Đầu tư nghìn tỷ, hiệu quả bao nhiêu?
Được khởi công xây dựng năm 2013 và đưa và sử dụng từ năm 2017, dự án xe buýt nhanh (BRT) Hà Nội có lộ trình Bến xe Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa với tổng chiều dài khoảng 14,7km. Trên các tuyến phố trong lộ trình sẽ có làn đường chỉ dành riêng cho xe buýt nhanh.
Xe buýt nhanh BRT được đầu tư cả nghìn tỷ đồng nhưng không đáp ứng được kỳ vọng. Ảnh: TL
Kinh phí đầu tư lên tới trên 1.000 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới nhưng sau khoảng 5 năm khai thác, buýt nhanh BRT thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thực hiện đã không đáp ứng kỳ vọng và nhiều sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Có mặt tại tuyến đường Lê Văn Lương trong giờ cao điểm sáng đầu tuần, PV ghi nhận tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Đây là tuyến đường có lượng phương tiện lưu thông lớn tuy nhiên diện tích mặt đường dành cho các phương tiện còn hạn chế.
Do ùn tắc, xe máy đi cả lên vỉa hè để thoát ra khỏi khu vực, một số phương tiện thì lấn vào làn BRT làm cho nhiều người tỏ ra khó chịu, ngán ngẩm. Đặc biệt tại nút giao Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Tố Hữu, phương tiện lưu thông rất vất vả.
Anh Hùng một lái xe taxi không khỏi ám ảnh mỗi khi đi di chuyển qua trục đường Lê Văn Lương, Láng Hạ vì chỉ cần một chút lơ là đi nhầm vào làn BRT thì sẽ bị xử phạt.
Thực tế nhu cầu đi lại rất lớn mà đường thì hẹp bây giờ lại mất đi một làn chỉ dành riêng cho buýt nhanh BRT là không hợp lý, anh Hùng khẳng định.
Còn bác Tâm (trú tại quận Hà Đông) cho biết, bản thân bà thường xuyên sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển vì phù hợp với lứa tuổi cũng như nhiều lợi ích.
Nhưng bác cho rằng vị trí đặt nhà chờ của buýt nhanh chưa tiện lợi cho người sử dụng. Nhà chờ BRT được đặt ở đoạn phân cách giữa hai phần đường chứ không nằm ở vỉa hè như những tuyến xe buýt thông thường khiến người sử dụng phải đi bộ qua đường rất nguy hiểm.
Số liệu của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho thấy, trong giai đoạn 2017 - 2020, tuyến BRT này đã phục vụ khoảng 5 triệu hành khách/năm.
Khi dịch COVID -19 bùng phát, lượng khách giảm còn 1,8 triệu lượt vào năm 2021. Doanh thu năm 2018 toàn tuyến đạt 27,5 tỷ đồng, năm 2020 sụt còn 15,2 tỷ đồng, tỷ lệ trợ giá lên đến 36,6%.
Khắc phục tồn tại, xử lý nghiêm những vi phạm
Tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ chính thức công khai hàng loạt sai phạm xảy ra tại Dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội. Tại gói thầu xây dựng đường trạm xe buýt thuộc Hợp phần I - Xe buýt nhanh BRT (Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội) từ Bộ Y tế - đường Khuất Duy Tiến - Bến xe Yên Nghĩa, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khi lập bước thiết kế đường đã thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng.
Nhiều sai phạm thuộc Hợp phần I - Xe buýt nhanh BRT (Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội) đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ. Ảnh: TL
Trong khi đó, hồ sơ báo cáo khảo sát mặt đường dự án do Công ty cổ phần tư vấn Việt Delta lập, kết quả cho thấy “cường độ mặt đường tốt”. Điều đó đã gây lãng phí ngân sách nhà nước trên 15 tỷ đồng.
Hay phần bổ sung các thiết bị vào gói thầu CP08 có tổng giá trị trên 17,6 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư không tổ chức đấu thầu mà ký hợp đồng bổ sung với nhà thầu là vi phạm Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng về điều kiện được chỉ định thầu.
Tổng số tiền sai phạm trên 43,5 tỷ đồng tại Hợp phần I- Xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Trong đó số tiền 42,4 tỷ đồng do Công ty cổ phần Thiên Thành An xuất bán cho chủ đầu tư đối với 35 xe buýt BRT, giá trị chênh lệch tăng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện...
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị giao UBND TP.Hà Nội xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thống nhất với nhà tài trợ để thu hồi số tiền theo kết luận thanh tra. Nếu công ty cổ phần Thiên Thành An không thực hiện thì chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Nhìn nhận về buýt nhanh BRT, TS.Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải khẳng định, trong điều kiện hiện nay hoặc 5 - 7 năm nữa Hà Nội chưa nên nhân rộng loại hình này. Nguyên nhân phải kể đến 50 - 60% các tuyến đường của thủ đô có mặt cắt từ 6 - 11 mét.
Trong khi đó, mặt đường phù hợp cho buýt BRT phải 25 - 30 mét trở lên. Nếu học tập nước ngoài, các cơ quan quản lý cũng phải có những vận dụng phù hợp với những đặc điểm đường sá, thói quen đi lại, khí hậu...của Việt Nam.
Trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, BRT chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được được đặt trong mạng lưới buýt nhanh đồng bộ, đáp ứng đầy đủ điều kiện về hạ tầng, luật lệ. Việc chỉ thí điểm một tuyến rồi dừng lại không thể đòi hỏi BRT phát huy hiệu quả.
Ùn tắc ở đoạn tuyến BRT đi qua chỉ là phần nổi của bất cập trong cách thức tổ chức tuyến buýt này. Dự án có nguồn vốn lớn, tác động sâu rộng đến hạ tầng giao thông của Hà Nội nhưng không được tính toán cẩn trọng về quy hoạch.
Tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã dù độ đi lại lớn, song quỹ đất dành cho giao thông rất eo hẹp, trên tuyến có nhiều giao cắt. Đặc điểm này khiến hoạt động của BRT bất lợi, tốc độ không đạt như thiết kế, đẩy tình trạng ùn tắc thêm trầm trọng và từ đó nảy sinh bức xúc.
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất cho một số phương tiện đi chung vào làn buýt nhanh BRT. Nhiều ý kiến cho rằng phương án này là bước lùi về mặt chính sách, chỉ để “chữa cháy” mà không đem đến nhiều hiệu quả.
Việc cho một số phương tiện đi vào làn BRT sẽ giải toả bớt một phần mặt đường dành cho xe thông thường. Nhưng câu hỏi đặt ra, giả sử có những xe đi vào làn BRT rồi từ phía sau xe buýt nhanh chạy đến bị vướng, phải chờ đợi và vô hình chung sẽ trở lại với loại hình xe buýt truyền thống, ùn tắc là điều khó tránh khỏi.