Cảnh nhà thiếu trăm bề
Nằm ẩn mình dưới chân đồi ở thôn Quý Tân (xã Cẩm Quý) có một căn nhà làm bằng đá rộng hơn 30m2. Đây là nơi sinh sống của gia đình VĐV Cao Thị Duyên trong suốt hơn 20 năm qua.
Ngôi nhà mái ngói lụp xụp nằm nép mình bên sườn núi là nơi sinh sống của 5 thành viên trong gia đình VĐV Cao Thị Duyên.
Kỳ thực, nếu không được chứng kiến tận mắt, không ai dám nghĩ một cô gái tài năng, đẳng cấp châu lục lại sinh ra và lớn lên trong điều kiên thiếu thốn đến như vậy. Đảo qua một vòng ngôi nhà, ngoài chiếc tivi nhãn hiệu TCX 21 inh được sản xuất từ những năm 2000 thì gần như bên trong không còn tài sản gì đáng giá.
Cả cuộc đời lam lũ làm lụng từ khi còn là chàng thanh niên đến khi tóc đã điểm bạc, ông Cao Văn Kỷ (44 tuổi, bố của VĐV Cao Thị Duyên) gần như không có ước mơ nào lớn cho riêng mình. Với ông, khao khát lớn nhất của cuộc đời là được nhìn thấy Duyên và người anh trai khôn lớn, khỏe mạnh và có cuộc sống bình yên, ổn định.
Trên một khoảnh tường của căn nhà treo đầy những tấm huy chương và bằng khen của Duyên.
Từ khi Duyên còn nhỏ, ông Kỷ đã rất lo lắng, nhiều đêm trằn trọc bó gối khi biết đam mê của con là trở thành một VĐV bơi chuyên nghiệp. “Thời điểm năm lớp 4, khi thấy các bạn được chọn để thi bơi thì cháu Duyên thường ra các khe suối gần nhà để luyện tập. Thấy cháu có sự kiên trì và năng khiếu, các thầy trong trường đã nhận cháu về để đào tạo. Những ngày đầu, khi vượt quãng đường hơn 100km xuống Trung tâm thể dục thể thao của tỉnh, mẹ cháu cứ khóc suốt vì lo và nhớ con. Dần dà, khi đã quen với môi trường, cháu nói hòa nhập tốt nên tôi và bà ấy ở nhà cũng thấy an hơn tâm', ông Kỷ bộc bạch.
Làm nghề ‘phu đá', quanh năm cheo leo bên 'lưới hái' tử thần nên ông Kỷ có rất ít thời gian dành cho gia đình. Trước khi Duyên là VĐV, ông Kỷ không hiểu SEA Game là gì, phải mãi đến sau này, khi có con gái tham gia thì ông mới tập trung tìm hiểu. Trong thời gian diễn ra SEA Game 32 vừa qua, trong nhà ông Kỷ có người mất nên theo niệm của người Mường là không được mở tivi. Cộng thêm việc hai ông bà đều không có smartphone nên việc xem Duyên thi đấu là không thể. Vì vậy, mỗi ngày, hai vợ chồng đành chờ đợi tin nhắn từ chiếc ‘cục gạch’ hoặc những cuộc gọi cập nhật kết quả do con gái hoặc HLV gửi về.
Bố mẹ của Duyên vui mừng, tự hào vì thành tích mà con gái đã mang về cho tổ quốc.
Vừa đi gặt 2 sào lúa về, bà Cao Thị Quang (43 tuổi, mẹ của Duyên) mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn niềm nở khoe rằng, chỉ vài ngày trước, thầy Phạm Tuấn Anh (HLV của Duyên) và Duyên đã trực tiếp gọi điện thông báo rằng kết thúc kỳ SEA Game 32, em đã giành được 3 HCV, 2 HCB, vượt kỷ lục so với năm ngoái.
“Trước đó thì tôi cũng thấy hàng xóm báo tin là cháu giành được nhiều huy chương nên trong lòng cũng vui lắm, nhưng cũng không dám khoe với ai vì vẫn chưa tin hẳn. Mãi đến cuối tuần vừa rồi, khi chính Duyên xác nhận việc này thì gia đình mới vỡ òa trong sung sướng. Kỳ này, khi Duyên nó về, gia đình chắc chắn phải mổ lợn đãi khách”, bà Quang phấn khởi nói.
Khi rảnh việc đồng áng, bà Quang chịu khó đan lát để kiếm thêm thu nhập.
Không chỉ người trong gia đình, mỗi khi nhắc về VĐV Cao Thị Duyên, người dân ở xã Cẩm Quý đều cảm thấy hạnh phúc xen lẫn tự hào: “Năm ngoái, cháu Duyên đã giành được 2 vàng, năm nay còn khá hơn rất nhiều khi có tới 3 vàng, 2 bạc. Ở trong xã và có thể là toàn huyện này, tôi chắc chắn, có rất ít người theo nghiệp thể thao có thành tích tốt như cháu”, ông Bùi Văn Nghĩa, hàng xóm chia sẻ.
Nỗ lực vượt lên số phận
Chiếc tivi 21 inh được sản xuất từ những năm 2000 là đồ vật có giá trị nhất trong căn nhà.
Nhìn lên hàng chục tấm huy chương và bằng khen treo trên tường mà con gái đã giành được, bà Cao Thị Quang, mẹ của Duyên cho biết, để có được thành quả trên, Duyên đã phải đánh đổi, hy sinh rất nhiều thứ.
“Làm bố làm mẹ, ai cũng mong con mình được sung túc, đầy đủ như những đứa trẻ khác nhưng tôi và chồng lại không cho cháu được những điều ấy. Biết cảnh nhà khổ nên ngay từ bé, cháu đã quyết tâm rất lớn phải thay đổi số phận. Vì vậy, khi có cơ hội xuống thành phố để tập luyện, cháu đã rất cố gắng để trở thành một VĐV chuyên nghiệp, từ đó, có nguồn kinh tế để đỡ đần gia đình”, bà Quang cho biết.
Sinh ra và lớn lên trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn nhưng Duyên đã vượt qua số phận để trở thành một VĐV quốc gia.
Từ ngày con gái xuống thành phố tập luyện, căn nhà của 2 vợ chồng dần trở nên cô quạnh. Mỗi lần Duyên về thăm nhà, em phải xuống ngủ với bà nội do nhà đang ở bé quá, lại không có phòng riêng. Cách đây khoảng 10 năm, ông Kỷ và anh em họ hàng nhặt đá vụn, loại đá vốn chỉ dùng để xếp làm hàng rào, kiếm ít vôi vữa ghép thành nơi ở.
Theo thời gian, vách tường đã tróc lở, ông Kỷ phải căng thêm bạt để tránh nóng. Thế nên, biết là thương con, nhớ con nhưng vợ chồng bà Quang vẫn luôn tin tưởng, hy vọng, con gái mình có tương lai tốt khi gắn bó với nghiệp thể thao. 12 năm, kể từ ngày Duyên xa nhà, ông Kỷ vẫn miệt mài đội nắng cheo leo trên những mỏm đá, bà Kỷ ở nhà làm ruộng. Lúc nông nhàn thì làm thêm nghề đan cót kiếm đồng ra đồng vào.
Bà Đỗ Thị Mạc ngắm nhìn những tấm huy chương mà Duyên dành tặng cho bà.
Bà Đỗ Thị Mạc, bà nội của Duyên kể, cuộc đời bà 73 tuổi nhưng chưa bao giờ vui và hạnh phúc như bây giờ. Chồng mất từ năm 37 tuổi, lúc bố của Duyên mới 14 tuổi, bà ở vậy nuôi 4 người con, Duyên là đứa cháu gắn bó với bà nhất. Bà Mạc không biết nhiều về thể thao, về SEA Games, về kỷ lục này nọ, chỉ biết mỗi lần cô cháu gái đạt thành tích trở về, bao giờ cũng tặng huy chương cho bà.
Chỉ về cái hồ nằm giữa làng Én, ông Cao Văn Lưỡng, chú ruột Duyên cho biết, đây là địa điểm Duyên đã tâp luyện hồi nhỏ để có thể vào được đội tuyển của trường. Từ nơi này, sau hàng chục năm, Duyên đã bơi ra biển lớn, vươn tầm khu vực với nhiều HCV ở các kỳ SEA Games.
Hồ làng Én, nơi khởi nguồn đam mê của VĐV Cao Thị Duyên
Năm 2022, Cao Thị Duyên được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vì có thành tích thi đấu xuất sắc, giành HCV tại SEA Games 31. Ngoài ra, em còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá.
Tại kỳ SEA Games 32 vừa được tổ chức ở Campuchia, VĐV Cao Thị Duyên đã giành 3 HCV bộ môn lặn ở các nội dung 4x200m vòi hơi chân vịt tiếp sức nữ, 4x100m vòi hơi chân vịt tiếp sức nữ, 100m chân vịt đôi nữ. Giành 2 HCB ở các nội dung 50m cá nhân vòi hơi chân vịt nữ và 4x50m tiếp sức hỗn hợp. Đây là thành tích cao nhất, một kỷ lục của thể thao Thanh Hóa mà 1 VĐV giành được tại 1 kỳ SEA Games.