Khó khăn khi triển khai thí điểm tự chủ
Tại buổi làm việc, Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, BV đã hoàn thành đề án tự chủ vào tháng 3/2022, sau 2 năm triển khai. BV cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho dừng thí điểm tự chủ vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. BV đề nghị được thực hiện theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP.
Lãnh đạo BV Bạch Mai đã báo cáo Quyền Bộ trưởng những khó khăn, vướng mắc của BV trong thời gian vừa qua, bao gồm: Giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ (mới tính 4/7 cấu phần); nhiều máy móc hiện đại trong các đề án liên doanh liên kết tại BV đang dừng hoạt động (do có liên quan đến tính pháp lý) nên thiếu trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân; các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm cũng dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… phục vụ người bệnh.
'Nhiều máy móc còn tốt, cấu hình hiện đại nhưng phải 'đắp chiếu', trong khi người bệnh không có trang thiết bị để chẩn đoán và điều trị. Đây là điều rất khó khăn của BV', Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ.
Hiện nay, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV Bạch Mai tăng gấp 5 lần so với những tháng đầu năm nay. Số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú tại BV khoảng 6.000-9.000 người/ngày; bệnh nhân nội trú từ 3.500-4.000 người/ngày. 'Với số bệnh nhân đông, lại thiếu máy chiếu, máy chụp, máy nội soi… BV đã phải động viên toàn thể cán bộ, công nhân viên đi làm từ 5h để phục vụ bệnh nhân đến khám ngoại trú, với những ca bệnh nội trú sẽ phục vụ vào buổi chiều và ban đêm', Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ.
Bà Đoàn Thu Trà, Chủ tịch Công đoàn BV Bạch Mai cũng chia sẻ, nhiều tháng nay, cán bộ, nhân viên y tế của BV phải đi làm sớm, về muộn. Nhiều bác sĩ phải làm việc và trực tại BV 24/24 giờ, nhưng thù lao trực hiện nay vẫn tính theo giá từ 11 năm về trước, mức 115.000 đồng/ca. Có điều dưỡng phải làm thêm buổi tối, bán hàng online để trang trải cuộc sống…
Thu nhập trung bình hiện nay của một điều dưỡng tại BV Bạch Mai khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, bác sĩ có mức thu nhập trung bình từ 13-17 triệu đồng/tháng. Có gia đình, hai vợ chồng đều làm điều dưỡng, nuôi 2 đứa con và đi thuê nhà. Với mức lương này, họ không thể tập trung cho công việc. Với bác sĩ, nhất là các bác sĩ giỏi, bệnh viện tư nhân luôn mời chào họ với mức lương 100-200 triệu/tháng, vì vậy, BV rất khó giữ ‘chân’ các thầy thuốc trong hoàn cảnh hiện nay.
Theo Giám đốc BV Bạch Mai, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu của BV. Trong 2 năm 2020 và 2021, mỗi năm nguồn thu của BV giảm 2.000 tỷ đồng. Hiện tại, toàn bộ nguồn thu của BV đang gặp rất nhiều khó khăn.
Về giá dịch vụ y tế, PGS.TS. Đào Xuân Cơ cho biết, hầu hết các dịch vụ tại BV Bạch Mai đang thu theo giá của BHYT. Ví dụ, với dịch vụ siêu âm hiện nay tại BV, kỹ thuật siêu âm có giá gần 44.000 đồng, nhưng các cơ sở khác có giá từ 100.000-130.000 đồng.
Giá dịch vụ khám chữa bệnh theo BHYT quy định áp dụng theo giá dịch vụ khám chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành, tức là các giá dịch vụ y tế tại BV đang áp dụng theo giá của BHYT, nhưng lại trong giai đoạn triển khai thí điểm tự chủ BV. Đặc biệt, đến nay, Bộ Y tế cũng chưa ban hành khung giá và mức giá trần của dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, nên BV đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tự chủ BV.
Ông Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản lý BV Bạch Mai cũng cho biết, từ tháng 2/2020, BV Bạch Mai được giao nhiệm vụ triển khai thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 33/NQ-CP, thí điểm cho phép thực hiện theo mô hình mới và có báo cáo sơ kết sau khi triển khai thí điểm. Tuy nhiên, ông Dương Đức Hùng cho rằng, các điều kiện để BV triển khai tự chủ còn thiếu, thậm chí 'chưa được giao các điều kiện về tự chủ'.
'Các điều kiện cơ bản về tự chủ như tự chủ bộ máy, tự chủ về giá, nhưng trong 2 năm qua BV chưa bao giờ đủ điều kiện làm tự chủ. Vì vậy, BV mạnh dạn xin được chuyển đổi mô hình sang thực hiện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP cho nhóm 2 – đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của BV Bạch Mai', ông Dương Đức Hùng cho biết.
Sau khi nghe báo cáo của BV Bạch Mai, Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã chia sẻ với những khó khăn của các y, bác sĩ và khẳng định luôn tiếp thu những ý kiến, phản ánh từ phía các BV, người dân.
Hiện nay, sau 2 năm triển khai thí điểm tự chủ, Quyền Bộ trưởng cho biết, các BV phải có báo cáo sơ kết để Bộ tổng hợp, báo cáo Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện thí điểm tự chủ hay chuyển hướng thực hiện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP.
Hiện, BV K đã báo cáo. Quyền Bộ trưởng đề nghị từ nay đến đầu tháng 9, BV Bạch Mai cũng cần phải có báo cáo cụ thể. BV muốn dừng triển khai tự chủ, hoặc thực hiện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP thì phải phân tích kỹ. Nếu tiếp tục thực hiện tự chủ thì có những vướng mắc gì, nếu chuyển hướng thực hiện theo Nghị định 60 thì ưu điểm gì, các hướng dẫn cần có chi tiết như nào…
Bà Đào Hồng Lan cũng cho rằng, nếu tháo gỡ được việc này cùng với việc Chính phủ đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong các văn bản pháp luật thì sẽ có hành lang pháp lý sẽ giúp các BV có định hướng tốt hơn trong thời gian tới.
Liên quan đến Nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Quyền Bộ trưởng cho biết, trong một vài ngày tới sẽ trình Chính phủ xem xét, để tháo gỡ trước mắt các vấn đề liên quan vấn đề liên quan về giá, BHYT, liên quan máy mượn, máy đặt… để các cơ sở y tế thực hiện.
Đặc biệt, Thủ tướng luôn nhắc nhở và thúc giục đẩy nhanh việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2021/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp, ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập, để nhanh chóng tháo gỡ được phần nào khó khăn cho cán bộ nhân viên y tế hiện nay.