Bước vào tháng 3, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc tạm thời được khống chế ở mức độ nhất định thì trái lại, Italia lại nổi lên như một điểm nóng tại châu Âu.
Chỉ riêng trong ngày 24/3, Italia ghi nhận 743 ca tử vong, nâng tổng sổ ca tử vong lên con số 6.820. Hiện nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở quốc gia Nam Âu này là 69.176 ca.
Đáng chú ý, không kể tâm dịch Trung Quốc, một số quốc gia như Hàn Quốc vốn bùng phát dịch bệnh sớm hơn Italia nhưng cho đến nay, số ca nhiễm và tử vong tại các quốc gia này lại thấp hơn.
Cho đến nay, Hàn Quốc ghi nhận 9.137 ca nhiễm, 120 ca tử vong. Như vậy, số ca tử vong ở Italia lớn gấp gần 57 lần Hàn Quốc, gấp 2 lần Trung Quốc (3.281 ca).
Vậy tại sao lại có sự khác biệt giữa các quốc gia? Điều gì ảnh hưởng đến sự lây lan dịch bệnh ở các quốc gia?
Tỷ lệ tử vong tập trung ở nhóm người cao tuổi
Theo The Paper (Trung Quốc), trước vấn đề trên, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Jennifer Beam Dowd tại Đại học Oxford (Anh) đã tiến hành phân tích từ góc độ dân số. Nghiên cứu của họ đã chứng minh tác động giữa cấu trúc tuổi và tương tác giữa các thế hệ đối với sự lây lan và tỷ lệ tử vong do Covid-19.
Nhóm nghiên cứu cho biết, dữ liệu hiện tại cho thấy nguy cơ tử vong do Covid-19 tập trung cao ở người cao tuổi, đặc biệt là những người trên 80 tuổi. Điều này được chứng minh qua số liệu từ Trung Quốc và Italia tính đến ngày 13/3.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở độ tuổi 40-49 là 0,4% nhưng với độ tuổi trên 80, tỷ lệ này đạt 14,8%.
Tại Italia, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở độ tuổi 70-79 là 10,8%, ở độ tuổi 80-90 là 17,5%, từ 90 tuổi trở lên là 21,1% và ở độ tuổi dưới 50, số ca tử vong chỉ là 6. Cho đến nay chỉ có 3% số ca tử vong xảy ra ở độ tuổi dưới 60.
Tỷ lệ tử vong theo độ tuổi ở Italia tính đến ngày 13/3, theo Viện sức khỏe quốc gia Italia.
Cấu trúc tuổi dẫn đến sự khác biệt về tỷ lệ tử vong
Cấu trúc tuổi của dân số có thể giải thích cho sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ tử vong giữa các quốc gia và tại sao các quốc gia như Italia bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Italia là một trong những quốc gia có tình trạng già hóa dân số nghiêm trọng nhất thế giới. Tỷ lệ dân số trên 65 tuổi đạt 23,3%, trong khi ở Trung Quốc là khoảng 12%.
Theo nhóm nghiên cứu, Italia cũng là một quốc gia có sự tương tác thường xuyên giữa các thế hệ, tức cha mẹ sống gần con cái đã trưởng thành là tình trạng phổ biến. Ngay cả khi họ không sống cùng nhau thì việc tiếp xúc hàng ngày giữa con cái và cha mẹ vẫn mang tính thường xuyên. Nhiều người Italia thích sống gần gia đình và đi làm hàng ngày, thói quen này ảnh hưởng đến hơn một nửa dân số ở miền Bắc Italia.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, hình thức tương tác giữa các thế hệ, sắp xếp nơi ăn chốn ở và phương pháp đi lại như vậy có thể làm tăng nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm bệnh, do đó đẩy nhanh sự bùng phát.
Sự khác biệt về cấu trúc tuổi và biện pháp kiểm soát và điều trị thời kỳ đầu cũng có thể giải thích tại sao những nước như Hàn Quốc, Singapore có ít ca tử vong hơn Italia.
Mặc dù số ca nhiễm được ghi nhận ở Hàn Quốc là rất lớn nhưng hầu hết các trường hợp tập trung ở các tín đồ trung tuổi của giáo phái Tân Thiên Địa và chỉ 3,3% xảy ra ở nhóm người cao tuổi - trên 80 tuổi. Trong số 200 trường hợp được xác nhận tại Singapore, chỉ có một trường hợp trên 80 tuổi, 10 trường hợp trên 70 tuổi và chưa có ca tử vong, số liệu tính đến ngày 13/3.
Theo nghiên cứu, nếu virus corona mới lây nhiễm từ nhóm người trẻ tuổi thì số lượng ca nhiễm thể nặng sẽ thấp hơn, điều này khiến nó khó bị phát hiện dẫn đến tốc độ phản ứng chậm tương ứng của các quốc gia đó.
Ví dụ, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Anh hiện khá thấp, (chỉ 0,01%), có thể cho thấy cấu trúc tuổi của người nhiễm bệnh là tương đối trẻ. Một ví dụ khác, tại Mỹ, mặc dù kết quả của giải trình tự gen virus cho thấy virus corona đã được truyền nhiễm trong vài tuần trước đó nhưng nó chỉ được chú ý khi 19 trường hợp tử vong xảy ra tại một viện dưỡng lão ở Kirkland.
Và một khi nó lây nhiễm trong cộng đồng thì các quốc gia có sự tương tác giữa các thế hệ rất thường xuyên hay chung sống cùng nhau có thể gặp phải tình huống tương tự như Italia.
Đối chiếu giữa các quốc gia
Để giải thích thêm về tác động của cấu trúc tuổi của dân số, các nhà nghiên cứu đã sử dụng biểu đồ kim tự tháp dân số để phân tích sự khác biệt về tỷ lệ tử vong do Covid-19 giữa các nhóm tuổi khác nhau.
Kim tự tháp ở góc trên bên trái cho thấy cấu trúc tuổi của dân số Italia và Hàn Quốc, màu xanh đại diện cho Italia và màu đỏ đại diện cho Hàn Quốc. Có thể thấy rõ rằng, tỷ lệ dân số già trên 60 tuổi ở Italia cao hơn và cơ cấu tuổi của dân số cũng già hóa. Dựa trên tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong theo giới tính ở từng độ tuổi hiện nay, thì số ca tử vong ở Italia ước tính cao hơn nhiều so với Hàn Quốc, đặc biệt là nhóm đối tượng người cao tuổi.
Sau đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu tình huống có thể xảy ra trong trường hợp dịch bệnh bùng phát ở hai quốc gia là Brazil và Nigeria.
Hai quốc gia này có số dân gần như tương đương nhau nhưng cấu trúc tuổi dân số khác nhau. Kim tự tháp ở góc dưới bên trái cho thấy cấu trúc tuổi của hai quốc gia nay. Màu xanh tượng trưng cho Brazil và màu đỏ tượng trưng cho Nigeria, cho thấy cấu trúc dân số của Brazil ngày càng già hòa. Trong trường hợp này, số ca tử vong ước tính của Brazil cũng lớn hơn nhiều so với Nigeria (kim tự tháp ở góc dưới bên phải).
Ảnh minh họa
Tiếp đó, các nhà nghiên cứu đã so sánh số tử vong theo độ tuổi ở Italia, Brazil, Nigeria, Anh và Mỹ. Như thể hiện trong hình dưới đây, số ca tử vong trong nhóm dân số cao tuổi cao hơn nhiều so với dân số trẻ, các quốc gia có tử lệ dân số già lớn thì số ca tử vong cũng nhiều hơn.
Ảnh minh họa
Do đó, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng, mặc dù hệ thống y tế của các nước nghèo kém phát triển nhưng do dân số của họ trẻ hơn nên tác động của dịch bệnh có thể tương đối nhỏ. Tất nhiên, ở những nước như vậy, sức khỏe tổng thể toàn dân kém và sự tồn tại của các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh lao cũng có thể làm tăng nguy cơ những người trẻ tuổi nhiễm Covid-19.
Tuy nhiên, số ca nhiễm ở các nước châu Phi cho đến nay vẫn thấp hơn nhiều so với dự kiến, cho thấy cấu trúc dân số trẻ của châu Phi có thể phát huy vai trò mang tính bảo vệ trước dịch bệnh Covid-19. Tất nhiên, điều này cũng có thể là do các trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện.
Ảnh minh họa
Hỗ trợ cơ sở chính sách
Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Dowd nhận định, việc dự đoán xu thế phát triển dịch bệnh từ góc độ dân số có thể cung cấp cho các chính phủ cơ sở chính sách tốt hơn. Cấu trúc tuổi của dân số không chỉ giúp chúng ta xác định các nhóm dân số có nguy cơ cao giữa các quốc gia và trong nội bộ một quốc gia mà còn giúp chúng ta thực hiện cách ly xã hội trong các nhóm dân số ở từng mức độ tương ứng, để giảm thiểu các ca nhiễm thể nặng và gánh nặng y tế.
Các quốc gia có dân số già hóa sâu hơn cần thực hiện các biện pháp chặt chẽ hơn để tránh làm quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt chú ý đến những nhóm người có nguy cơ cao hơn cũng như mô thức tương tác giữa các thế hệ, đồng thời cân nhắc đến tác dụng tương hỗ giữa các chính sách khác nhau.
Ngoài cấu trúc tuổi, các nhà nghiên cứu tin rằng sự khác biệt về giới trong tỷ lệ tử vong cũng cần được phân tích thêm. Dữ liệu hiện tại chỉ ra rằng, nam giới có nguy cơ tử vong cao hơn nữ giới, điều này có thể là do tỷ lệ hút thuốc ở nam giới các nước châu Á nhiều hơn so với nữ giới.
Ngoài ra, sự phân bố của các bệnh tiểu đường và tăng huyết áp trong dân số cũng rất quan trọng để dự đoán nguy cơ lây nhiễm và tử vong.
Nhưng trước khi có thể đạt được những dữ liệu này, thực tế tỷ lệ tử vong do Covid-19 tập trung ở nhóm người cao tuổi là một trong những công cụ tốt nhất để chúng ta dự đoán quy mô các ca nhiễm thể nặng và lên kế hoạch chính xác các nguồn lực y tế như giường bệnh và nhân viên y tế.