Mai (tại khoa Thần Kinh và khu căng tin của Công ty Trường Sinh).
Đến nay, ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn chưa thể làm rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Truy tìm những ca bệnh số 0 mất dấu
6h sáng nay, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục ghi nhận một trường hợp nhiễm Covid-19 là nhân viên công ty Trường Sinh. Như vậy, 'ổ dịch' Bạch Mai đã có 43 ca bệnh liên quan, gồm 27 người của công ty Trường Sinh và các điều dưỡng, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Bệnh viện có 3 chùm bệnh nhân, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Khoa Thần Kinh và công ty Trường Sinh, đều không thể xác định được đâu là ca nhiễm đầu tiên, nguồn lây.
Ban đầu, các chuyên gia y tế tập trung vào hướng lây nhiễm từ nhân viên y tế khi 2 ca bệnh khởi phát đều là điều dưỡng làm việc tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai.
Cụ thể, bệnh nhân 86 là điều dưỡng của Phòng khám ngoại trú HIV, từng đi nghỉ tại Côn Đảo cùng gia đình. Ngày sau, cô về Hà Nội đi làm bình thường, không có biểu hiện lâm sàng. Người này có tiếp xúc nhiều lần với bệnh nhân 87 - điều dưỡng tiếp đón bệnh nhân tại khu cách ly Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Con gái của bệnh nhân 86 cũng nhiễm bệnh, lây từ mẹ.
Đến nay, chưa ghi nhận ca bệnh Covid-19 tại Côn Đảo và trên các chuyến bay có bệnh nhân 86. Bởi vậy, 'bệnh nhân số 0' của 86 cho đến nay vẫn chưa thể xác định.
Bệnh viện Bạch Mai ngay sau đó đã lấy mẫu bệnh phẩm toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm, tất cả nhân viên y tế đều âm tính.
Hướng thứ hai, các chuyên gia đặt giả thiết là dấu hiệu lây nhiễm từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Khoa Thần Kinh.
Về dịch tễ, khi có thông tin bệnh nhân 133 ở Lai Châu nhiễm Covid-19, BV đã cho xét nghiệm ngay lập tức những người tiếp xúc gần, phát hiện bệnh nhân 161- người nằm cùng phòng và con dâu của người này (bệnh nhân 162) cũng dương tính.
Trong khi người mẹ 88 tuổi (BN161) có kết quả dương tính ngay, rất rõ ràng thì người con dâu (BN162) phải làm đi làm lại mới thấy dương tính, và dương tính 'rất yếu ớt' do tải lượng virus thấp, chưa đủ cho kết quả dương tính nhanh.
Phó GĐ Bệnh viện Bạch Mai - TS Dương Đức Hùng nhận định có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Thứ nhất, do bệnh nhân mới nhiễm; thứ hai là đã nhiễm lâu, giờ là giai đoạn thoái trào. Từ đó, ông Hùng cho rằng ca bệnh này nhiễm ngoài cộng đồng chứ không phải nhiễm trong BV Bạch Mai.
Ông cũng phán đoán sơ đồ dịch tễ là người con dâu nhiễm Covid-19 ở ngoài rồi lây cho mẹ 88 tuổi, sau đó mẹ lại nằm cùng giường với bệnh nhân số 133 ở Lai Châu nên cả 3 người cùng nhiễm virus.
Thế nhưng, đây cũng chỉ mới là phán đoán, chưa thể xác định 'bệnh nhân số 0' ở đây là ai.
Điều tra dịch tễ tiếp theo cho thấy có nguồn lây nguy hiểm hơn nữa là từ nhân viên của các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống, hậu cần trong BV. Đến nay, công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ tại BV Bạch Mai đã có 27 người nhiễm.
Ngoài ra, các chuyên gia dịch tễ đang tiếp tục điều tra nguồn lây bệnh từ những người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp.
PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) cho rằng nguy cơ lây nhiễm từ nhân viên các công ty cung cấp dịch vụ trong BV, đội ngũ chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp là rất nguy hiểm vì những người này di chuyển qua nhiều BV. Tới đây, không chỉ BV Bạch Mai mà các BV khác phải đặc biệt chú ý hai nguồn này.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng HCM cho biết, có 2 kịch bản nếu để lọt lưới F0.
1. Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng và tới bệnh viện khám. Bác sĩ sẽ điều tra dịch tễ nếu nguy cơ sẽ được cách ly và xét nghiệm. Trường hợp này bệnh nhân sẽ lây cho người khác khi trước khi phát bệnh. Số lượng lây bệnh sẽ tùy theo mức độ tiếp xúc.
2. Người mắc bệnh triệu chứng rất nhẹ và có thể tự hết bệnh không cần điều trị. Trường hợp F0 này có thể lây cho một vài người qua tiếp xúc gần. Hiện nay, chưa ghi nhận ca đi ngang qua nhau mắc bệnh do Việt Nam có môi trường thông thoáng, làm tốt các biện pháp ngăn chặn, cách ly xã hội.
Nếu F0 có bị bỏ sót thì đường lây nhiễm quan trọng bậc nhất vẫn là tiếp xúc gần, do không có biện pháp để phòng ngừa mang khẩu trang, rửa tay. Để không bị lây bệnh chúng ta cần phải mang khẩu trang khi đi ra ngoài, không tập trung đông quá 2 người, giữ khoảng cách giao tiếp 2m.
Ngoài ra, người F0 lọt lưới nếu họ không biết mình mắc bệnh nhưng tuân thủ đúng mang khẩu trang, tiếp xúc giữ khoảng cách 2m thì cũng không thể phát tán được virus để lây cho người khác.