Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Trước đó, Công an tỉnh Bình Dương cũng hoàn tất kết luận điều tra để đề nghị truy tố bị can Hằng và chuyển hồ sơ vụ án cho Công an TP.HCM gộp vụ án để xử lý theo quy trình tố tụng.
Theo kết luận điều tra của công an thì bị can Hằng đã sử dụng 12 tài khoản mạng xã hội gồm một tài khoản Facebook tên 'Nguyễn Phương Hằng', 2 tài khoản YouTube tên 'Trường Đua Đại Nam', 'Christiana Nguyen' và 9 tài khoản Tiktok.
Thông qua các buổi livestream trên mạng xã hội, bà Hằng đã phát ngôn về nhiều chủ đề, nội dung khác nhau, trong đó có những phát ngôn về chuyện bí mật đời tư cá nhân và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều người. Cụ thể, các cá nhân đã gửi đơn tố cáo bà Hằng lên Công an TP.HCM gồm: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni), ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo Đức Hiển), bà Đinh Thị Lan, bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là ông Lê Công Vinh (cựu cầu thủ Công Vinh).
Vụ án bà Nguyễn Phương Hằng là một điển hình của thực trạng nhiều buổi livestream trên mạng xã hội với nội dung mang tích chất làm nhục, xúc phạm, vu khống, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều tổ chức, cá nhân.
Bà Nguyễn Phương Hằng nhiều lần livestream đấu tố các cá nhân, nghệ sĩ.
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề livestream 'độc hại', luật sư Mai Thảo – Phó giám đốc Công ty luật TAT Law Firm cho biết: 'Từ vụ bà Phương Hằng, sau khi những cá nhân bị hành vi của bà Hằng xâm phạm có đơn tố giác tội phạm, các ngày 24, 25/3/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Phương Hằng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điều 331 BLHS. Hiện nay bà Hằng tiếp tục bị tạm giam để giải quyết vụ án. Đây là hậu quả tất yếu của việc coi thường pháp luật, xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín của người khác'.
Theo luật sư Mai Thảo, với sự phát triển về công nghệ thông tin, đặc biệt là các dịch vụ mạng xã hội như hiện nay, mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Nó là công cụ giúp con người kết nối thuận tiện hơn trong cuộc sống nhưng cũng chính vì nó mà khiến xã hội trở nên hoang mang, hỗn loạn bởi những thông tin có nội dung xấu, độc hại.
Trong suốt thời gian qua, việc livestream nói xấu, “bóc phốt” đã trở thành tiêu điểm, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường mạng xã hội. Từ đó, rất nhiều những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm, đe dọa danh dự, nhân phẩm cũng như sức khỏe và tính mạng của người khác xuất hiện ngày càng dày đặc để lại rất nhiệu hệ lụy cho cả xã hội nói chung và nạn nhân nói riêng.
Đối với xã hội, việc livestream sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa ứng xử trên môi trường mạng xã hội, tạo ra những hệ lụy, tiêu cực cho xã hội, nhất là khi đó là phát ngôn của người được dư luận quan tâm.
Hành vi này góp phần cổ xuý cho hiện tượng nói tục, chửi bậy, thoá mạ lẫn nhau trên không gian mạng ngày càng phổ biến, đặc biệt là hiện tượng thách đố nhau tìm ra thông tin, tìm cách xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông để đánh cắp dữ liệu dần, xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân của người khác; xu hướng dùng mạng xã hội để xúi giục, kích động, tẩy chay và trả đũa nhau, xâm phạm cuộc sống đời tư người khác để chửi rủa mà bất chấp đúng sai.
Luật sư Mai Thảo trai đổi với PV Infonet.
Những điều này làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta, tạo ra tâm lý, suy nghĩ lệch lạc của giới trẻ, vốn là những đối tượng dễ bị tác động bởi thông tin trên mạng xã hội.
Đối với những nạn nhân của việc bị “bạo lực” trên mạng xã hội: Những thông tin bịa đặt sẽ gây ra thiệt hại vô cùng lớn cả về vật chất và tinh thần cho không chỉ nạn nhân mà cả gia đình của nạn nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, công việc, nhân phẩm và danh dự của họ. Thậm chí đã có rất nhiều người tìm đến cái chết vì những lời vu khống, xúc phạm trên mạng xã hội.
Luật sư Mai Thảo nêu một số ví dụ như vụ việc vào khoảng tháng 6/2013, nữ sinh lớp 12 (P.U.N) của một trường THPT ở Đà Nẵng đã uống thuốc an thần tự tử. Người nhà N. may mắn phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân được tiết lộ sau đó, chỉ vì N. bị trang fanpage B.M.T.C.C.H.Đ.T. viết bài vu khống để thóa mạ, bôi nhọ lên Facebook. Nhiều dân mạng đã a dua chỉ trích, xúc phạm N. thậm tệ. Quá mệt mỏi, N. tìm đến cái chết.
Hay vụ em N.T.C.L. khi đó là nữ sinh lớp 12 của một trường THPT ở H.Thạch Thất (Hà Nội), đã bị bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đăng lên Facebook. Các thành viên trên mạng xã hội này đã vào giễu cợt, thậm chí miệt thị L., khiến nữ sinh này uất ức tự tìm đến cái chết.
Và cũng có thể kể đến 7 bị hại trong vụ án của bà Nguyễn Thị Phương Hằng. 'Việc bà Hằng có những phát ngôn phản cảm, xúc phạm danh dự của những ông bà này đã gây ảnh hưởng lớn tới công việc và cuộc sống của họ, ảnh hưởng tới hình ảnh với công chúng bởi đa phần những người bị hại đều là người nổi tiếng. Họ phải chịu sức ép cũng như đả kích “búa dìu” từ những bình luận tiêu cực của dư luận”, luật sư Mai Thảo đánh giá.
Từ những sự việc đáng buồn trên, luật sư Mai Thảo nêu quan điểm: “Với sự tiện ích, mạng xã hội mang đến những giá trị tích cực cho công việc cũng như cuộc sống của con người. Tuy nhiên, có thể thấy hiện nay, việc livestream trên mạng xã hội đang bị lợi dụng từ một tính năng hữu ích lại trở thành công cụ cho những mục đích xấu, vi phạm pháp luật dẫn tới những hệ lụy khó lường, không ít những mặt tiêu cực, những hành vi lệch chuẩn trong môi trường mạng xã hội, ảnh hưởng xấu tới những giá trị văn hóa, nhân văn của dân tộc.
Hiện tượng này còn cho thấy việc nhẹ dạ cả tin, đua đòi một cách mê muội theo những thông tin, phát ngôn sai lệch. Điều đó khiến mạng xã hội trở thành môi trường hỗn loạn, không lành mạnh cho sự phát triển về văn hóa, đạo đức của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Sự việc bà Phương Hằng cho thấy mạng xã hội là ảo nhưng trách nhiệm và hệ quả để lại là thật, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm khắc và không ai có quyền đứng trên pháp luật. Đồng thời là sự cảnh tỉnh rõ nhất cho bất cứ cá nhân nào coi thường pháp luật, tự cho mình quyền xúc phạm, thóa mạ, bôi nhọ, đưa tin sai sự thật, không có căn cứ về người khác”.